05/10/2014 06:09 GMT+7 | Thể thao
(giaidauscholar.com) - Hôm qua, ông Lâm Quang Thành trở thành tâm điểm của phóng viên. Thể thao Việt Nam (TTVN) đã trải qua một kỳ ASIAD không hoàn thành chỉ tiêu đoạt 2 đến 3 HCV, và ông Thành bị “quay” khá nhiều.
* Ông cho biết đánh giá của mình về thành tích của đoàn TTVN?
- Năm nay, nhiều nước có nhiều VĐV tốt. Nhiều nước có sự đầu tư vô cùng lớn cho nền thể thao, trong đó có cả nhập tịch nguồn VĐV đẳng cấp, đã chi phối không nhỏ đến thành tích của chúng ta. Ví dụ, Quách Thị Lan hoàn toàn có thể đoạt HCV nếu như đối thủ của chị không phải người Nigeria.
Chúng ta đã trải nghiệm qua một kỳ Đại hội thể thao khốc liệt, với nhiều vui buồn lẫn lộn. Đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) với 21 đội tuyển tham dự thì phải đánh giá rằng ngoài 3 đội tuyển theo hướng xã hội hóa đi học tập và hội nhập, môn bóng đá có thành công nhất định cả nam và nữ. Nam nhất bảng vào tứ kết. Bóng đá nữ lần đầu tiên lọt vào bán kết.
Các VĐV của 17 môn thể thao còn lại đã được chúng ta tập trung đầu tư cho ASIAD 17 một cách nghiêm túc. Có 4 môn không có huy chươnglà vật, judo, bắn cung và cầu lông. Còn lại, có 13 môn đạt huy chương. Trong đó, có 8 môn có HCB, có 1 HCV, còn 5 môn có HCĐ. Có 6 môn lần đầu tiên chúng ta đoạt huy chương ở đấu trường châu lục. Đó là xe đạp, boxing, bơi lội, đấu kiếm, thể dục dụng cụ, cử tạ. Đấy là nền tảng tốt để chúng ta tin tưởng nếu quy hoạch lại, có sự đầu tư xứng đáng thì 4 năm tới Việt Nam sẽ thay đổi thực trạng.
Tôi đánh giá VĐV đã hết sức cố gắng, không để xảy ra bất cứ vấn đề gì liên quan đến việc làm xấu hình ảnh đất nước, đến con người Việt Nam. Nếu tính về số lượng thì 36 huy chương là không nhỏ. Nhưng vàng thì chưa đạt. Có một số môn VĐV đã để vuột mất cơ hội giành HCV đáng tiếc. Ngành thể dục thể thao sẽ tổng kết, kể cả từng môn, đánh giá nghiêm túc.
* Tại sao có những môn chúng ta đã từng đạt HCV tại ASIAD 14, 15, nhưng đã không duy trì được, thưa ông?
- Có những môn như taekwondo, karatedo chúng ta đã có xuất phát điểm tốt. Thế nhưng, sau năm 2000, khi môn này được vào thi đấu Olympic Sydney, nhiều nước bắt đầu tập trung đầu tư mạnh để đoạt huy chương nên chúng ta càng mỏng cơ hội. Karatedo 3 kỳ liên tiếp đều có HCV. Chúng tôi cũng đã đầu tư, như thuê chuyên gia Iran. Hoàng Ngân tập huấn dài ngày ở Nhật Bản. Dù thế, phải nói thật là các lứa kế cận hiện tại chưa đủ sức thay thế, họ chưa chín muồi, mà cần tiếp tục được đầu tư mạnh mẽ. Nếu muốn đạt HCV ASIAD thì phải chuẩn bị rất lâu dài, có tính kế thừa cao. Chúng tôi vẫn vui mừng vì có nhiều môn Olympic với số VĐV trẻ tham gia lần đầu tiên những đạt huy chương ASIAD. Chúng ta cũng nên nhìn vào tín hiệu tích cực đó.
Còn câu hỏi tại sao chúng ta vẫn đầu tư dàn trải, tôi vẫn phải nói rằng nước ta có đặc thù riêng, hoạt động thể thao của nhân dân rộng nên phải phát triển hài hòa giữa thể thao Olympic và không Olympic.
* Trong 8 năm qua, ông thấy sự đầu tư đối với thể thao nước nhà đã tăng trưởng ở mức độ nào? Có sự thay đổi nào trong việc chọn lựa, hoạch định chiến lược khi đưa VĐV đến ASIAD lần này?
- Sự đầu tư đối với thể thao được Nhà nước, Chính phủ, lãnh đạo ngành hết sức quan tâm quan trrong điều kiện khó khăn. Việc đưa một số môn đi tập huấn nước ngoài dài ngày cho chiến dịch ASIAD là nỗ lực lớn, và đã cho thấy những đột phá thành tích của điền kinh. Tuy thế, so với nhiều nước ở châu Á và kể cả Đông Nam Á thì sự đầu tư của chúng ta chưa tăng nhiều. Trong thể thao có quy luật rất rõ ràng: trình độ phát triển thể thao phụ thuộc vào quy mô phát triển kinh tế của đất nước. Các nước có nền kinh tế mạnh thì sớm hay muộn có nền thể thao mạnh. Hãy nhìn vào bảng tổng sắp huy chương là sẽ thấy rất rõ điều này. Bên cạnh đó, các nước có kinh tế mạnh họ tập trung được việc xã hội hóa ở những môn mũi nhọn rất tốt.
Việc lựa chọn VĐV đi lần này, có thể nói là lần đầu tiên ngành thể thao đề xuất với lãnh đạo Bộ về chế độ đầu tư tập trung cho VĐV xuất sắc và trọng điểm. Đây là lần đầu đoàn TTVN chỉ tập trung cho một số VĐV giới hạn. Có môn và có VĐV cần đưa sang học hỏi, cọ xát khi trình độ không quá chênh lệch như bắn súng, thể dục dụng cụ, tập trung cho nữ như rowing, tập trung có huy chương như xe đạp. Nhưng có môn nên giảm số lượng như judo, vật, cầu lông, boxing.
* Ông đánh giá gì về thành tích của nhóm tốp trên trong khu vực Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia, Thái Lan?
- 3 nước này phát triển tốt một số môn thế mạnh truyền thống. Tuy thế, nếu nhìn lại chất lượng những tấm HCV chưa hẳn là thuyết phục để chúng ta bi quan.
* Việc thành công không chỉ do yếu tố “vòng trong”, tức nỗ lực của các VĐV, mà còn phụ thuộc “vòng ngoài”, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của HLV, trưởng bộ môn, trưởng đoàn, khả năng quan hệ… để tránh bị xử ép với các VĐV. Ông đánh giá thế nào?
- Nhìn chung là tốt, đặc biệt những môn chủ lực đều có quan hệ tốt. Tuy nhiên mức độ còn hạn chế. Ví dụ, karatedo hôm nay, Chủ tịch hội đồng trọng tài là người Malaysia nên họ cũng có lợi thế nhất định, và đạt 2 HCV. Trong tương lai, chúng tôi sẽ đào tạo nhiều hơn cán bộ để tham gia lực lượng trọng tài cũng như trong ban tổ chức các kỳ Đại hội thể thao lớn.
Tóm lại, bất cứ hoàn cảnh nào thì thể thao không thể bi quan, cần hướng về phía trước.
* Cảm ơn ông về cuộc trao đổi.
Hữu Quý (thực hiện từ Incheon)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất