Khi thành bại vẫn tại...ngoại binh

15/02/2011 13:06 GMT+7 | V-League

(TT&VH) - Sự thật là khi đặt chỉ tiêu hay công khai tham vọng, điều đầu tiên các CLB nghĩ tới, phải là chất lượng ngoại binh hay ít nhất mình có trong đội hình bao nhiêu “Tây” nhập tịch. Chỉ chiếm hơn 1/4 quân số đá chính, nhưng cầu thủ ngoại lại quyết định đến 50% sức mạnh (hoặc hơn) một đội bóng. Họ là vũ khí chiến thắng tối thượng.

Cầm đũa nghịch tay

Bộ 3 Cristiano Roland – Benicio – Gonzalo tạo nên trục xương sống lý tưởng giúp HN T&T bay cao ở VLeague 2010; XM.HP đoạt ngôi á quân với vai trò then chốt của Leandro và Aniekan; SHB.ĐN phụ thuộc trực tiếp vào phong độ làm bàn của Gaston Merlo, sự điều tiết của Nguyễn Rogerio và những phút lóe sáng của Hernandez; mọi chuyện diễn ra tương tự tại HA.GL (Evaldo, Sakda), ở B.BD là Philani, Kesley Alves, Osita, Lee Nguyễn; trong khi 5 năm qua ở ĐT.LA, vị trí của Antonio, Tshamala và Danny David là không thể thay thế, rồi Samson, Sunday ở TĐCS.ĐT; các cầu thủ người Ghana tại K.KH...

Cầu thủ ngoại nắm giữ những vị trí – vai trò quá quan trọng, trong vận hành chiến thuật. Rất thường xuyên, họ chơi ở vị trí mũi nhọn hoặc hộ công, chuyên gia thu hồi – giữ nhịp, hay ít nhất cũng là trung vệ. Tại VLeague 2010, có đến 3 – 4 CLB thường xuyên sử dụng thủ môn là người nước ngoài (hoặc người nước ngoài nhập tịch, như trường hợp của Phan Văn Santos hay Đinh Hoàng La). Trong khi đó, hiếm lúc nào chúng ta thấy một cầu thủ ngoại chơi các vị trí ở biên, còn làm dự bị cho một cầu thủ nội lại càng xa xỉ.


Không thể cạnh tranh suất đá chính tại B.BD với các đồng nghiệp ngoại quốc, Đức Thiện (trái), một tài năng trẻ của bóng đá VN, phải xuống giải hạng Nhất để tìm kiếm cơ hội cho mình

Với việc cầu thủ nội (ngay cả các tuyển thủ QG) thường xuyên phải chơi trái sở trường, hoặc tệ hơn nữa là phải ngồi dự bị, cũng giống như việc ăn cơm mà phải cầm đũa bằng tay không thuận vậy?! Ví như Quang Hải ở Navibank.SG chẳng hạn, việc kéo anh rời xa khu cấm địa gần như đã triệt tiêu mọi kỹ năng hay nhất của tiền đạo này. Tương tự như thế với Sỹ Mạnh ở SG.XT hay Vũ Phong ở B.BD ... Cầu thủ nội chịu quá nhiều thiệt thòi trong cuộc cạnh tranh suất đá chính với ngoại binh. Đấy là một thực tế không thể phủ nhận.

Đốt đuốc tìm “hạt giống đỏ”

Trong một phát biểu mới đây, ông chủ tịch VFF, Nguyễn Trọng Hỹ, đã nói rằng: “Tôi ước mong và đặt mục tiêu Eximbank V-League 2011 sẽ diễn ra thật hấp dẫn, lành mạnh và trở thành mảnh đất màu mỡ để ươm mầm và phát triển những “hạt giống đỏ” thành tài”. Là người đứng đầu tổ chức xã hội nghề nghiệp, có vai trò định hướng và quyết định sự phát triển của nền bóng đá như VFF nên ông Hỷ không thể nói ra những điều bi quan. Nhưng, thực tế khác xa với mong ước của ông chủ VFF, mặc cho đã có những chế tài với việc đăng ký và sử dụng ngoại binh trong năm nay.

Có thể viện dẫn thế này. Năm 2010, khi Olympic VN tham dự Asian Games 16, các ĐT U20 QG và U19 QG đều tham dự giải đấu cấp khu vực và châu lục, VCK U21 QG vẫn được tổ chức đều đặn và ĐT U19 QG thậm chí đã vô địch giải U21 quốc tế - Cúp Báo Thanh Niên ngay sau đó..., nhưng, khi phải tìm 5 cái tên cho danh sách đề cử “Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất”, tức dưới 21 tuổi (giải thưởng kèm theo danh hiệu Quả bóng vàng, do báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức thường niên), vẫn là quá khó. Sự thật đấy, chứ hoàn toàn không phải chuyện đùa!

Quanh đi quẩn lại, vẫn chỉ Trọng Hoàng (cầu thủ đoạt danh hiệu này năm ngoái), Lê Văn Thắng, Hà Minh Tuấn, Hoàng Danh Ngọc, rồi tiền vệ đội trưởng U19 QG Nguyễn Văn Quyết... Không nhiều những người trẻ, mà theo lời ông Hỷ là “hạt giống đỏ”, tìm được suất đá chính trong màu áo CLB.

Tài năng của người trẻ chưa phát tiết, hay bệnh thành tích khi các ưu tiên số 1 của CLB VN vẫn là ngoại binh và nhập tịch cho ngoại binh?! Có lẽ là cả 2. Có lẽ, đã đến lúc chúng ta cần phải xem lại chiến lược làm và phát triển bóng đá một cách căn cơ, bài bản hơn nữa.

Tùy Phong

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm