27/12/2016 10:01 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Theo vài khảo sát chỉ số người xem (rating), trong 10 chương trình truyền hình thực tế được yêu thích nhất năm 2016, chương trình hài (và nặng yếu tố hài) đã chiếm hơn một nửa. Đó là: Cười xuyên Việt, Ơn giời, cậu đây rồi!, Người bí ẩn, Thách thức danh hài, Bí mật đêm Chủ nhật, Gương mặt thân quen.
Áp đảo tới mức nào?
Điều này không phải xảy ra riêng tại Việt Nam. Nhiều nước, trong đó có Hàn Quốc cũng gặp cảnh tương tự. Câu hỏi “sao không có gì vui cười” thường được người dân nước này đặt ra trước các chương trình giải trí truyền hình.
Và theo thăm dò, 16 chương trình xem nhiều nhất Hàn Quốc năm 2016 thì hơn một nửa đã là hài và nặng yếu tố hài. Trong Top 10 được yêu thích nhất, có 6 chương trình là hài và nặng yếu tố hài, xếp các vị trí gần như áp đảo: 1, 2, 3, 4, và 6, 8.
Bộ ngũ các danh hài “nhẵn mặt” trên truyền hình hiện nay
Tương tự, theo tạp chí Paste, trong 25 chương trình truyền hình tiếng Anh hấp dẫn nhất năm 2016, thì hơn một nửa trong đó là hài và nặng yếu tố hài. Còn trong bài nghiên cứu có tên Comedy Central In The Post-TV Era của tờ The New York Times, thì số lượng người xem kênh hài trên YouTube so với truyền hình thông thường còn tăng trưởng một cách đáng kinh ngạc. YouTube đang được nhiều nơi xem như là một kênh truyền hình kiểu mới.
Vài năm gần đây, các đài truyền có lượng khán giả nhiều nhất Việt Nam như VTV, THVL, HTV… đều có những chương trình hài và nặng yếu tố hài. Chính những chương trình này đóng góp rất lớn trong việc thu hút lượng người xem và quảng cáo. Năm 2016, có hơn 30 chương trình hài và nặng yếu tố hài lên sóng truyền hình tại Việt Nam.
Tuy nhiên, nếu khảo sát về việc xem truyền hình nói chung, sự áp đảo của chương trình hài cũng không tới mức tuyệt đối như nhiều người tưởng. Theo Trung tâm Đo kiểm và dịch vụ phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Top 20 chương trình có rating cao nhất trong tháng 11/2016 tại khu vực Hà Hội và TP.HCM chủ yếu là tin tức, chuyên đề, phim dài tập.
Còn xếp rating theo kênh tháng 11/2016 tại khu vực Hà Nội, Top 5 có VTV1, VTV3, VTC7, Cartoon Network, VTV6; khu vực TP.HCM có THVL1, HTV7, SCTV14, THVL2, SCTV9. Các chương trình hài nhiều người xem nhất thường xuất hiện chỉ trên THVL1, HTV7, VTV3. Theo giám đốc của THVL, thì trong 25 định dạng giải trí mà đài này duyệt phát sóng năm 2016, hài chiếm khoảng 1/3.
Quen mặt
Năm 2014, những danh hài “nhẵn mặt” trên truyền hình có Hoài Linh, Việt Hương, Chí Tài, Trấn Thành, Trường Giang, thì năm 2016 dường như vẫn vậy. Năm 2016 còn “bổ sung” thêm Hồng Đào, Vân Sơn… từ hải ngoại về. Còn mới mẻ trước khán giả, họ cũng có sức hút nhất định.
Gọi 5 tên tuổi đầu tiên là “nhẵn mặt”, có vẻ hơi khiếm nhã, nhưng thực tế, nó phản ánh đúng sức hút của họ, nên quá nhiều nơi mời gọi. Trong bộ ngũ này, nếu chương trình nào có từ 2-3 người tham gia thì rất dễ có rating cao. Theo các khảo sát trên mạng, cứ tin tức nào liên quan đến họ là thu hút lượng người xem rất nhiều. Đôi khi xem như một quán tính, một thói quen, chứ chưa hẳn vì sự đặc sắc, sáng tạo.
Họ “nhẵn mặt” nhiều khi cũng là tình thế có tính bị động, vì đâu phải Việt Nam chỉ có họ diễn hài. Nếu khảo sát hết các chương trình, hầu hết tên tuổi nổi bật trong làng hài Việt Nam đều có tham gia nhiều hoặc ít, nhưng có lẽ do thiếu may mắn, họ không trở nên “nhẵn mặt” như vậy.
Công bằng nhìn nhận thì các chương trình hài và nặng yếu tố hài hiện nay đang có nỗ lực để tạo ra sự khác biệt, nhằm thu hút người xem. Có thể lấy những chương trình như Cười xuyên Việt, Ơn giời, cậu đây rồi!, Người bí ẩn, Thách thức danh hài, Bí mật đêm Chủ nhật, Gương mặt thân quen làm ví dụ, dù bộ ngũ vẫn xuất hiện nhiều, nhưng mỗi chương trình vẫn có nét riêng.
Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất