Có nhiều lối rẽ bất ngờ đưa một tác giá trẻ đến với văn học thiếu nhi. Đó có thể là khoảnh khắc hạnh phúc của một người mẹ, là nỗi hoài nghi chính mình, hoặc chỉ là một tiếng gọi nội tâm… Từ những khởi đầu riêng tư như thế, họ đã chọn ở lại và viết bằng tất cả sự yêu thương và dấn thân cho thế giới trẻ thơ.

Có nhiều lối rẽ bất ngờ đưa một tác giá trẻ đến với văn học thiếu nhi. Đó có thể là khoảnh khắc hạnh phúc của một người mẹ, là nỗi hoài nghi chính mình, hoặc chỉ là một tiếng gọi nội tâm… Từ những khởi đầu riêng tư như thế, họ đã chọn ở lại và viết bằng tất cả sự yêu thương và dấn thân cho thế giới trẻ thơ.

Thực tế, văn học thiếu nhi không phải là lựa chọn có chủ đích ngay từ đầu của nhiều cây bút trẻ. Họ đến với thể loại này muộn hơn, có khi rất tình cờ, có khi như một thôi thúc nội tại khó gọi tên. Nhưng, chính những khởi đầu không định trước này lại tạo nên dấu ấn riêng của từng người viết, góp thêm những mảnh ghép giàu cá tính cho bức tranh văn học thiếu nhi đương đại.

“Chuyển động trẻ” trong văn học thiếu nhi đương đại (Bài 3): Những lối rẽ vào thế giới trẻ thơ - Ảnh 1.

Trong số này, Nguyễn Thị Như Hiền (sinh năm 1990) từng nghĩ sẽ không bao giờ viết được cho thiếu nhi cho đến khi trở thành... mẹ của thiếu nhi. "Trước đây, tôi có những truyện ngắn viết cho người lớn đăng trên các báo, tạp chí. Khi trở thành mẹ, lắng nghe, quan sát con mỗi ngày tôi nhận ra trẻ con trong trẻo và thú vị vô cùng" - chị kể - "Tôi thường thủ thỉ với con chuyện trường lớp, chuyện bạn bè, chuyện con nghĩ về những con vật xung quanh mình… Có những điều con nói làm tôi vô cùng ngạc nhiên về suy nghĩ hồn nhiên của con trẻ".

“Chuyển động trẻ” trong văn học thiếu nhi đương đại (Bài 3): Những lối rẽ vào thế giới trẻ thơ - Ảnh 2.

Từ những đối thoại đời thường ấy, Như Hiền viết tác phẩm đầu tay cho thiếu nhi Đi bắt nỗi buồn (giải Ba Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam) với tâm tư: "Tôi là một người viết và cũng là một người mẹ, ý nghĩ ban đầu của tôi là muốn lưu giữ những điều đẹp đẽ, ngây thơ của con. Đó không chỉ đơn thuần là tác phẩm văn học mà đó như món quà dành tặng cho con".

Còn Cao Nguyệt Nguyên (sinh năm 1990) lại bước vào thế giới thiếu nhi từ một cảm giác "mở cửa nội tâm". Sau khi hoàn thành bản thảo đầu tay bộ truyện Chuột Chi Hô lên thành phố, chị bày tỏ: "Cảm giác đó giống như mình đã mở được một cánh cửa trong thế giới tâm hồn trẻ thơ của mình vậy". Bộ truyện được bạn đọc nhỏ tuổi yêu thích, trở thành động lực để nữ tác giả tiếp tục "bước vào, tìm hiểu một thế giới mới, hiện đại và nhiều điều thú vị" của trẻ em hôm nay. Và càng viết, chị càng có cái nhìn và hiểu hơn tâm lý của các bạn nhỏ.

Khác với những khởi đầu êm ái, Lạc An (sinh năm 1992) tìm đến văn học thiếu nhi trong một cơn "khủng hoảng hiện sinh" ở tuổi 28. Giữa nỗi sợ bị lãng quên, chị vô tình đọc được lời kêu gọi sáng tác fantasy cho thiếu nhi từ NXB Kim Đồng.

Để rồi, một khoảng khắc gần như định mệnh đến với tác giả này. "Tôi nghĩ, đã đến lúc cần phải có một cuốn sách để ghi dấu lại sự tồn tại của mình trong cuộc đời. Và tôi bắt liền chuyến xe lên Đà Lạt, ngồi gõ những dòng đầu tiên của bản thảo sách văn học thiếu nhi đầu tiên trong một căn homestay yên tĩnh vào lúc 3 giờ sáng" - chị nhớ lại.

“Chuyển động trẻ” trong văn học thiếu nhi đương đại (Bài 3): Những lối rẽ vào thế giới trẻ thơ - Ảnh 3.

Cũng bước vào địa hạt văn học thiếu nhi khi đã trưởng thành, Dy Duyên (sinh năm 1987) khởi đầu bằng một cảm giác đặc biệt, đó là sự trở về với bản thể sâu bên trong mình.

"Đến năm 29 tuổi, tôi mới thực sự tiếp xúc với văn học thiếu nhi, nhưng ngay lập tức, tôi đã cảm thấy được trở về nhà, với điều đơn thuần nhất thuộc về con người mình" - chị bộc bạch - "Từ những ngày đầu tiên đặt bút xuống để thử viết một câu chuyện vào năm 30 tuổi, tôi đã có cảm giác mạnh mẽ rằng mình sinh ra để viết. Đó là một điều đơn giản, tự nhiên như phải thế, và theo thời gian, nó trở thành cách mà tôi hiện diện ở thế giới này".

“Chuyển động trẻ” trong văn học thiếu nhi đương đại (Bài 3): Những lối rẽ vào thế giới trẻ thơ - Ảnh 4.

Còn Lý Thăng Long (sinh năm 2000) cũng mang đến một hành trình đầy xúc cảm. Mọi thứ bắt đầu từ mùa hè năm lớp 4, khi Long lần đầu tiên viết một bài thơ đọc cho mẹ nghe và thấy mẹ mỉm cười hạnh phúc. Từ những trang thơ, nhật ký, Long tiếp tục viết, rồi một ngày đọc Dế mèn phiêu lưu ký và viết một câu chuyện khác tên Họa mi phiêu lưu ký. Nhưng niềm vui ban đầu nhanh chóng nhường chỗ cho nỗi thất vọng: "Tôi nhận ra đó không phải là văn, vì cảm thấy na ná quá. Thất vọng, tôi không dám viết nữa".

Suốt những năm tháng học đường, giữa những cảm xúc lẫn lộn, Long nhiều lần muốn từ bỏ văn chương. "Có những lúc tôi thề sẽ không bao giờ viết bất cứ điều gì nữa trong nước mắt... Nhưng dường như luôn có một bàn tay vô hình kéo tôi lại những lúc muốn buông xuôi". Rồi những cơ hội xuất bản, những giải thưởng, sự yêu mến của bạn đọc, tất cả thắp lại ngọn lửa tưởng như đã tắt, để Long tiếp tục được tiếp lửa trên con đường viết cho thiếu nhi.

“Chuyển động trẻ” trong văn học thiếu nhi đương đại (Bài 3): Những lối rẽ vào thế giới trẻ thơ - Ảnh 5.

Từ những khởi đầu riêng tư, mỗi tác giả trẻ lại cày xới trên mảnh đất lành văn học thiếu nhi theo cách riêng. Ở đó, họ mang theo những tâm thế khác nhau, những lối tiếp cận riêng biệt để lắng nghe, thấu hiểu và đối thoại cùng trẻ nhỏ. Chính sự nhập cuộc đa dạng này đang góp phần tạo nên một diện mạo tươi mới, sinh động và nhiều sắc thái cho dòng chảy văn học thiếu nhi hôm nay.

Với Cao Nguyệt Nguyên, khi bắt tay vào viết, chị luôn tự nhủ: "Đừng viết những gì mình thích. Hãy viết những điều trẻ con thích. Đừng viết cái mình nhìn thấy, hãy viết những điều trẻ con muốn khám phá".

“Chuyển động trẻ” trong văn học thiếu nhi đương đại (Bài 3): Những lối rẽ vào thế giới trẻ thơ - Ảnh 6.

Theo chị, viết cho thiếu nhi là một cuộc chơi, nhưng người lớn không phải là người đặt ra luật chơi, mà cần "hùa theo, cùng khám phá và tìm hiểu cùng các bạn nhỏ". Chính tinh thần này đã tạo nên sự tươi mới trong các tác phẩm như Lũ quỷ nhỏ xóm trọ Thành Công hay Xa ngoài kia cánh đồng (giải Ba Giải thưởng Văn học Kim Đồng lần thứ Nhất) của Cao Nguyệt Nguyên. Đó là những câu chuyện sinh động, gắn với thế giới của trẻ nhỏ, không mang lại cảm giác rập khuôn, áp đặt.

Là một hoạ sĩ truyện tranh trước khi trở thành tác giả văn học, Lạc An tiếp cận văn học thiếu nhi từ những nghiên cứu về nền truyện tranh Việt Nam và thế giới. Cô nhận ra: "Điểm để truyện tranh Việt Nam có thể cạnh tranh với các cường quốc trên thế giới chính là nét đặc trưng trong văn hoá". Từ đây, chị quyết định mang điều này vào sáng tác văn học, cụ thể là sử dụng chất liệu dân gian để kể lại câu chuyện mới.

Tác phẩm đầu tay Ông Ba Bị và những đứa trẻ trong mơ (Giải Khát vọng Dế Mèn 2023) là một thử nghiệm như thế, khi Lạc An "khoác" cho truyện "Ông Ba Bị" trong văn hóa dân gian một tấm áo mới, một sứ mệnh mới. Thành công của cuốn sách này giúp nữ tác giả tự tin hơn trong Ngày nay có một ông Trời (giải Tư Giải thưởng Văn học Kim Đồng lần thứ Nhất), khi đưa cả thần Mây, thần Gió, chuyện Sọ Dừa… vào một thế giới kỳ ảo mới, vừa lạ vừa gần.

Còn tác giả Nguyễn Thị Như Hiền luôn ưu tiên sự giản dị và cảm xúc trong trẻo. Những câu chuyện như Đi bắt nỗi buồn, Chuyện ở làng Mênh Mông (giải Nhì Giải thưởng Văn học Kim Đồng lần thứ Nhất) của Hiền đều bắt nguồn từ đời sống rất gần gũi, như một bạn nhỏ lo lắng mẹ có khóc khi sinh em bé, hay một cụ già cô đơn trong mắt trẻ con là… phù thủy. Từ đó, văn chương của Như Hiền tạo ra được độ rung cảm rất riêng, đưa trẻ em đến với những tầng cảm xúc sâu hơn của yêu thương, chia sẻ và thấu hiểu.

Riêng nữ tác giả Dy Duyên có mối quan tâm lớn nhất là "tiếng nói của nhân vật". Chị tâm sự: "Để lắng nghe tiếng nói của nhân vật một cách trung thực mà không áp đặt tiếng nói của người viết, cần sự tập trung, kiên trì, thời gian để thấu hiểu". Và điều đó chỉ có thể đạt được bằng sự nhẫn nại viết đi viết lại, từ bản thảo này đến bản thảo khác. Đó không chỉ là kỹ thuật, mà là một phương pháp sống, kiên trì lắng nghe điều nhân vật muốn nói, thay vì áp đặt điều người lớn nghĩ rằng trẻ con nên nghe.

“Chuyển động trẻ” trong văn học thiếu nhi đương đại (Bài 3): Những lối rẽ vào thế giới trẻ thơ - Ảnh 7.

Trong khi đó, Lý Thăng Long tiếp cận sáng tác thiếu nhi với một ý thức văn chương rất rõ ràng: phải tinh luyện, phải chọn lọc, phải trung thực đến tận cùng với từng chữ. Và anh cho rằng, điều quan trọng nhất là trí tưởng tượng và sự lắng nghe: "Mọi thứ trong mắt các em luôn lạ lẫm và gần như bất cứ thứ gì cũng có linh hồn… Các em là những độc giả hết sức nhạy cảm và tinh tế nên nếu viết không thật tâm, các em sẽ biết ngay".

Từ sự tỉ mỉ trong lựa chọn đề tài, khát khao làm mới chất liệu, đến nỗ lực thấu cảm thế giới nội tâm trẻ nhỏ, mỗi tác giả trẻ đang góp phần tạo nên những cách tiếp cận mới mẻ, sinh động và chiều sâu hơn cho văn học thiếu nhi . Không còn viết theo thói quen người lớn, họ chủ động bước vào thế giới trẻ thơ với sự nghiêm túc, lắng nghe và tinh thần dấn thân để từng trang sách không chỉ là câu chuyện kể, mà là sợi dây nối dài yêu thương, đồng hành và khai mở trong thế giới trẻ thơ.

“Chuyển động trẻ” trong văn học thiếu nhi đương đại (Bài 1): Từ điểm sáng tại các giải thưởng