27/01/2016 19:07 GMT+7 | Tennis
(giaidauscholar.com) - Lá thăm của định mệnh đã buộc họ không thể đợi đến chung kết mới “tìm” nhau. Trận đấu được chờ đợi nhất của Australian Open chứng kiến Djokovic và Federer loại nhau ở bán kết.
1. Cuộc chiến của 27 cúp vô địch Grand Slam (Federer 17 - Djokovic 10), của 9 cúp vô địch Australian Open (Djokovic 5 - Federer 4). Cuộc chiến của ân oán chất chồng khi quá khứ nói rằng không ai cười nhiều hơn ai sau 44 cuộc đối đầu giữa họ (mỗi người thắng 22 trận đối đầu chính thức).
Nhưng trên tất cả là cuộc chiến của hai phong cách đối lập. Federer không chỉ tài năng trác tuyệt mà còn là “đại sứ”, là “hiệp sỹ” quần vợt ở mọi nơi, mọi lúc với phong cách lịch lãm của một quý ông.
Dù đánh trên mặt sân nào, ở giải đấu nào, trước đối thủ nào, dù chiến thắng hay chiến bại, anh cũng được khán giả yêu mến. Những tiếng vỗ tay trên các khán đài không bao giờ thiếu vắng trong các trận đấu có sự hiện diện của Roger.
Thực tế ấy tự thân nó đã là bảo chứng cho phẩm chất của nhà vô địch. Federer không chỉ chinh phục các danh hiệu xuất sắc đến siêu phàm mà anh chinh phục trái tim CĐV cũng tài ba như thế.
Djokovic cũng vô cùng xuất sắc. Bạn đừng đem 10 cúp vô địch Grand Slam của anh để so sánh với 17 danh hiệu quán quân của Federer bởi thực sự Nole tài năng hơn nhiều so với con số 10 tròn trịa ấy.
Một người từng cay đắng thốt lên mình “sinh nhầm thế kỷ” khi chìm trong cái bóng khổng lồ của Federer và Nadal rồi thoát được khỏi cái bóng ấy thì chắc chắn người ấy cũng phải rất... khổng lồ. Nếu không phải thế, Nole không bao giờ đánh bại được cả Nadal và Federer ngay trong những tháng năm đỉnh cao của họ. Nếu không phải thế, Nole đã chẳng thể nào “sản xuất” những chiếc cúp với tốc độ nhanh chóng mặt. Ở tuổi 28, anh còn đủ thời gian để tiếp tục phá vỡ cực hạn bản thân và thiết lập những kỷ lục mới.2. Nhưng Djokovic chưa sống trong lòng khán giả như Federer đã và đang sống. Đấy là thực tế mà chính Nole cũng từng thừa nhận. Tại sao cỗ máy chiến thắng Serbia lại chưa thể lấy được nhiều tiếng vỗ tay của khán giả như Federer làm được?
Câu trả lời là bởi Nole mới chỉ làm người xem cảm nhận được tài năng đặc biệt của anh nhưng chưa làm người xem thấy được phong thái của nhà vô địch. Những tiểu xảo chấn thương, những phát ngôn, cử chỉ hay đơn giản là một ánh nhìn của Nole khiến người ta cảm thấy anh dù tài giỏi nhưng quá máu ăn thua và không có gì hơn thế. Phương trâm “chiến thắng là trên hết” của Djokovic không phải lúc nào cũng được số đông tán đồng dù anh không làm gì sai luật.
Australian Open chào đón Federer nơi anh đã 4 lần vô địch. Nhưng với Djokovic, còn hơn thế, nó là “đất mẹ”. Melbourne là nơi chứng kiến những gì tuyệt vời, đáng nhớ nhất trong sự nghiệp của Nole.
Đó là nơi anh từng đánh bại chính Federer thời đỉnh cao ở bán kết 2008 và 2011. Tất cả đều là những trận đấu chỉ dài 3 set. Đó là nơi anh từng khuất phục một Nadal với sức khỏe kinh người ở trận chung kết dài gần 6 tiếng năm 2012. Đó là nơi đã chứng kiến anh 5 lần giơ cao vương miện. Cúp vô địch Grand Slam đầu tiên trong sự nghiệp của anh (2008) giành được ở đây. Đó là nơi Djokovic xác lập kỷ lục là tay vợt vô địch Australian Open nhiều nhất trong lịch sử kể từ kỷ nguyên mở rộng.
Với Nole, Paris, London hay New York, tất cả đều không thể sánh với Melbourne. Một chiến thắng trước Federer sẽ đưa Nole tiến gần hơn tới cúp vô địch Grand Slam thứ 11 trong sự nghiệp. Ngược lại, Australian Open 2016 sẽ chứng kiến cuộc lật đổ vĩ đại bậc nhất của lịch sử khi nhà vô địch Grand Slam số 1 chiến thắng tay vợt mạnh nhất thế giới lúc này.
Trọng Tuệ
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất