Chuyện U19 Việt Nam: Học đá bóng, và học làm người

08/10/2013 19:00 GMT+7 | Các ĐTQG

(giaidauscholar.com) - Khi bất kỳ một đội tuyển trẻ nào thành công và nhận được sự quan tâm lẫn lời khen ngợi từ công chúng, thì một phản biện thường được ra ngay lập tức: Rằng đừng có khen ngợi lũ trẻ quá đáng, đừng làm cho chúng lên mây, dễ hỏng lắm!

Đội U19 Việt Nam cũng thế. Giáo dục các cầu thủ trẻ bỗng nhiên chỉ gói gọn trong một việc: Đừng có khen bọn trẻ, vì chúng còn non nớt lắm, và không biết ứng xử thế nào với lời khen. Dẫn chứng à? Cứ nhìn thế hệ của Văn Quyến, Như Thuật là biết!

Người lớn đa phần không quan tâm đến lũ trẻ trong một thời gian dài, và đến khi nhìn thấy chúng làm nên thành tựu (nhỏ bé thôi), dù mê lắm đấy, nhưng đã lập tức cảnh giác rồi. Yêu cho roi cho vọt, cứ phải thế!

Dạy làm người trước khi dạy đá bóng

Người viết thật sự bất ngờ khi đọc được lời xin lỗi gửi đến các khán giả của các cầu thủ U19, sau trận thua tức tưởi trước U19 Indonesia ở chung kết giải vô địch U19 Đông Nam Á.

Bất ngờ vì rõ ràng là vì các em hoàn toàn có quyền uất ức, phàn nàn về trọng tài, hoặc đại loại thế. Đội bạn chơi rất rắn, và trọng tài đã hơi nương tay cho chủ nhà. Nhưng không, các em không nói về đối thủ, cũng không đổ lỗi, mà lại… xin lỗi.

Văn hóa xin lỗi thì ai cũng biết rằng đang trở thành một thứ xa xỉ. Sự độ lượng xuất hiện ở những cầu thủ trẻ cũng là một điều hiếm thấy. Các em chấp nhận cuộc chơi và không đổ lỗi, rất chín chắn, và cũng đầy trách nhiệm. Một lối chơi đẹp và tinh thần lành mạnh đã theo chân các em cho đến trận thắng U19 Australia vừa qua, và ngày càng lấp lánh hơn.

Những giá trị ấy không tự nhiên mà có. Những cầu thủ ấy ngày hôm nay chẳng khác nào tờ giấy trắng ngày gia nhập học viện HA.GL JMG, một trong những “chi nhánh” của học viện nổi tiếng JGM, viết tắt theo tên của người sáng lập là một cựu tuyển thủ Pháp, ông Jean-Marc Guillou.

Khi nhắc đến một học viện bóng đá, có lẽ nhiều người nghĩ ngay đến cách họ dạy đá bóng, và những bí quyết đào tạo kỹ năng cho những cầu thủ. Nhưng không hẳn như vậy.

Các học viện nổi tiếng trên thế giới đều có một đặc điểm chung: Họ dạy những cầu thủ trẻ làm người, song song với dạy chơi bóng, theo một triết lý nhất quán.

Tuyển thủ Hà Lan Gregory van der Wiel, chơi cho Ajax Amsterdam từ 2007-2012 và giờ khoác áo PSG, kể lại câu chuyện của anh ở học viện trẻ trứ danh của Ajax: “Năm 14 tuổi, tôi đến đây, là một cậu bé ích kỷ và chưa học được cách lắng nghe”. Vì tinh thần kém ấy, Van der Wiel bị gửi sang đội trẻ Haarlem, nơi cơ sở vật chất rất kém, và đồng phục cũng thiếu. Anh chơi ở đó 3 năm mới được trở lại Ajax.

Carles Folguera, Giám đốc học viện La Masia của Barcelona, nói về cách giáo dục cầu thủ ở La Masia: “Nếu chúng tôi có một cầu thủ trẻ tài năng, nhưng bướng bỉnh, chúng tôi cố gắng để cậu bé tập trung và không đánh mất bản tính tự nhiên ấy. Cậu ấy không đánh mất cá tính, nhưng vẫn phải nhớ rằng mình đang chơi một môn thể thao tập thể”.

La Masia đề cao những giá trị khác, ngoài tài năng bóng đá: “Một trong những điều làm tôi tự hào nhất là rất nhiều cầu thủ trẻ của chúng tôi có trình độ đại học. Ở Anh, khi chọn một tài năng trẻ, họ không quan tâm đến chuyện khác. Chúng tôi không chỉ dạy các em đá bóng, mà còn giáo dục các em”. Hãy nhìn Messi, Xavi và Iniesta, những ngôi sao lớn của Barca lúc này: Họ không chỉ tài năng, mà còn là những tấm gương về sự chuyên nghiệp, và khiêm tốn.

Các học viện của hệ thống JMG trên toàn thế giới cũng được vận hành với một triết lý giống nhau, như một dòng slogan được treo ở học viện JMG tại Bờ Biển Ngà, nơi đã từng đào tạo ra anh em nhà Toure (Kolo và Yaya): “Chiến thắng không có đạo đức là sự hủy hoại thể thao”. Bắt đầu tập chơi bóng bằng… chân đất, một đặc trưng của các học viện JGM trên toàn thế giới, thì Yaya Toure hay Công Phượng cũng đều giống nhau.

Đừng lo, hãy khen ngợi hết mình đi!

Những Thanh Tùng, Công Phượng, Trần Hữu Đông Triều.v.v là sản phẩm của quá trình đào tạo song song ấy: Dạy chơi bóng cũng quan trọng như dạy làm người. Các em chơi một thứ bóng đá đẹp, với sự phóng khoáng, một chút hồn nhiên, không kém phần bản lĩnh và tiếp cận với thắng thua với một thái độ đẹp.

Chuyên đề đặc biệt: U19 Việt Nam xuất sắc giành vé tham dự VCK U19 châu Á 2014

Hãy đặt niềm tin vào các cầu thủ có lẽ đã được trang bị đủ hành trang sống ấy, với đa phần đã bước vào tuổi trưởng thành (dù còn rất trẻ). Đừng lo hão rằng các em sẽ “hỏng” bởi những lời khen, vì như đã nói, đây là một thế hệ không những đã được dạy đá bóng, mà còn được dạy về những giá trị sống. Một sự may mắn cho các em. Rất nhiều “người lớn” không biết cách để xin lỗi như các em. Rất nhiều “người lớn” cũng không thể độ lượng như các em. Nhân cách không có tuổi, và không phải cứ với những người trẻ, là luôn phải cảnh giác khi cần phải khen ngợi một thứ bóng đá tử tế.

Khi thứ bóng đá tử tế đang trở nên khan hiếm trên cả nền bóng đá. Khi những giá trị sống đang đảo lộn và rất nhiều niềm tin đang khủng hoảng. Khi người ta nói quá nhiều về những chuyện tầm phào và bỏ qua những thứ tử tế. Thì một đội tuyển trẻ cũng đủ để xốc lại niềm tin, và các em xứng đáng được đặt trọn niềm tin.

Vậy thì hãy khen ngợi hết lời, đừng cảnh giác, nghi ngờ và lo ngại. Các em xứng đáng được như thế!

Phạm An

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm