26/02/2022 17:02 GMT+7 | Bạn cần biết
(giaidauscholar.com) - Nhận định về diễn biến thị trường chứng khoán tuần tới (từ 28/2 - 4/3), chuyên gia từ công ty chứng khoán cho rằng, xu hướng tăng của thị trường có đôi chút bị ảnh hưởng nhưng vẫn chưa đáng lo ngại. Do đó, VN-Index có thể sẽ giằng co và đi ngang để chờ cơ hội bứt phá trở lại.
*Kỳ vọng dòng tiền trở lại nhóm vốn hóa lớn
Dưới góc nhìn kỹ thuật, Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) nhận định, VN-Index tuy đánh mất ngưỡng tâm lý 1.500 điểm nhưng vẫn kết tuần trên vùng hỗ trợ 1.485-1.490 điểm cho thấy xu hướng tăng có đôi chút bị ảnh hưởng nhưng vẫn chưa đáng lo ngại.
"Nhà đầu tư đã tham gia mua vào trước Tết trong các phiên 12/1, 18/1 và 24/1 có thể tiếp tục nắm giữ danh mục hiện tại để hướng đến vùng kháng cự 1.530-1.550 điểm có thể đạt được trong thời gian tới. Trong kịch bản tiêu cực, nếu VN-Index giảm về vùng 1.425-1.450 điểm (đáy tháng 1/2022), nhà đầu tư có thể cân nhắc tăng tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục", SHS khuyến nghị.
Trong khi đó, Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCBS) thì kỳ vọng dòng tiền sẽ quay trở lại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, đã có mức giá chiết khấu khá sâu sau tuần vừa rồi.
"Với diễn biến như vậy, nhà đầu tư theo trường phái lướt sóng ngắn hạn có thể giải ngân với tỷ trọng nhỏ vào nhóm cổ phiếu trụ dẫn dắt thị trường, trong khi đó nhà đầu tư trung - dài hạn vẫn nên chờ đợi thời điểm mặt bằng giá thị trường ổn định hơn rồi mới nên cân nhắc tiến hành giải ngân", VCBS khuyến nghị.
Theo VCBS, lực cung chốt lời ngắn hạn vẫn là khá lớn quanh vùng 1.520 điểm, khiến cho chỉ số vẫn đang có xu hướng dao động tích lũy đi ngang quanh mốc 1.500 điểm kể từ đầu tháng đến hiện tại.
Bên cạnh đó, những diễn biến liên quan đến căng thẳng Nga - Ukraine cũng làm dấy lên quan ngại về triển vọng thị trường trong ngắn hạn. Lực cầu bắt đáy trong tuần vừa qua tuy vẫn có nhưng là không đủ để khiến VN-Index đi ngược lại xu hướng chung trên thế giới.
Công ty cổ phần Chứng khoán Phú Hưng (PHS) nêu quan điểm, thị trường có diễn biến đảo chiều và tăng điểm trở lại trong phiên giao dịch cuối tuần khi các nhà đầu tư dường như đã bớt đi nỗi lo về tình hình căng thẳng giữa Nga và Ukraine.
Theo quan điểm kỹ thuật, VN-Index có phiên tăng điểm trở lại. Khối lượng giao dịch tuy có suy giảm so với phiên trước đó nhưng vẫn trên mức bình quân 20 phiên, hàm ý dòng tiền trên thị trường chưa có sự thay đổi đáng kể.
Không những vậy, chỉ số vẫn tiếp diễn kịch bản vận động giằng co, khi chỉ số liên tiếp tạo các nến tăng giảm đan xen nhau, cùng với các đường MA20 (đường trung bình di động 20 ngày) và MA50 (đường trung bình di động 50 ngày) hội tụ phẳng.
Trong khi đó, các chỉ báo kỹ thuật khác lại cho tín hiệu trái chiều, củng cố cho nhận định chỉ số đang vận động trong biên độ hẹp, với hỗ trợ quanh vùng 1.470 - 1.480 điểm và kháng cự quanh 1.520 - 1.530 điểm (đỉnh cũ tháng 1/2022).
Đối với Sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội, HNX Index có diễn biến tương tự. Chỉ số có phiên tăng điểm trở lại và liên tiếp tạo các nến tăng giảm đan xen trước ngưỡng kháng cự MA50, cho thấy chỉ số cũng đang ở trạng thái giằng co với biên độ hẹp, với hỗ trợ quanh 425 điểm và kháng cự quanh 443 điểm.
"Nhìn chung, thị trường đang tiếp diễn trạng thái giằng co. Do đó, nhà đầu tư nên giữ danh mục ở mức cân bằng, với ưu tiên nắm giữ các cổ phiếu có cơ bản tốt, kỳ vọng kinh doanh 2022 khả quan và đang thu hút được dòng tiền mạnh", PHS khuyến nghị.
Về diễn biến thị trường tuần qua (từ 21 – 25/2), VN-Index giảm 5,95 điểm xuống 1.498,89 điểm, trong khi HNX-Index tăng 4,55 điểm lên 440,16 điểm. UPCoM-Index giảm 0,06 điểm xuống 112,66 điểm.
Điểm tích cực là việc thanh khoản có sự cải thiện tốt với trung bình khoảng 30.500 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn. Tuy thanh khoản đã cải thiện được khoảng 30% so với tuần trước đó nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình 20 tuần. Khối ngoại tuần qua bán ròng ở mức 20,6 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị 76 tỷ đồng.
Theo thống kê của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), căng thẳng giữa Nga và Ukraine đã khiến cho giá dầu thế giới tiếp tục leo cao. Điều này đã giúp cho nhóm dầu khí có thể hiện tích cực nhất trong tuần qua với mức tăng 7,1% giá trị vốn hóa.
Có thể kể đến BSR tăng 4,2%, PLX tăng 4,3%, PVT tăng 6.1%, OIL tăng 10,6%, PVD tăng 10,9%, PVS tăng 16,6%, PVB tăng tới 24,3%, PVC tăng 31,6%...
Nhóm dược phẩm và y tế cũng có tuần giao dịch tích cực với mức tăng 2,4% trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 trên cả nước liên tiếp lập đỉnh, các mã chủ chốt có thể kể đến như: LDP tăng 2,8%, DVN và DHG đều tăng 4,5%, JVC tăng 5,1%, TNH tăng 6,2%, MKP tăng 33,1%...
Nhóm cổ phiếu hóa chất cũng thu hút được dòng tiền và đồng loạt tăng giá như: LTG tăng 6,3%, DGC tăng 7%, CSV tăng 9,6%, DPM tăng 9,8%, DCM tăng 12,7%...
Ở chiều ngược lại, phần lớn các nhóm ngành khác đều giảm nhẹ trong tuần qua như hàng tiêu dùng giảm 1,5% giá trị vốn hóa, tài chính giảm 0,9%, tiện ích cộng đồng giảm 0,8%, công nghệ thông tin giảm 0,3% và ngân hàng giảm 0,1%.
Thực tế, thị trường chứng khoán Việt Nam biến động khá tương đồng với các thị trường thế giới khi có phiên hồi phục trong phiên cuối tuần qua do những diễn biến mới từ căng thẳng Nga- Ukraine.
*Chứng khoán thế giới đồng loạt hồi phục
Dù giảm sâu trong những phiên đầu tuần, nhưng các thị trường chứng khoán trên thế giới đã đồng loạt đi lên trong phiên cuối tuần. Thậm chí, một số thị trường chứng khoán có mức tăng rất mạnh.
Đơn cử tại Mỹ, chỉ số Dow Jones chốt phiên 25/2 tăng theo ngày mạnh nhất kể từ tháng 11/2020, khi thị trường chứng khoán nước này phục hồi phiên thứ hai liên tiếp sau làn sóng bán tháo liên quan đến xung đột tại Ukraine.
Chỉ số Dow Jones tăng 2,51% lên 34.058,75 điểm, chỉ số S&P 500 tăng 2,24% lên 4.384,65 điểm và Nasdaq Composite tăng 1,64% lên 13.694,62 điểm.
Các nhà đầu tư đang đánh giá thông tin Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói với người đồng cấp Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình rằng, Nga sẵn sàng cho một cuộc đàm phán cấp cao với Ukraine.
Trước đó, các chỉ số chứng khoán Mỹ chốt phiên 24/2 cũng tăng điểm mạnh, dẫn đầu là chỉ số Nasdaq Composite với mức tăng 3%, đánh dấu sự đảo chiều của thị trường khi Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố các biện pháp trừng phạt cứng rắn mới đối với Nga do căng thẳng leo thang tại miền Đông Ukraine. Trong cả tuần, chỉ số Dow Jones tăng 0,1%, chỉ số S&P 500 tăng 0,8% và Nasdaq Composite tăng 1,1%.
Thị trường chứng khoán châu Á cũng phục hồi trong phiên giao dịch cuối tuần 25/2. Kết thúc phiên này, tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 1,95% lên 26.476,50 điểm.
Như vậy, Nikkei 225 đã dứt chuỗi 5 ngày giảm điểm liên tiếp, do giới đầu tư đẩy mạnh mua vào cổ phiếu giá hời sau khi chỉ số này chạm mức thấp nhất 15 tháng trong phiên trước đó, giữa bối cảnh căng thẳng Nga-Ukraine gia tăng. Tại thị trường Seoul, chỉ số Kospi của Hàn Quốc cũng phục hồi trong phiên cuối tuần với mức tăng 1,06% lên 2.676,76 điểm.
Tuy nhiên, dư âm của phiên bán tháo mạnh mẽ trước đó do diễn biến mới của căng thẳng Nga-Ukraine vẫn ảnh hưởng tới tâm lý của giới đầu tư chứng khoán tại sàn giao dịch Hong Kong (Trung Quốc) trong phiên này, khiến chỉ số Hang Seng giảm 0,59% xuống 22.767,18 điểm.
Ngoài ra, quan ngại về đợt bùng phát tồi tệ hơn của đại dịch COVID-19 tại Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) càng củng cố đà giảm của chỉ số này.
Các thị trường chứng khoán chủ chốt khác của khu vực châu Á-Thái Bình Dương như Jakarta của Indonesia, Bangkok của Thái Lan và Wellington của New Zealand cũng đều ghi nhận mức tăng hơn 1% trong phiên này.
Thị trường Sydney của Australia, Singapore cũng "xanh sàn" phiên cuối tuần qua. Đáng chú ý, thị trường Mumbai của Ấn Độ còn chứng kiến mức tăng mạnh 2,7%.
Văn Giáp/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất