17/04/2017 08:39 GMT+7 | Trong nước
(giaidauscholar.com) - Những động thái phô trương sức mạnh quân sự và những lời lẽ hăm dọa của cả Mỹ và Triều Tiên có thể chỉ là “đòn cân não” và “nắn gân” lẫn nhau.
Sự tăng nhiệt ghê gớm trên bán đảo Triều Tiên trong những ngày qua khiến dư luận không khỏi lo ngại về nguy cơ nổ ra một cuộc xung đột quân sự. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận và đánh giá từ nhiều góc độ khác nhau, có thể thấy những động thái phô trương sức mạnh quân sự và những lời lẽ hăm dọa của cả Mỹ và Triều Tiên có thể chỉ là “đòn cân não” và “nắn gân” lẫn nhau.
Trước hết, nhìn từ góc độ của Mỹ, những động thái của Washington như điều hàng loạt tàu chiến, trong đó có tàu sân bay USS Carl Vinson, áp sát bán đảo Triều Tiên dường như nhằm mục đích thử phản ứng của phía Triều Tiên xem liệu Bình Nhưỡng có dám vượt quá “ranh giới đỏ” và sẵn sàng cho một cuộc đối đầu với Washington hay không. Việc “động binh” của Mỹ cũng nhằm gây áp lực với Trung Quốc buộc nước này phải có động thái tích cực và quyết liệt hơn để chấm dứt chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Động thái của Mỹ cũng nhằm khẳng định rằng những gì mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình liên quan tới vấn đề Triều Tiên trong chuyến thăm Mỹ hồi tuần trước là hoàn toàn có thể xảy ra. Đó là khả năng Washington sẽ tự giải quyết vấn đề Triều Tiên mà không cần tới Trung Quốc. Ông Trump đang tìm cách phá vỡ thế bế tắc kéo dài nhiều năm qua và tạo ra bước đột phá trong các nỗ lực buộc Triều Tiên phải từ bỏ chương trình hạt nhân.
Về phía Triều Tiên, những màn phô trương sức mạnh với hàng loạt vũ khí tối tân trong cuộc diễu binh nhân kỷ niệm 105 ngày sinh cố Chủ tịch Kim Nhật Thành cùng hành động thử tên lửa trong ngày 16/4 (mặc dù thất bại) cho thấy Bình Nhưỡng cũng đã sẵn sàng cho một cuộc đối đầu với Mỹ. Tuy nhiên, việc Triều Tiên có khơi mào cho một cuộc chiến tranh hay không lại là chuyện khác.
Vì thế, có thể nhận định rằng những động thái phô trương sức mạnh và những tuyên bố mang tính khiêu khích của Bình Nhưỡng cũng là nhằm thử “sức chịu đựng” của Washington, qua đó hiểu rõ hơn chính sách của tân Tổng thống Trump đối với Triều Tiên, nhất là sau khi nhà lãnh đạo này nhấn mạnh rằng Triều Tiên hiện là mối đe dọa lớn nhất đối với Mỹ.
Trên thực tế, đây không phải lần đầu tiên kể từ khi hai miền Triều Tiên ký Hiệp định đình chiến năm 1953, tình hình bán đảo Triều Tiên lại rơi vào thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Triều Tiên đã không ít lần sử dụng con bài “bên miệng hố chiến tranh” để đạt được mục đích của mình trong nhiều vấn đề, nhất là trên bàn thương lượng với các nước liên quan.
Các nhà lãnh đạo ở Washington và Bình Nhưỡng hoàn toàn đủ khôn ngoan để hiểu rằng điều gì sẽ xảy ra nếu một bên không thể kiểm soát tình hình. Rõ ràng, một cuộc chiến tranh xảy ra trên bán đảo Triều Tiên sẽ gây ra những hậu quả thảm khốc và không bên nào giành thắng lợi trong cuộc chiến đó: nền kinh tế thứ 11 thế giới là Hàn Quốc có nguy cơ bị hủy diệt hoàn toàn do Seoul nằm gọn trong tầm bắn của các tên lửa Triều Tiên, Trung Quốc có thể phải đón nhận làn sóng người tị nạn khổng lồ từ Triều Tiên, Nhật Bản cũng sẽ phải gánh chịu những hậu quả thảm khốc về mọi mặt, và đương nhiên các lực lượng Mỹ đóng quân tại hai quốc gia đồng minh cũng sẽ bị thiệt hại và chịu tổn thất nặng nề,…
Nói như vậy để thấy rằng cả Mỹ và Triều Tiên vẫn đang cố gắng giữ tình hình ở trong tầm kiểm soát và không vượt quá “giới hạn đỏ”. Có nhiều lý do để nhận định rằng Mỹ khó có thể tấn công phủ đầu Triều Tiên.
Ngoài những hậu quả thảm khốc mà một cuộc xung đột có thể gây ra cho các bên, sự khác nhau giữa một Triều Tiên với năng lực hạt nhân được đánh giá ở mức đáng lo ngại và một Syria với chương trình hạt nhân vẫn còn ở giai đoạn khởi đầu cũng là một yếu tố quan trọng để các chuyên gia cho rằng Mỹ sẽ không thể hành động với Triều Tiên tương tự như với Syria. Điều đó thể hiện ở chỗ Tổng thống Trump đã tỏ ra kiềm chế sau vụ thử tên lửa mới đây của Bình Nhưỡng, thậm chí ông còn tuyên bố "không cân nhắc hành động quân sự" vào thời điểm hiện giờ .
Có vẻ ông vẫn muốn tận dụng tối đa các cơ hội ngoại giao để tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện nay. Bằng chứng là Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã thực hiện chuyến công du tới Hàn Quốc và Nhật Bản trong tình trạng “nước sôi, lửa bỏng” để cùng các đồng minh tìm cách tháo gỡ tình hình. Ngoài ra, tình trạng “bên miệng hố chiến tranh” ở bán đảo Triều Tiên đã khiến các quốc gia có liên quan trong tiến trình đàm phán sáu bên, trong đó có Trung Quốc, phải đẩy mạnh các nỗ lực ngoại giao bởi chiến tranh không phải là kịch bản mà các bên mong muốn.
Có thể mọi nỗ lực chưa thể ngay lập tức dẫn tới một giải pháp thỏa đáng cho vấn đề Triều Tiên, nhưng ít nhất cũng có thể giúp hạ nhiệt tình hình căng thẳng hiện nay và xoa dịu “những cái đầu nóng”.Theo TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất