09/06/2013 16:58 GMT+7 | V-League
(giaidauscholar.com) - Khép lại 11 vòng lượt đi V-League 2013, giới chuyên môn lẫn dư luận thừa nhận chất lượng, hình ảnh các trận đấu đã được cải thiện. Gặp mặt Cà phê thể thao, chuyên gia Phan Anh Tú cho rằng bóng đá Việt Nam sa sút do khó khăn kinh tế, vô hình trung đã khiến giải chuyên nghiệp hết phát triển nóng, để trở lại quỹ đạo cần có của mình.
* Cà phê thể thao: Nhìn những bất ổn trước thềm mùa giải 2013, nhiều người nói vui bóng đá Việt Nam rất dễ trở lại thời kỳ "đồ đá", chắc ông cũng nằm trong số đông đó?
- Đó là so sánh vui nhưng tôi thấy rất thú vị. V-League 2013 không còn được trang hoàng bằng những hợp đồng triệu đô, những cuộc chạy đua mua sắm không tiếc tiền từ những ông bầu nữa. Trái lại, nó trở lại với đủ sự lo lắng, nghi ngờ, thay vì háo hức chờ đợi như trước. Nhiều ông bầu rút lui, bảy, tám đội bóng giải thể, kinh phí dự giải thụt lùi, chưa khi nào tôi thấy bóng đá Việt rơi hoàn cảnh xấu như thế.
Sự sa sút, yếu kém, uể oải như thế, V-League lại có sức sống riêng khác hẳn các mùa trước. Hãy xem các đội bóng đều cố gắng ra sân thể hiện mình, gạt bỏ những khó khăn hậu trường ra phía sau. Khi số lượng đội giảm, áp lực xuống hạng cũng ít hơn, tạo điều kiện các đội chơi bóng thoải mái hơn. Đặc biệt số đội đua tranh ngôi vô địch nhiều hơn đội rớt hạng, khiến giải đấu mở hơn thay vì cuộc chơi vài ba đội bóng như trước. Đây là mùa giải chuyên nghiệp kỳ lạ trong nhiều năm.
B.BD (phải) chi không biết bao tiền cho chuyển nhượng cầu thủ nhưng thành tích lại không tốt. Ảnh: V.V
* Còn nguyên nhân nào để V-League 2013 tăng về chất lẫn lượng để khán giả trở lại sân đông đảo như thế?
- Các đội cởi bỏ tâm lý nặng nề, ắt năng lượng được giải phóng, nhiều bàn thắng đẹp được ghi. Tôi thấy ấn tượng nhất là năm nay có rất nhiều trận đấu ngược dòng ngoạn mục, như SHB Đà Nẵng thắng ngược Sông Lam Nghệ An 3-2, hay thua ngược 1-4 Vissai Ninh Bình chẳng hạn. Có nghi ngờ xuất hiện, song phải thừa nhận tinh thần phản kháng, quyết tâm của các đội rất cao. Chỉ có tự tin năng lực mới có những trận thư hùng khó đoán định như thế. Càng nhiều màn rượt đuổi không đoán được khán giả càng ưa thích, rồi tính cạnh tranh, hấp dẫn tăng cao vì lẽ đó.
* Đâu là đội bóng yêu thích của ông về lối chơi, cá tính lẫn cách thể hiện trên sân?
- Vicem Hải Phòng thời điểm này là đội bóng tôi thích thú nhất về phương diện chuyên môn. Ai cũng nhớ đây là đội Khatoco Khánh Hòa chuyển giao ra Hải Phòng, chứ không phải đội bóng bản địa. Có lo lắng tính màu cờ sắc áo khi huấn luyện viên, cầu thủ từ nơi khác đến. Song huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn đã làm tốt công việc của mình và được cổ động viên V.HP ghi nhận. Họ chơi khó lường, có đấu pháp rõ ràng cho từng đối thủ. Vẫn cái chất "ngổ ngáo", lỳ đòn, khó chịu giúp họ chơi thành công ở giai đoạn đầu mùa. Với huấn luyện viên tài năng, đội chủ sân Lạch Tray đủ sức tranh đua ngôi vô địch mùa này chứ không đùa đâu.
* Becamex Bình Dương vẫn ở cuối bảng xếp hạng phải chăng do chính sách dùng nhiều cầu thủ ngoại không đúng đắn?
- Tôi không nghĩ như thế bởi đá nhiều ngoại binh là lợi thế lớn. Sài Gòn Xuân Thành mùa trước cũng nhiều ngoại binh nhưng đội hình chất lượng, lối đá sắc sảo nhất ở V-League 2012. Tiếc rằng họ không vô địch, song là đội bóng đáng sợ nhất trong mắt các đối thủ.
Riêng B.BD, nhìn đội hình không ai dám chê họ. Có thể do cách quản lý, tổ chức chưa tốt, khát vọng không cao, khi cầu thủ không nhìn chung hướng thì khó thành công. Tôi nghĩ nếu họ chơi nhiệt huyết như khi thắng Kawasaki Frontale ở trận giao hữu ngày 1/6 vừa qua thì họ không đứng cuối bảng như lúc này.
* Sự phập phù của Sông Lam Nghệ An ở ngôi đầu là do họ có quá nhiều sao trẻ trong đội hình?
- SLNA dùng cầu thủ trẻ vì họ tin vào sự trưởng thành của cầu thủ. Bóng đá xứ Nghệ đi lên từ con đường thuần nhất nên không khó để cầu thủ thể hiện, nhất là đặt đúng lúc, đúng chỗ. Tất nhiên có lúc họ rơi vào bốc đồng, thiếu kiểm soát, nhưng xét sự tinh tế trong kết hợp giữa bốn yếu tố: sức trẻ, kinh nghiệm, ngoại binh tốt, tinh thần chiến đấu, thì họ đang làm tốt nhất. Đó là lý do họ đã thành công và có ngôi đầu bảng ở lượt đi. Nhưng cuộc đua ở lượt về sẽ khó đoán khi SHB.ĐN, Hà Nội T&T, Hoàng Anh Gia Lai hay V.HP đều có tổ chức, nhân sự và kinh nghiệm để đua tranh với SLNA. Tôi thấy đội nào cũng có điểm mạnh cả nhưng kết hợp các yếu tố trên thì SLNA vẫn nhỉnh nhất.
* Theo ông, mô hình giải nhà nghề Nhật (J-League) phải mất bao năm mới thành công ở ta?
- Rất khó nói ba năm, năm năm hay 10 năm, V-League sẽ đạt thành tựu như người Nhật đã làm. Tôi thừa nhận học theo J-League là đúng đắn, đáng học tập, song phải học tập, áp dụng nghiêm túc thì mới thành công. Chứ mô hình áp dụng theo kiểu học người Nhật một chút, rồi thấy bóng đá Anh, Đức, Tây Ban Nha cũng có cái hay để học theo, thì việc phát triển sẽ không đến đầu, đến đũa. Đấy là điều tôi lo nhất vì ở cấp đội tuyển nhiều năm qua chúng ta cũng thiếu định hướng, khi mỗi giai đoạn lại theo đuổi một trường phái, kiểu chơi bóng.
Đáng nói là từ cấp câu lạc bộ, địa phương, việc đào tạo bóng đá trẻ cũng không đồng nhất. Mỗi nơi lại đào tạo theo cách riêng chứ chưa theo mô hình chuẩn từ Liên đoàn bóng đá Việt Nam đề ra. Còn người Nhật họ lựa chọn, xây dựng lối chơi chuyền ban ngắn, di chuyển liên tục ấy thành một con đường lớn mà các câu lạc bộ từ nghiệp dư đến chuyên nghiệp tầm J-League đều làm theo. Song việc đó áp dụng ở nước ta lúc này là chưa khả thi.
* Điều gì ông mong mỏi nhất trong giai đoạn lượt về?
- Có nhiều mong mỏi lắm như cầu thủ nội, nhất là cầu thủ trẻ, sẽ chơi bùng nổ, ổn định hơn. Danh sách Vua phá lưới hết lượt đi chỉ có mỗi tiền đạo nội Lê Công Vinh có tám bàn, lẻ loi so với các ngoại binh, quả đáng buồn cho bóng đá nội. Cần nhiều ngôi sao trẻ chen chân vào cuộc đua với ngoại binh thì V-League 2013 mới càng hấp dẫn, kịch tính, thay vì là sàn diễn của mỗi ngoại binh.
Điều quan trọng hơn là bài ca "về đích an toàn" không còn là nỗi ám ảnh cho các câu lạc bộ lẫn ban tổ chức giải, nếu suy nghĩ phải trụ hạng bằng mọi giá vẫn ám ảnh nhiều người làm bóng đá ở nước ta. Bóng đá là môn thể thao và nó cần cảm xúc chứ không chỉ toan tính. Nếu cứ chơi cở mở, thắng thua rõ ràng, nếu rớt hạng mùa sau làm lại sẽ hay hơn, kịch tính hơn. Còn vẫn cứ tư tưởng tìm cách trụ hạng bằng cách thành lập liên minh, liên kết sẽ khiến chính khán giả quay lưng, bởi bóng đá là sân khấu bốn mặt và đừng bao giờ nghĩ họ qua mắt được khán giả cả.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Mộc Miên (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất