24/08/2016 12:00 GMT+7 | Giải Bùi Xuân Phái
(giaidauscholar.com) - Bangkok của Thái Lan và Incheon của Hàn Quốc đều được UNESCO công nhận danh hiệu Thủ đô sách của thế giới (Word Books Capital). Vậy, tại sao một thành phố ngàn năm văn hiến như Hà Nội lại… chịu thua?
>>> Chuyên trang Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội
Đó là câu hỏi ám ảnh ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Công ty Thái Hà Books trong nhiều năm. Để rồi, với đề xuất nhiệt tình của ông, giấc mơ ấy đang từng bước thành hiện thực với nền móng là những phố sách Hà Nội.
Hà Nội mỗi “Hàng Sách” là không có
Đầu 2016, báo chí tới tấp đưa tin: UBND TP Hà Nội đã nhận được đề xuất của Thái Hà Books về việc thành lập phố sách và giao cho Sở Thông tin &Truyền thông nghiên cứu chi tiết vấn đề này.
Ông Hùng kể: “Tôi vui tới mất ngủ. Mình kêu nhiều và bây giờ thì cũng thấu. Hào hứng, tôi gọi điện cho bạn bè rồi bảo, câu Hà Nội không vội được đâu xem ra đã tới ngày hết hiệu lực”.
Sự mừng rỡ đặc biệt ấy có thể hiểu được, nếu xét tới tự trào của ông Hùng, rằng bạn bè và độc giả từng tặng thêm cho ông chữ “ K” (tức là khùng), bởi sự say mê và hào hứng khác thường với những gì liên quan tới sách vở.
Người Hà Nội sắp có những con phố sách của riêng mình. Ảnh: Tuoitrethudo
Ông Hùng nói: “Hà Nội có 36 phố phường. Nghề gì, hàng gì cũng có, thậm chí có cả Hàng Bút. Mỗi… Hàng Sách là không. Đó là khoảng trống lớn, khi chúng ta vẫn gắn kèm cụm từ “ngàn năm văn hiến” với thủ đô của mình”.
Như đề xuất của ông Hùng, Hà Nội rất cần cả 2 loại hình: phố sách cố định hoạt động quanh năm (như trường hợp phố sách Nguyễn Thái Bình tại TP HCM) và kết hợp với đó là những phố sách “di động”, nghĩa là sách được để trong các quầy di động, dễ vận chuyển, để cứ cuối tuần thì mang ra giới thiệu trưng bày. Bổ sung cho nhau, những phố sách ấy không chỉ đơn thuần phục vụ chuyện bán – mua mà còn là không gian tổ chức các sự kiện, hoạt động liên quan tới văn hóa đọc.
Thậm chí, ở đó, với những chiếc ghế công cộng, bạn đọc có thể ngồi nhâm nhi một ly cà phê, một ly trà và thả hồn tâm trên từng tranh sách của mình…
Sự thực, từ hơn chục năm qua, một “phố sách” tự phát đã hình thành tại Hà Nội trên 2 trục đường Đinh Lễ, Nguyễn Xí. Theo lời ông Hùng, chính sự hình thành “tự phát” này đã cho thấy nhu cầu thiết yếu của người dân thủ đô về một phố sách cho mình. Rất có ích trong việc đưa sách tới người đọc, nhưng điểm hạn chế lớn nhất ở khu vực này là thiếu không gian cho các hoạt động khác, bởi nằm trong vùng “đất vàng” cạnh Hồ Gươm và khó lòng mở rộng…
Phố 19/12 là điểm khởi đầu
Hà Nội sẽ có phố sách vào ngày 19/12 Thông tin từ UBND Thành phố Hà Nội cho biết: theo kế hoạch, đúng ngày 19/12 tới, phố sách Hà Nội sẽ được khai trương tại phố 19/12, quận Hoàn Kiếm. Theo đó, đây là mô hình phố sách hoạt động quanh năm, do thành phố đầu tư về hạ tầng, không gian, còn các NXB và Công ty sách tự đảm bảo kinh phí tổ chức các gian hàng. |
Ông Hùng nói: “Bây giờ phố 19/12 đã được chọn. Đấy là sự hợp lý nhất trong hoàn cảnh hiện tại, bởi phố Đinh Lễ có quá nhiều cơ quan Trung ương, không thể mở rộng thêm mặt bằng. Còn phố 19/12 hiện là bãi giữ xe, chỉ việc di dời là có một không gian hợp lý. Trên nền không gian ấy, chúng ta sẽ có những quy hoạch tổng thể, để phố sách có thể hoạt động lâu dài”.
Hào hứng, ông Hùng cho biết thêm, khi phố đi bộ Hồ Gươm đi vào hoạt động những ngày cuối tuần, có thể các nhà sách sẽ thiết kế những quầy sách di động, đặt trên hệ thống xe kéo và đề nghị thành phố cho phép bày bán tại đây. Rồi xa hơn, sẽ là những quầy sách di động tại ga tàu điện ngầm trong tương lai. “Phố 19/12 chỉ là khởi đầu” – ông nói.
Kể từ 2001, UNESCO đã chính thức tuyển chọn và trao danh hiệu Thủ đô Sách Thế giới cho 17 thành phố khác nhau, trong đó có Bangkok (Thái Lan, 2013) và Incheon (Hàn Quốc, 2015). Ông Hùng khẳng định: “Tôi tin rằng trong vài năm tới, với những phố sách và độc giả của mình, Hà Nội ngàn năm văn hiến có thể tự ứng cử cho danh hiệu này”.
Cúc Đường
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất