Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh: 70 năm Thể thao Việt Nam, tự hào và trăn trở

27/03/2016 05:58 GMT+7 | Thể thao

(giaidauscholar.com) - Ngày 27/3 tới đây, Thể thao Việt Nam sẽ tổ chức kỷ niệm 70 năm ngày thành lập ngành, đánh dấu một chặng đường dài phát triển của nền thể thao nước nhà.

Ngành Thể dục Thể thao (TDTT) có hai lĩnh vực hoạt động quan trọng và là hai nhiệm vụ chiến lược: Phát triển TDTT quần chúng (TTQC) và phát triển thể thao thành tích cao (TTTTC). Qua 70 năm lịch sử, cả hai lĩnh vực ấy ở những giai đoạn khác nhau đều có những thành tựu.

Những thành tựu đáng tự hào

TDTT quần chúng (TTQC) đóng vai trò quan trọng, chủ đạo đối với sự nghiệp bảo vệ, nâng cao sức khỏe, xây dựng nhân cách và lối sống lành mạnh cho các thế hệ con người Việt Nam. Đánh giá về thành tựu của TTQC, chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2020 viết: "Trong những năm qua, phong trào tập luyện thể dục thể thao của quần chúng nhân dân đã có bước phát triển mới cả về bề rộng và chiều sâu"; chương trình TDTT xã, phường, thị trấn đến năm 2010 (QĐ số 100/QĐ-TTg) đã đóng vai trò tích cực trong việc duy trì và đẩy mạnh cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại". Giáo dục thể chất và thể  thao trong nhà trường có tiến bộ theo hướng tăng cường triển khai áp dụng chương trình giáo dục thể chất chính khóa và hoạt động ngoại khóa. TDTT trong lực lượng vũ trang luôn được quan tâm và phát triển mạnh mẽ. TDTT quần chúng có mục tiêu cao và theo tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh, quan điểm quản lý của Đảng là giữ gìn và nâng cao sức khỏe cho toàn dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vì "dân cường thì quốc thịnh".

Thể thao thành tích cao (TTTTC) là hoạt động tập luyện và thi đấu của vận động viên (VĐV), là quá trình tuyển chọn những trẻ em có tài năng, huấn luyện nâng cao trình độ thể thao, tham gia thi đấu giành thành tích cao, sáng tạo các kỷ lục thể thao. Thành tích và kỷ lục thể thao được coi là giá trị văn hóa, là sức mạnh và khả năng, năng lực của một con người, của một dân tộc. Phát triển TTTTC là một nhiệm vụ chính trị quan trọng nhằm phát huy truyền thống và giá trị văn hóa của dân tộc, đề cao sức mạnh, ý chí, tinh thần tự hào dân tộc, tôn vinh dân tộc góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Qua 70 năm, TTTTC vừa phản ánh hoàn cảnh đất nước, vừa gặt hái được những kết quả mà nhìn vào đó có thể rút ra được những kinh nghiệm về sau.

Trong đó, giai đoạn 1954 – 1975 định hướng và tổ chức 8 môn thể thao cơ bản: Điền kinh, Bơi lội, Thể dục dụng cụ, Bắn súng, Bóng đá, Bóng chuyền, Bóng bàn và Bóng rổ ở miền Bắc đã đặt nền móng cho sự phát triển đúng hướng cho TTTTC Việt Nam sau này. Trong khi đó ở miền Nam Việt Nam đã có những VĐV giành kết quả ở SEAP Games và Asian Games, một số VĐV đã tham gia Olympic.

Từ năm 1964 đến năm 1975 do chiến tranh, thể thao Việt Nam chuyển hướng phục vụ cho sản xuất và chiến đấu, công tác đào tạo VĐV, nâng cao thành tích thể thao tạm thời gián đoạn.

Tới giai đoạn 1975 – 1989, dù có nhiều khó khăn, nhưng Đảng và Nhà nước vẫn quan tâm phát triển TDTT nói chung và TTTTC nói riêng, công tác đào tạo VĐV tiến hành trên cả nước để tạo nên một thế hệ VĐV mới của đất nước thống nhất; các giải vô địch quốc gia với quy mô toàn quốc; chuẩn bị VĐV tham gia Olympic 1980 ở Moskva. Tổ chức Đại hội TDTT toàn quốc lần đầu tiên 1985 tạ Hà Nội, tổ chức "Hội khỏe Phù Đổng" toàn quốc 1983, chuẩn bị VĐV tham gia Đại hội Thể thao Đông Nam Á - SEA Games…

Những năm 1989 - 2000 là giai đoạn TTTTTC Việt Nam hội nhập đấu trường SEA Games. Nếu năm 1989 TTVN trở lại tham gia SEA Games tại Malaysia và chỉ giành được 3 huy chương vàng, xếp thứ 7/9 đoàn tham dự thì đến SEA Games 21 cũng tại Malaysia 2001, TTVN đã đứng thứ tư.

Giai đoạn 2000 - 2015: Nhận thấy đã có sự lệch hướng do quá thiên về chiến thuật "đi tắt đón đầu", từ năm 1994 Tổng cục TDTT đã tổ chức "Chương trình mục tiêu" đào tạo VĐV và thực hiện "Chương trình quốc gia về thể thao" để chuẩn bị toàn diện lực lượng VĐV thi đấu ở SEA Games 22 (2003) tổ chức tại Việt Nam. Nhờ sự chuẩn bị toàn diện và chu đáo cộng với việc vận dụng "ưu thế chủ nhà" truyền thống (như các nước khác khi là nước đăng cai), TTVN đã vươn lên vị trí thứ nhất tại SEA Games 22 ở Hà Nội. Các môn thể thao trong chương trình Olympic đã vươn lên giữ vị trí chủ đạo trong việc giành HCV: Điền kinh, Thể dục dụng cụ, Bắn súng, Bơi lặn, Vật, Cử tạ, Đua thuyền… Từ sau SEA Games 2003, TTVN luôn luôn xếp ở 3 vị trí đầu trong các kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á. Một số VĐV ưu tú đã giành HCV Asiad (Asiad Busan 2002 - 4 HCV, Doha Qatar - 3 HCV); Việt Nam đã có VĐV giành HCB Olympic Games (2000 - Sydney và 2008 - Bắc Kinh ở môn Taekwondo và Cử tạ). Và mới đây, TTVN đã có những kết quả chuyển hướng quan trọng: 87% số lượng HCV của Đoàn TTVN thuộc về các môn thể thao trong chương trình Olympic Games. Tuy nhiên TTVN lại không thành công trên đấu trường Asiad và Olympic (Asiad Quảng Châu - 2010, Asiad Incheon - 2014 chỉ giành được 1 HCV; Olympic London 2012 tay trắng).

Sau gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế TTVN đã đạt được những tiến bộ rất quan trọng, đặc biệt là TTTTC. Thành tích thể thao ngày càng phát triển: giữ vững tốp đầu khu vực Đông Nam Á, phát triển 50 môn thể thao trong đó có khoảng 30 môn đạt trình độ Đông Nam Á và hơn 10 môn có danh hiệu vô địch châu Á, Asiad, vô địch thế giới và á quân Olympic (Điền kinh, Cử tạ, Thể dục dụng cụ, Bơi, Bắn súng, Đua thuyền, Đấu kiếm, Taekowondo, Karatedo, Billiard & Snooker, Thể hình...)

Chờ một sự thay đổi và ổn định

Thế nhưng TTVN trong những năm gần đây vẫn có những khó khăn. Nghị quyết số 08/NQ-TW của Bộ Chính trị "về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về TDTT đến năm 2020" đã chỉ rõ:

- Phong trào TDTT phát triển chưa sâu rộng, nhất là nông thôn, miền núi và khu công nghiệp.

- Giáo dục thể chất và thể thao trong trường học chưa thường xuyên và kém hiệu quả.

- Thành tích thể thao chưa bền vững, đặc biệt là các môn thể thao Olympic.

- Hệ thống tổ chức ngành TDTT chưa ổn định, đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất và khoa học công nghệ chưa đáp ứng yêu cầu.

- Quản lý Nhà nước về TDTT chậm đổi mới

- Đầu tư của Nhà nước và huy động các nguồn lực từ cộng đồng cho TDTT còn hạn chế.

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày TTVN, tác giả bài viết này muốn làm rõ một nhiệm vụ đồng thời là giải pháp quan trọng hàng đầu để phát triển TTVN. Đó là việc kiện toàn bộ máy quản lý Nhà nước về TDTT ở các ngành, các cấp phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ.

Hệ thống tổ chức ngành TDTT chưa ổn định: Trong hơn 60 năm qua, ít nhất 7 lần đổi tên, sáp nhập rồi tách..

Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh: 70 năm Thể thao Việt Nam, tự hào và trăn trở

Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh: 70 năm Thể thao Việt Nam, tự hào và trăn trở

Ngày 27/3 tới đây, Thể thao Việt Nam sẽ tổ chức kỷ niệm 70 năm ngày thành lập ngành, đánh dấu một chặng đường dài phát triển của nền thể thao nước nhà.


Xuống cấp tỉnh, thành thử hầu hết cơ quan quản lý Nhà nước là Sở đa ngành văn hóa thể thao du lịch, các giám đốc Sở TDTT làm Phó giám đốc Sở, chỉ còn Phòng nghiệp vụ TDTT hoặc hai phòng thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao. Đến cấp quận, huyện thì thu hẹp nữa và ở cấp xã phường thì chỉ còn 1, 2 chức danh công chức phục trách lĩnh vực văn hóa - xã hội (trong đó có TDTT…).

Sự mất ổn định thường xuyên của bộ máy tổ chức ngành TDTT trong thời gian dài đã để lại những hậu quả nặng nề. Chỉ thị số 36 - CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (ngày 24/3/1994) về công tác TDTT trong giai đoạn mới chỉ rõ: "Tổ chức ngành TDTT trong nhiều năm không ổn định, có lúc còn thu hẹp, hoạt động kém hiệu lực". Mỗi lần thay đổi là một giai đoạn khủng hoảng, khó khăn trong tư tưởng, tâm lý, tình cảm trong đội ngũ cán bộ quản lý, HLV, VĐV; các chủ trương chính sách, các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình mục tiêu, nhiệm vụ của ngành luôn xáo trộn và không được lãnh đạo chỉ đạo tổ chức thực hiện nhất quán, hiệu quả gây lãng phí lớn.  Đây chính là nỗi đau của nhiều thế hệ những người làm công tác TDTT.

Từ chỉ thị số 36- CT/TW của Ban Bí thư (năm 1994) đến Nghị quyết 08/NQ-TW của Bộ Chính trị (năm 2011) đã là 17 năm. Mười bảy năm trôi qua, một lần nữa, bất cập lại được chỉ rõ: "Bộ máy, hệ thống tổ chức ngành TDTT chưa ổn định", cần phải "kiện toàn bộ máy quản lý Nhà nước về TDTT ở các cấp, các ngành cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ".

Bảy mươi năm thành lập ngành TDTT Việt Nam nhớ lại ngày 30/1/1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ liên hiệp lâm thời đã ký Sắc lệnh số 14 thiết lập tại Bộ Thanh niên một Nha thể dục Trung ương; sau cuộc tổng tuyển cử ngày 6/1/1946 ngày 27/3/1946 một lần nữa Bác Hồ lại thay mặt Chính phủ mới ký Sắc lệnh số 38 về việc thành lập một Nha thanh niên và thể dục gồm Phòng thanh niên Trung ương và phòng Thể dục Trung ương trong Bộ Quốc gia giáo dục.

Kiện toàn, điều chỉnh lại bộ máy quản lý Nhà nước TDTT như Sắc lệnh Bác Hồ đã ký từ năm 1946 chắc chắn sẽ tạo nên điều kiện phát triển mạnh mẽ cho TTVN.

Nguyễn Hồng Minh (Nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao Thành tích cao)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm