20/09/2016 06:47 GMT+7
(giaidauscholar.com) - Với người Hà Nội, dường như tất cả những câu chuyện liên quan tới khu vực Hồ Gươm đều có sức nặng để dẫn tới những cuộc tranh luận. Bởi, không gian ấy vừa được mặc định như bộ mặt gắn liền với bề dày văn hóa của Thủ đô, vừa là nơi ...nhạy cảm nhất trước mọi thay đổi, so với những gì từng diễn ra trong quá khứ.
Tiêu biểu nhất, đã có một doanh nghiệp đóng tại khu vực gần Hồ Gươm coi sự thay đổi này tương đương với một Center Park (công viên trung tâm) được lãnh đạo thành phố "tặng không" cho người dân.
Biển người đi bộ đông nghịt trên quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục
Bởi, khi chặn những dòng xe cơ giới, không gian quanh hồ với mặt nước, cây xanh, kiến trúc Pháp cổ... bỗng trở thành một điểm đến lý tưởng cho người dân tới tản bộ và thư giãn - điều mà trước đó, họ chỉ có thể tìm thấy khi chịu khó... đi thêm dăm bảy cây số để vào các công viên Thống Nhất, Thủ Lệ hay Cầu Giấy.
Ngược lại, như ý kiến của một độc giả (được đăng tải trên một tờ báo điện tử), phố đi bộ Hồ Gươm lại là "sự vô nghĩa và lãng phí". Bởi, rất đông trong số du khách kéo tới đây được dẫn dắt bởi... tính hiếu kì. Họ chen chúc ngắm lưng nhau vì không gian quanh hồ không có hoạt động gì đặc biệt. Họ mướt mồ hôi gửi xe tại các điểm tự phát với mức giá "lạnh người" là 50 ngàn đồng, để rồi chán nản và ... xả rác ra cạnh hồ.
Và giữa 2 cực trái ngược ấy, là sự hồ nghi, băn khoăn của hàng trăm ý kiến khác. Rằng, Hồ Gươm trở thành phố đi bộ thì đẹp thật, nhưng kế hoạch ấy cũng đặt ra những sức ép rất lớn về cách tổ chức của dự án thí điểm này. Rằng, rất nhiều "điểm trừ" đã xuất hiện ngay trong những buổi đi bộ đầu tiên...
Những cuộc tranh luận ấy khó lòng đi tới hồi kết. Bởi, giống như mọi câu chuyện khác, mỗi người tham gia đều có quyền tiếp cận sự việc ở góc nhìn, sự cảm nhận và thậm chí là quyền lợi của mình.
Thế nhưng, để đánh giá về một mô hình đang hoạt động, có lẽ điểm quan trọng nhất lại là khả năng hoàn thiện của mô hình ấy trong tương lai. Và, nói công bằng, sẽ khó lòng phủ nhận công sức, cũng như tâm huyết của những người đã tổ chức và đưa phố đi bộ Hồ Gươm vào hoạt động, sau 20 năm ý tưởng này... nằm trên giấy.
Người viết đã từng có dịp tới không gian đi bộ này trong dịp khai mạc ngày 1/9, cũng như lần gần nhất vào tuần qua. Và, có thể khẳng định: trong 3 lần vận hành ngắn ngủi ấy, bản thân phố đi bộ Hồ Gươm cũng đã có sự tiến bộ so với chính mình.
Chẳng hạn, từ 2 máy bán nước tự động ban đầu, con số này đã sớm được nhân lên gấp 3 để phục vụ khách tham quan. Hệ thống Wifi miễn phí đã được lắp đặt thêm 16 điểm nữa, so với 11 điểm ban đầu. Các nút gửi xe đã được triển khai bổ sung tại hầu hết những ngã tư liền kề với mức giá đúng quy định, trong khi biển hiệu vệ sinh miễn phí liên tục mọc thêm tại những điểm kinh doanh gần đó.
Và đặc biệt, trong đợt vận hành thứ 3, du khách tới Hồ Gươm cũng rất ấn tượng trước cường độ làm việc liên tục của đội ngũ nhân viên vệ sinh tại đây, để có thể đảm bảo giảm thiểu lượng rác thải quanh hồ tới mức thấp nhất. Cũng như, thêm nhiều hoạt động cộng đồng khác đã được bổ sung quanh hồ, mà tiêu biểu nhất là các màn biểu diễn của đoàn nghệ sĩ được mời từ Nga sang và dự kiến kéo dài trong một tháng liền.
Tất nhiên, để sự nhiệt tâm ấy được duy trì trong tương lai, sẽ còn rất nhiều câu chuyện đặt ra với ngành quản lý. Nhưng ngược lại, với cộng đồng du khách, đó cũng lại là những câu chuyện cần đặt ra về cách ứng xử trong vấn đề rác thải, xếp hàng hay đơn giản là... thói quen đi bộ.
Thay vì tranh cãi quanh hiệu quả đích thực của phố đi bộ Hồ Gươm, chúng ta hãy nhìn không gian ấy như một điểm đến để mọi công dân cùng... tự thực hành về nếp sống văn minh đô thị, trong mỗi dịp cuối tuần.
Sơn Tùng
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất