Nếu Luke Shaw ở V-League

24/09/2015 12:39 GMT+7 | Bóng đá Việt

(giaidauscholar.com) - Câu chuyện cầu thủ Quế Ngọc Hải khiến Trần Anh Khoa bị chấn thương nghiêm trọng sau một pha vào bóng thô bạo là chủ đề của Chủ quán cà phê tuần này với khách mời là một nhà báo thể thao.

+ Ông chủ quán:Trước khi xin hỏi anh về chuyện đền bù,tôi xin chia sẻ một ngạc nhiên vô cùng lớn của mình, là chẳng ai đặt câu hỏi tại sao trong khi Luke Shaw ở châu Âu bị chấn thương sau Anh Khoa ở Việt Nam mà Luke lại được vào viện chữa trị trước?

- Nhà báo thể thao:Vì cậu Luke bị gãy chân còn cậu Khoa thì không.

+ Chứ không phải là người ta còn đang mải mê cãi nhau với sự tham dự đông đảo của dư luận, của các CLB về chuyện đền bù hay không? Bác sĩ nói rằng chấn thương của Khoa cần được chữa trị kịp thời, nếu không có thể ảnh hưởng tới tương lai sự nghiệp. Thủ phạm là Ngọc Hải chấp nhận đền bù, nhưng cậu ấy cần phải đi vay tiền.

- Vậy là vấn đề về tiền và trách nhiệm. Nhưng vấn đề của Luke Shaw được chữa trị ngay tại Hà Lan, nơi trận đấu diễn ra chứ không phải trở về Anh, không phải bởi đội bóng của anh ta là Man Utd có tiềm lực tài chính hùng mạnh, mà là trách nhiệm. Trách nhiệm của CLB được hình thành từ sự ưu việt của cả hệ thống y tế.


Chấn thương của Luke Shaw là nỗi ám ảnh lớn của không chỉ cầu thủ này

Ở nhiều nơi trên thế giới, bất cứ ai ở trong tình trạng sức khoẻ có vấn đề, lập tức được tiếp đón chữa trị dù cho anh ta không có một xu nào trong túi. Vấn đề tài chính sẽ được bàn sau. Họ hiểu việc chữa trị kịp thời và cao hơn là cứu người là một sứ mệnh không điều kiện.

+ Như vậy, nếu Anh Khoa là cầu thủ của Man Utd, cậu ấy sẽ như thế nào?

- Vì là tài sản của CLB, cậu ấy sẽ được đưa thẳng vào bệnh viện sau pha va chạm. Cậu ấy sẽ ở lại bệnh viện cho tới khi được phẫu thuật, hoặc chuyển thẳng sang một bệnh viện khác để chữa trị nếu cần thiết. Cậu ấy sẽ không phải cắn đau tiếp đón truyền thông chia sẻ về chấn thương của mình. Sẽ không phải lo lắng ai sẽ là người trả viện phí. CLB của cậu ấy sẽ làm tất cả, còn việc phân giải đúng sai và phân chia trách nhiệm là hậu xét. Hợp đồng cầu thủ chuyên nghiệp thường có những điều khoản như thế.

+ Hợp đồng cầu thủ chuyên nghiệp ở Việt Nam thì không có điều khoản tương tự sao?

- Hợp đồng cầu thủ chuyên nghiệp có. Nhưng thường thì từ hợp đồng tới thực tế là một khoảng cách. Một CLB không có đủ kinh phí để đưa một cầu thủ ra nước ngoài chữa trị, và việc không được gặp bác sĩ giỏi nên người ta cầu thủ cứ mổ đi mổ lại cho tới cái đầu gối hỏng hẳn thì thôi. Một CLB thấy rằng cầu thủ chỉ còn vài tháng hợp đồng thì tốt nhất cứ “câu giờ” cho tới khi cầu thủ đó phải tự chữa trị sao cho có đủ thể lực để tìm CLB mới. Thế nên mới có chuyện để có thể quay trở lại chơi bóng với thể trạng, thể lực tốt nhất thì cầu thủ phải tự bỏ tiền ra chữa trị chấn thương.


Và đây là pha phạm lỗi của Ngọc Hải dẫn đến chấn thương của Anh Khoa. Ảnh: Thanh Tùng

+ Có phải vì không có những cầu thủ bị bỏ rơi mà bóng đá thế giới văn minh không có quy định nào buộc người phạm lỗi phải bồi thường về vật chất cho người bị phạm lỗi? Ở đấy, sự trừng phạt là treo giò một quãng thời gian hay một số lượng trận đấu là đủ, còn một khoản tiền phạt nào đó sẽ trở thành nguồn thu của BTC giải.

- Tôi không dám chắc là những người soạn luật và thông qua nó có nghĩ tới tới số phận các cầu thủ kém may mắn hay không. Vì một điều luật bắt buộc bồi thường còn có mục đích là răn đe những người chơi bóng có sẵn tư tưởng triệt hạ đồng nghiệp. Treo giò một thời gian dài nếu gắn liền với một số lượng trận đấu lớn đã là một sự trừng phạt, và đánh vào kinh tế sẽ có tác động lớn. Nhưng không phải là ở các nước phát triển thì không có chuyện các CLB không muốn thực hiện bổn phận của họ, nhất là ở đẳng cấp bán chuyên. Tuy nhiên, lại có rất nhiều những công ty chuyên đòi bồi thường thiệt hại cho những chấn thương xảy ra tồn tại ở Anh.

+ Một bộ phận dư luận cho rằng phạt tiền Ngọc Hải là quy định điên rồ. Nó sẽ khiến cho không ai dám chơi bóng hết mình ở V-League nữa. Đá bóng là phải chấp nhận rủi ro.

- Hết mình không đồng nghĩa với thô bạo, triệt hạ. Chúng ta chắc hẳn không nghi ngờ gì về sự hết mình của những cầu thủ như Minh Phương, Tài Em, hay cả những trung vệ như Phước Tứ, Văn Pho trong cả một quá trình dài của sự nghiệp của họ… Có rất nhiều những cầu thủ như thế ở V-League. Bản thân Ngọc Hải cũng có thể chơi hết mình mà giảm thiểu tối đa khả năng gây chấn thương nghiêm trọng cho các đồng nghiệp của anh ta bằng việc tôn trọng luật.

Hết mình trong bóng đá chuyên nghiệp là nỗ lực tập luyện, thi đấu với sự gắng sức tối đa chứ không phải là giơ thẳng gầm giày cao tới 40-50cm nhằm vào chân của đối thủ. Còn nếu như có một cái án phạt và yêu cầu bồi thường cho một chấn thương không may xảy ra sau những va chạm bình thường, những cú tắc bóng có thể vi phạm luật 12 nhưng không ác ý, đó mới thực sự là phi lý.    

+ Làm sao anh có thể phân định một pha bóng nhiệt tình với ác ý?

- Nếu như những người làm bóng đá không thể phân biệt nổi thế nào là nhiệt huyết mà sơ ý với ác ý, thì đừng bao giờ đòi hỏi họ phân định được một trận đấu có vấn đề tiêu cực với một trận đấu có bất ngờ thuần tuý.

+ Cảm ơn nhà báo!

Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm