Chuyên gia Vũ Mạnh Hải: ' Cầu thủ trẻ phải miễn nhiễm tiêu cực'

13/05/2020 16:59 GMT+7 | Bóng đá Việt

(giaidauscholar.com) - VFF vừa đưa ra những mức phạt đối với các cầu thủ trẻ của Đồng Tháp do liên quan đến câu chuyện dàn xếp tỉ số thuộc khuôn khổ vòng loại giải vô địch U21 quốc gia năm 2019. Trước đó nữa là những mức độ xử lý khác nhau đối với lứa cầu thủ trẻ U19 của Đắk Lắk, Bình Định tại vòng loại giải đấu này năm 2020.

11 cầu thủ Đồng Tháp bán độ: Xem nhẹ gốc rễ, hủy hoại tương lai

11 cầu thủ Đồng Tháp bán độ: Xem nhẹ gốc rễ, hủy hoại tương lai

“Buồn cho bóng đá Đồng Tháp”, cựu HLV Đoàn Minh Xương, người từng 2 lần dẫn dắt Đồng Tháp vô địch quốc gia, đã cảm thán như vậy sau khi chứng kiến 11 cầu thủ trẻ xứ bưng biền nhận án phạt lịch sử mới đây.

Ác mộng tiêu cực của bóng đá nước nhà đã len lỏi trở lại như một nguy cơ; thực trạng của câu chuyện đến đâu cùng giải pháp để triệt tiêu như thế nào? Chuyên mục“Đối thoại cùng Thể thao & Văn hóa” đã nhận được nhiều chia sẻ từ chuyên gia Vũ Mạnh Hải. (ảnh nhỏ Vũ Mạnh Hải)

Tiêu cực len lỏi trở lại, bất ngờ và không bất ngờ

Chuyên gia Vũ Mạnh Hải cho rằng ông đón nhận thông tin này với nhiều trăn trở: “Chuyện này nó xảy ra như thế, bản thân tôi khi đón nhận cũng có những bất ngờ. Chúng ta thấy thời gian vừa qua bóng đá nước nhà đã có nhiều tín hiệu tốt lên như thế, mọi việc đã tích cực lên nhiều, câu chuyện tiêu cực cũng không còn được nhắc đến.

Đặc biệt những thành công của bóng đá nước nhà trong giai đoạn làm việc của HLV Park Hang Seo đã tạo ra những nét tươi mới và không khí rất tốt với đời sống bóng đá quốc nội. Chúng ta thấy thời gian gần đây, việc phụ huynh người ta đã cho con em mình học bóng đá để chơi bóng hay theo đuổi con đường bóng đá cũng rất nhiều.

Bất ngờ thì có đấy nhưng khi nhìn kỹ câu chuyện và ngẫm lại vấn đề thì mình cũng thấy chuyện đó cũng hoàn toàn có thể xảy ra.

Rõ ràng, từ những câu chuyện như thế, chúng ta phải thật tỉnh táo, không thể chủ quan để quan tâm đúng mực nhất cùng với biện pháp triệt để nhất khi xử lý vấn đề. Không thể để vấn nạn tiêu cực còn lẩn khuất đâu đó có cơ hội bùng phát và tác động, gây ra hệ lụy cho bóng đá nước nhà”.

Chú thích ảnh
Chuyên gia Vũ Mạnh Hải

Môi trường đào tạo trẻ phải được đảm bảo

“Chúng ta thấy thời gian qua bóng đá nước nhà đã có nhiều điều tích cực như thế mọi người đã cảm nhận được, nhất là công tác xây dựng, đào tạo trẻ. Về vấn đề chuyên môn của đào tạo trẻ hay bóng đá trẻ thì mình không nói ở đây vì kết quả đã có như thế.

Ở đây mình nghĩ các Trung tâm đào tạo trẻ của mình trên khía cạnh chăm nom, định hướng, uốn nắn các em cầu thủ trẻ về tư chất đạo đức cho cầu thủ vẫn còn những cái chưa thật sự chuẩn mực”.

“Câu chuyện đào tạo cầu thủ trẻ ở các Trung tâm, địa phương cũng giống như việc chăm bẵm, giáo dục con trẻ ở mỗi gia đình vậy thôi. Công việc này phải có những quy chuẩn rõ ràng và hướng cầu thủ vào đó, vào khuôn khổ không chỉ rèn giũa chuyên môn còn cả khía cạnh đạo đức.

Bóng đá nó tác động đến đời sống xã hội rất lớn từ chính những gì diễn ra trên sân cỏ như thế. Cầu thủ không chỉ đơn thuần chỉ đá bóng trên sân, qua đó những gì họ thể hiện đều được nhìn nhận và xem xét rất kỹ.

Chính từ đó chúng ta phải tập trung quan tâm đến cuộc sống hàng ngày, định hướng, giáo dục họ theo những chiều hướng tốt, trong sáng và tích cực hơn”.

Chuyên gia Vũ Mạnh Hải đặt ra câu hỏi: “Tại sao ngày trước nhiều người nói cầu thủ của đội bóng CLB Quân đội không thấy những cầu thủ thế này thế kia” để lý giải vấn đề.

Đó chính là nhờ môi trường nghiêm túc, nghiêm khắc trong quân đội đã uốn nắn cầu thủ vào nề nếp, theo những chuẩn mực để không chỉ đá bóng mà còn biết được trách nhiệm cũng như không có những chuyện tiêu cực này nọ khi theo đuổi đam mê chơi bóng.

Do đó, mình nghĩ chính môi trường các cháu đang ở vào lứa tuổi còn trẻ khi học bóng đá phải thật sự chỉn chu và nghiêm túc để học có được hành trang cho mình”.

“Đời sống xã hội bây giờ đa dạng, môi trường cuộc sống xung quanh của các cầu thủ cũng rất phong phú nhưng cũng có thể tiềm ẩn nguy cơ từ đó. Cầu thủ trẻ bây giờ tiếp cận mọi việc rất nhanh và có nhiều thứ để chơi và cũng rất dễ sa ngã với những tác động xung quanh như thế.

Làm sao để tạo ra được môi trường tốt, bài bản và thật sự trong lành trong công tác xây dựng, đào tạo, chăm bẵm để các cầu thủ trẻ có được những điều kiện tốt nhất cho họ vừa học bóng đá vừa nhận được những giá trị đạo đức, đó là câu chuyện cần quan tâm thực hiện”.

Chuyên gia Vũ Mạnh Hải khẳng định: “Phải luôn xem việc đào tạo chuyên môn là quan trọng, bồi dưỡng đạo đức thì cốt lõi thì mới có được những lứa cầu thủ trẻ tốt về phẩm chất và chơi bóng đoàng hoàng.

Chú thích ảnh
Chuyên gia Vũ Mạnh Hải cho rằng để phòng chống tiêu cực trong bóng đá thì phải làm rất chặt từ cấp độ bóng đá trẻ. Ảnh: Hoàng Linh

Muốn như thế phải có được những tấm gương tốt từ chính người thầy dạy bóng đá. HLV trẻ vừa như người dạy kỹ năng đồng thời cũng rèn đạo đức cho cầu thủ. Những ai làm công tác đào tạo trẻ phải thật sự tấm gương cho cầu thủ nhìn vào đó mà biết hướng đến những điều tốt hơn, chuẩn mực.

Tư cách đạo đức và vai trò về hình mẫu những người làm công tác đào tạo cầu thủ sẽ vô cùng quan trọng”.

Ý thức nghề nghiệp là cốt lõi

“Những gì chúng ta bàn về câu chuyện tại sao cầu thủ, nhất là cầu thủ trẻ lại dính dáng đến tiêu cực được nhìn trên nhiều góc độ như thế. Ở đó đã có tất cả mọi khía cạnh liên quan từ môi trường, hình mẫu, tấm gương và cả những quan tâm, rèn giũa của những Trung tâm, địa phương hay chính những người trực tiếp dạy dỗ các em.

Tất cả điều đó sẽ tạo ra những giá trị tốt đẹp cho các cầu thủ theo nghiệp đá bóng nhưng quan trọng ở chỗ chính bản thân mỗi người trẻ cần tạo ra một hàng rào miễn nhiễm với tiêu cực, đó chính là ý thức của mỗi cá nhân.

Nói một cách khác, đó là ý thức vào con đường bóng đá của mỗi cầu thủ khi đã quyết định tham gia vào địa hạt bóng đá.

Rộng ra nữa, chính bản thân anh phải có được ý thức nghề nghiệp, tôn trọng nghề nghiệp cũng là tôn trọng bản thân và trân quý cái nghiệp đá bóng của mình. Đá bóng với mỗi cầu thủ không chỉ là việc chơi bóng trên sân đơn thuần còn cả giá trị anh mang lại là gì”.

Chuyên gia Vũ Mạnh Hải chốt lại câu chuyện với những nhắn gởi: “Mỗi cầu thủ đều phải hiểu điều đó, bóng đá sẽ mang lại cho họ rất nhiều điều tốt đẹp nếu họ biết quý trọng và theo con đường đá bóng một cách tử tế nhất.

Bản thân mỗi cầu thủ phải hiểu rằng bóng đá sẽ đem lại cho họ thu nhập, có được danh tiếng và ở lát cắt nào đó tạo ra hiệu ứng xã hội tích cực. Chính từ đó, họ biết phải làm gì cho tuổi thọ nghề nghiệp dài lâu và đảm bảo, phải làm gì để mình thật sự trong veo với đời sống cầu thủ, đời sống bóng đá.

Trần Tuấn (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm