14/07/2025 15:07 GMT+7 | Tin tức 24h
Giới chuyên môn nhận định, hành động của quốc gia về khắc phục ô nhiễm môi trường và quản lý chất lượng môi trường không khí nói chung và Chỉ thị 20/CT-TTg về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường nói riêng là một quyết tâm rất cao của Chính phủ.
Đi kèm với việc đẩy mạnh tuyên truyền, việc tính toán phương án hỗ trợ người dân cần được đặc biệt lưu ý.
Thực tế cho thấy, tình trạng ô nhiễm môi trường ở một số nơi còn rất nghiêm trọng, nhất là ô nhiễm môi trường không khí tại các đô thị lớn, ô nhiễm môi trường nước tại các địa bàn tập trung đông dân cư, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, làng nghề... Riêng địa bàn thành phố Hà Nội, mức độ ô nhiễm môi trường không khí tại một số thời điểm trong năm thuộc nhóm cao trên thế giới, các thông số môi trường nước các sông ở nội thành vượt giới hạn cho phép nhiều năm liên tục.
Từ thực tế trên, ngày 12/7/2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 20/CT-TTg về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường trong đó có đề cập UBND thành phố Hà Nội thực hiện các giải pháp, biện pháp để các tổ chức, cá nhân chuyển đổi phương tiện, lộ trình đến ngày 1/7/2026 không có xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong Vành đai 1; từ ngày 1/1/2028 không có xe mô tô, xe gắn máy, hạn chế xe ô tô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong đường Vành đai 1, Vành đai 2; từ năm 2030 tiếp tục mở rộng thực hiện trong đường Vành đai 3.
Liên quan đến vấn đề này, Tiến sĩ Hoàng Văn Thức, Cục trưởng Cục Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho rằng, việc khắc phục ô nhiễm và quản lý chất lượng môi trường trong giai đoạn hiện nay là vấn đề cấp bách và rất quan trọng. Kết quả theo dõi, giám sát chất lượng môi trường không khí tại các đô thị lớn, các vùng kinh tế trọng điểm trong nhiều năm qua cho thấy, mức độ ô nhiêm có chiều hướng gia tăng. Tại các đô thị lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, vào các tháng cuối năm (sau tháng 10 trở đi), số ngày mà nồng độ PM2.5 đã vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN 05:20023/BTNMT).
Riêng thành phố Hà Nội, nồng độ PM2.5 trung bình năm vào khoảng 47ug/m3 (vượt ngưỡng QCVN 05:20023/BTNMT cho phép là 25ug/m3). Ngoài ra, theo thống kê của Cục Môi trường, từ tháng 10 đến tháng 12/2024, Hà Nội đã xảy ra 4 đợt ô nhiễm không khí kéo dài. Có những ngày, chỉ số ô nhiễm môi trường ở mức "rất xấu", nhiều nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe người dân và cộng đồng.
Tại thành phố Hà Nội, nồng độ PM2.5 trung bình năm vào khoảng 47ug/m3 (vượt ngưỡng QCVN 05:20023/BTNMT cho phép là 25ug/m3). Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN
Ông Hoàng Văn Thức cho hay, có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng ô nhiễm không khí trong đó nguyên nhân cơ bản là từ hoạt động giao thông vận tải bao gồm cả bụi đường do phương tiện tham gia giao thông cuốn lên và khí thải từ số lượng lớn hóa thạch, đáng lưu ý là có nhiều phương tiện cũ không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải, niên hạn để lưu thông trong thành phố .
Theo số liệu kiểm kê phát thải PM2.5, tại khu vực Hà Nội từ khí thải phương tiện giao thông vận tải đường bộ chiếm khoảng 15% và từ bụi đường khoảng 23%.
Theo ông Thức, Việt Nam cần tham chiếu vấn đề này từ thực tế của Trung Quốc, "Để giành lại "Bầu trời xanh" tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc đã thực hiện việc giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, chuyển sang năng lượng sạch để kiểm soát khí thải từ sản xuất điện và sưởi ấm. Giải pháp này đã thành công nhờ sự quyết liệt từ Trung ương, kết hợp đầu tư lớn và hỗ trợ tài chính trực tiếp cho doanh nghiệp, hộ gia đình, giảm phát thải từ nguồn tĩnh nhiều nhất, đặc biệt hiệu quả trong mùa đông khi ô nhiễm tăng cao do sưởi ấm. Cùng với đó, giảm phát thải từ phương tiện cơ giới, tối ưu hóa hệ thống giao thông đô thị. Giải pháp này hiệu quả trong kiểm soát nguồn thải động, đặc biệt tại khu vực đông đúc, nhưng cần duy trì các cơ chế, chính sách trong dài hạn", ông Hoàng Văn Thức nêu ví dụ.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho rằng, thành phố Hà Nội cần hỗ trợ chuyển đổi xanh trong giao thông. Ảnh: TTXVN
Về giải pháp đối với việc giảm thiểu ô nhiễm từ các phương tiện, ông Hoàng Văn Thức cho rằng, cần kiểm soát khí thải phương tiện giao thông theo hướng 100% phương tiện tham gia giao thông (ô tô, xe mô tô, xe gắn máy) tại khu vực Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh được quản lý, kiểm soát về khí thải và từng bước chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh, thân thiện môi trường, đồng thời phát triển giao thông công cộng và hạ tầng theo hướng 100% xe bus tại Hà Nội sử dụng điện, năng lượng xanh vào năm 2030; các tỉnh, thành phố khác đạt mục tiêu tối thiểu theo Quyết định 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho rằng, thành phố Hà Nội cần hỗ trợ chuyển đổi xanh trong giao thông. Việc chuyển đổi xe xăng sang xe điện cần phải được ưu đãi về giá cả, nâng cao tiện ích về hạ tầng trạm sạc, đồng nghĩa với việc đẩy mạnh hạ tầng cấp điện tương ứng với kịch bản phát triển phương tiện giao thông xanh. Thực hiện tốt vấn đề trên sẽ góp phần giảm thiểu khí thải, bảo vệ môi trường.
Giao thông xanh đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế xanh của đất nước, đồng thời là giải pháp nền tảng để hướng tới mục tiêu cân bằng phát thải vào năm 2050. Đây cũng là nhu cầu bức thiết và xu hướng của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Giao thông vận tải là lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế nhưng cũng đang là nguyên nhân lớn trong phát thải, gây ô nhiễm môi trường, chiếm khoảng 20% tổng phát thải quốc gia, phát triển giao thông xanh sẽ góp phần hạn chế lượng khí thải gây ô nhiễm không khí...
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất