25/07/2023 11:27 GMT+7 | Đời sống
Mặc dù được ngành y tế cùng các ngành chức năng truyền thông rộng rãi nhiều năm nay nhưng tình trạng cấp cứu trẻ đuối nước không đúng cách vẫn thường xuyên xảy ra, gây nhiều hậu quả đáng tiếc.
Trẻ đuối nước gặp nguy hiểm hơn khi sơ cứu sai cách
Đầu tháng 7, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận trường hợp trẻ trai, 8 tuổi (ở Bắc Giang) nhập viện trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp, suy tuần hoàn. Theo chia sẻ của gia đình, trẻ bị ngã xuống ao thả cá khi đi chơi cùng bạn. Một lúc sau, bé mới được vớt lên, người cấp cứu không rõ trẻ có ngừng thở, ngừng tim không. Anh và mọi người lập tức vác trẻ chạy, thời gian mất khoảng 10 phút. Sau đó, trẻ được chuyển đến bệnh viện huyện trong tình trạng hôn mê, tím tái, thở ngáp, được đặt nội khí quản rồi chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh, sau đó chuyển tiếp đến Bệnh viện Nhi Trung ương.
Tại đây, trẻ hôn mê, suy hô hấp, suy tuần hoàn. Trẻ được các bác sỹ Khoa Điều trị tích cực nội khoa điều trị thở máy, ổn định huyết động, kháng sinh, sử dụng biện pháp hạ thân nhiệt chủ động để bảo vệ não. Sau năm ngày điều trị, trẻ tỉnh hơn, tự thở, hô hấp và huyết động ổn định. Tuy nhiên, trẻ vẫn cần được điều trị và theo dõi lâu dài về di chứng thần kinh do thời gian thiếu ô xy não kéo dài sau đuối nước vì không được sơ cấp cứu đúng cách.
Đau lòng hơn là trường hợp bé trai, 5 tuổi ở Hải Dương. Trẻ gặp tai nạn đuối nước tại bể bơi resort (khu nghỉ dưỡng) khi đi du lịch cùng gia đình. Khi được đưa lên, trẻ trong tình trạng tím tái, không thở. Thay vì thổi ngạt và ép tim ngay, người cứu lại vác dốc ngược trẻ chạy quanh trong vài phút. Thời gian trẻ có tim trở lại từ lúc được cấp cứu đến khi vào cơ sở y tế ban đầu khoảng 30 phút. Sau đó, trẻ được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương. Khi vào đến Khoa Điều trị tích cực nội khoa, trẻ trong tình trạng nguy kịch, hôn mê sâu, đồng tử giãn. Trẻ tử vong sau một ngày dù được áp dụng các biện pháp hồi sức tích cực. Nguyên nhân tử vong là tổn thương não không hồi phục, suy đa cơ quan do thiếu ô xy kéo dài.
May mắn hơn hai trường hợp trên, bé G.B (9 tuổi, ở Hà Nội) lại được sơ cứu ban đầu đúng cách. Gia đình cho biết, trước đó, bé đi bơi cùng mẹ và hai em tại bể bơi gần nhà. Do trẻ không biết bơi nên lúc đầu trẻ mặc áo phao và bơi ở bể trẻ em, tuy nhiên khi mẹ không để ý, trẻ cởi áo phao và chạy sang bơi ở bể người lớn và bị đuối nước. Trẻ được đưa lên trong tình trạng không tỉnh, không thở, tím tái toàn thân. Rất may mắn, trẻ ngay lập tức được hai thầy giáo dạy bơi cấp cứu ép tim, thổi ngạt liên tục, đúng cách. Sau cấp cứu khoảng 15 phút, trẻ có nhịp thở lại và được chuyển tới cơ sở y tế. Mặc dù được đưa vào Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng nguy kịch, hôn mê, suy hô hấp, suy tuần hoàn, phải hồi sức tích cực, thở máy… nhưng chỉ sau 2 ngày, trẻ bỏ được máy thở, nhanh chóng tỉnh táo và được xuất viện.
Tận dụng thời gian vàng để cứu trẻ
Theo Tiến sỹ, bác sỹ Phan Hữu Phúc – Viện trưởng Viện Đào tạo và Nghiên cứu sức khoẻ trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương, Tổng thư ký Hội Nhi khoa Việt Nam, sơ cấp cứu ban đầu cho trẻ đuối nước rất quan trọng vì nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ đuối nước là tổn thương não do thiếu ô xy. Thời gian chịu đựng thiếu ô xy của não tối đa chỉ khoảng từ 3-5 phút, nếu quá thời gian này sẽ dẫn tới tổn thương não không hồi phục, gây tử vong hoặc di chứng thần kinh. Do đó, khi thấy một trẻ bị đuối nước không tỉnh, không thở, ngừng tim thì cần phải hồi sức tim, phổi (thổi ngạt, ép tim) ngay vì đây là thời điểm vàng để cứu sống trẻ.
Tiến sỹ, bác sỹ Phan Hữu Phúc cho biết, để hồi sức thành công các trường hợp ngừng tim do đuối nước, cần phối hợp rất nhiều biện pháp hồi sức tích cực. Bên cạnh hồi sức thường quy, Bệnh viện Nhi Trung ương đã áp dụng liệu pháp hạ thân nhiệt chủ động theo đích, nghĩa là dùng các thiết bị đưa thân nhiệt cơ thể trẻ giảm xuống 33-34oC trong một vài ngày để bảo vệ não, tránh não tổn thương nặng hơn.
Tuy nhiên, bác sỹ Phan Hữu Phúc lưu ý, chỉ định và hiệu quả của liệu pháp hạ thân nhiệt phụ thuộc vào thời gian trẻ ngừng tim và trẻ có được hồi sức tim phổi kịp thời, đúng cách hay không. Trường hợp ngừng tim kéo dài nhưng trong khoảng thời gian đó, trẻ được hồi sức tim phổi tốt thì kết quả điều trị sẽ tốt hơn. Ngược lại, nếu trẻ chỉ ngừng tim 5-7 phút nhưng lại không được cấp cứu ban đầu đúng cách thì kết quả điều trị sẽ không khả quan bằng.
Theo các bác sỹ, phần lớn trẻ đuối nước tử vong hoặc chịu di chứng thần kinh do não thiếu ô xy kéo dài là do không được cấp cứu hoặc cấp cứu ban đầu không đúng cách tại hiện trường.
Để sơ cứu trẻ đúng cách, Tiến sỹ, bác sỹ Lê Ngọc Duy, Trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, cần tận dụng vài phút đầu-thời gian vàng để cấp cứu trẻ đuối nước. Người sơ cứu cần chú ý không dốc ngược trẻ lên vai rồi chạy vì việc đó khiến các dịch ở dạ dày trào ngược vào đường thở và làm chậm quá trình hồi sức tim phổi (ép tim/thổi ngạt), để trôi qua khoảng thời gian vàng cấp cứu cho trẻ bị đuối nước; không được ngừng hồi sức tim phổi nếu trẻ chưa có nhịp thở. Khi ép tim ngoài lồng ngực, người sơ cứu chú ý không ấn ngực quá mạnh để tránh làm gãy xương, dập phổi... Phụ huynh cần lưu ý đưa tất cả trẻ bị đuối nước đến cơ sở y tế để được kiểm tra và theo dõi các biến chứng sau đuối nước.
Tích cực đẩy lùi đuối nước trẻ em
Cách đây 5 năm, lần đầu tiên chương trình Phòng, chống đuối nước trẻ em được Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Quỹ từ thiện Bloomberg, Tổ chức Chiến dịch vì trẻ em không thuốc lá (Tổ chức Vận động Chính sách y tế toàn cầu) và Tổ chức y tế thế giới triển khai thí điểm tại 8 tỉnh có trẻ em đuối nước cao nhất.
Chương trình đã hỗ trợ nhiều địa phương tiếp cận và thực hiện phù hợp 10 khuyến nghị về giải pháp, can thiệp phòng, chống đuối nước của Tổ chức Y tế thế giới; áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế và chuẩn hóa kỹ thuật dạy bơi an toàn, kỹ năng an toàn cho trẻ em; đồng thời, xây dựng và hoàn thiện chính sách, chương trình về phòng, chống tai nạn thương tích, phòng, chống đuối nước.
Cụ thể, chương trình đã dạy bơi an toàn cho 30.000 trẻ em từ 6-15 tuổi; 54.000 trẻ em (6-15 tuổi) được dạy các kỹ năng an toàn trong môi trường nước; đào tạo 915 hướng dẫn viên dạy bơi an toàn, phòng chống đuối nước; xây dựng 14 bể bơi di động tại các địa bàn triển khai dự án… Tại một số địa phương, sau khi có can thiệp, kiến thức của người dân về vấn đề đuối nước có sự cải thiện rõ rệt.
Những năm qua, tình hình đuối nước trẻ em ở nước ta mỗi năm giảm từ 3-5%. Tuy nhiên, đuối nước vẫn là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em từ 5-14 tuổi. Hàng năm, tai nạn đuối nước vẫn cướp đi sinh mạng của gần 2.000 trẻ, để lại những nỗi đau không thể bù đắp cho cha mẹ, người thân của nạn nhân.
Xuất phát từ thực tế đó, việc tăng cường, mở rộng phạm vi can thiệp của dự án phòng, chống đuối nước trẻ em trên toàn quốc càng trở nên cấp thiết, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, tham gia có hiệu quả của các ngành, đoàn thể, tổ chức quốc tế tạo thành mạng lưới liên ngành phòng, chống đuối nước.
Tháng 6/2023, Quỹ từ thiện Bloomberg tiếp tục cam kết đồng hành, hỗ trợ bổ sung 2,1 triệu USD về tài chính và kỹ thuật cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai Chương trình Phòng, chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2023-2025 dựa trên Chương trình Phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2021- 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Việt Nam đang nỗ lực trong vòng 3 năm tới, có 50% trẻ em từ 6-15 tuổi biết bơi; 60% trẻ được dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước.
Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội) Đặng Hoa Nam cho biết, trong giai đoạn 2, dự án sẽ mở rộng địa bàn; xây dựng thêm bể bơi di động; tổ chức các lớp học bơi, kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Đồng thời tiếp tục hỗ trợ cộng đồng dân cư tăng cường các biện pháp giám sát, cảnh báo nguy cơ ở những vùng nước nguy hiểm (ao, hồ, sông, suối) thậm chí ở những khu vực trang trại có hố nước tưới cây, vũng nước ở các công trình xây dựng. Dự án cũng hỗ trợ truyền thông nâng cao năng lực giám sát, cảnh giới con em của cha mẹ giúp các bậc phụ huynh có thêm kiến thức để nhắc nhở con em về nguy cơ đuối nước...
Cục trưởng Cục Trẻ em nhấn mạnh, sinh mạng trẻ em Việt Nam sẽ được bảo vệ khỏi đuối nước nếu mỗi gia đình biết cách cảnh giới trẻ em; sắp đặt ngôi nhà an toàn, thân thiện và không có bất cứ nguy cơ nào với trẻ, đặc biệt là nguy cơ đuối nước. Mỗi đứa trẻ sẽ được an toàn nếu được bố mẹ đưa đến các lớp học bơi, học kỹ năng an toàn phòng, chống đuối nước hoặc cha mẹ trở thành người thầy, người bạn cùng hướng dẫn, trải nghiệm kỹ năng an toàn phòng, chống đuối nước…
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất