Trẻ hóa và cái lý của ông Miura

13/03/2015 12:21 GMT+7 | Bóng đá Việt

(giaidauscholar.com) - Từ ASIAD 17, AFF Suzuki Cup 2014 cho đến vòng loại U23 châu Á rồi SEA Games 28, HLV Toshiya Miura đặt nhiều niềm tin vào các cầu thủ trẻ, thậm chí có những người mới lần đầu tiên có mặt ở đội tuyển quốc gia.

“Anh có biết tại sao HLV Miura lại loại Tấn Tài khỏi đội hình để dùng Hoàng Thịnh không? Tại sao các tiền vệ, chứ đừng nói hậu vệ, dưới thời HLV Miura ít dám dâng cao hoặc nhao lên khi có thể không? Tất nhiên, cũng khó kỳ vọng họ dứt điểm để đem về các bàn thắng và chiến thắng”, một HLV kỳ cựu đặt câu hỏi ngược với người viết.

Nói đoạn, HLV này tự trả lời: “Đơn giản bởi Thịnh trẻ hơn và có thể lùi về tham gia phòng ngự trong khoảng thời gian 12-15 giây sau khi mất bóng, còn Tấn Tài thì không. Tương tự thế là các hậu vệ, họ rất hạn chế dâng cao ngay cả khi điều kiện cho phép. Ngoài trừ trường hợp của Quế Ngọc Hải khi đá biên trong màu áo đội tuyển Việt Nam”.

Rõ ràng không phải tự nhiên khi HLV Miura chủ động trẻ hoá đội tuyển Việt Nam. Dường như HLV Miura có thể sẵn sàng tha thứ cho sai lầm của người trẻ, nhưng khó chấp nhận cựu binh mắc lỗi. Trường hợp của Văn Biển ở trận bán kết lượt về AFF Cup 2014 là một điển hình.

Ở đội tuyển Việt Nam vài tháng trước, Huy Hùng và Hoàng Thịnh thay nhau làm nhiệm vụ “dọn dẹp” khá nhịp nhàng. Thịnh lên, Hùng ở lại và ngược lại. Rõ ràng là so với khi một trong 2 người họ đá cặp với Tấn Tài, sự phối hợp giữa những người trẻ nhịp nhàng hơn. Nhưng đó là khi chúng ta chỉ phải gặp các đối thủ yếu.

Trong màu áo Olympic Việt Nam lúc này, Hùng Dũng, Tuấn Anh và Ngọc Thắng là những người được tin tưởng quán xuyến khu giữa sân. Nhưng ngay cả Ngọc Thắng, cầu thủ được HLV Lê Huỳnh Đức xây dựng để trở thành một trung phong cắm sau thất bại với Hà Minh Tuấn, cũng chỉ dâng cao rất chừng mực.

Tuấn Anh là mẫu tiền vệ tổ chức bóng tốt, nhưng anh lại thiếu cả sức mạnh lẫn tốc độ. Đó là lý do Tuấn Anh luôn đứng khá xa cầu môn đối phương như một lựa chọn an toàn. Cũng tựa như Tuấn Anh, những Văn Sơn và Hồng Duy cũng rụt rè khi có ý định leo biên, dù ở HAGL họ rất thường xuyên làm điều này.

“Mỗi HLV có một triết lý không giống nhau. Chúng ta nhìn thấy một khí thế hừng hực tại các đội tuyển dưới thời HLV Miura, nhưng đó không phải là bản chất. Có cảm giác như chiến lược gia người Nhật Bản đang quá lạm dụng sức trẻ. Ông ấy đánh trúng vào ưu điểm và cũng là nhược điểm của người trẻ: Khát khao thể hiện, cống hiến và nghe lời”.

Người trẻ của HLV Miura đã giành được một vài chiến thắng, nhưng khi họ luôn thất bại ở các trận cầu “knock-out” (từ Asian Games 17 đến AFF Cup 2014), thì rõ ràng họ chưa đủ để thế vai các đàn anh hay ít nhất chỉ làm mới bầu không khí đội tuyển. Bóng đá luôn cần tính kế thừa, nhưng phải là sự kế thừa có tính toán, khoa học.

Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm