26/10/2015 06:41 GMT+7 | Thế giới
(giaidauscholar.com) - 1. TP.HCM đương làm một việc được dư luận ủng hộ, ấy là đào lại con kênh Hàng Bàng ở Q.6 đã bị lấp 15 năm trước, dù phải tốn rất nhiều tiền. Đây là một hành động tích cực, một chủ trương đúng dù tốn kém nhưng được lợi lâu dài, không thể tính bằng tiền…
Cũng 15 năm trước, người Hà Nội “tích cực” lấp sông để tận dụng không gian xây dựng, khai thác bãi đỗ xe. Tôi tiếc đứt ruột khi con sông nhỏ chảy từ Cát Linh qua Hoàng Cầu đổ ra sông Tô Lịch bị “cống hóa” nhanh chóng. Rồi con sông chảy từ làng Ngọc Hà qua khu Vĩnh Phúc băng qua phố Liễu Giai để đổ ra sông Tô Lịch cũng chung số phận.
Rất nhiều những con suối trong lòng thành phố đã và đang bị khai tử với lý do ô nhiễm… Mới đây, con sông chảy cạnh phố Thanh Nhàn cũng đã bị cống hóa để làm đường lên trên.
Có mấy con sông được cải tạo thì làm vội vã tắc trách như kè mái nghiêng 45 độ khiến lòng sông bị thu hẹp. Rồi không có nguồn cấp nước để thông thủy nên sông không khác gì mương nước thải.
GS Phạm Ngọc Đăng - Chủ tịch Hội Môi trường xây dựng Việt Nam khẳng định trong vòng 10 năm, diện tích sông hồ tại Hà Nội đã giảm 64%. Trong khi đó, quy hoạch Hà Nội vẫn chưa chú trọng giải quyết vấn đề cấp thoát nước tại khu vực đô thị cũ: "Hãy trả lại cho các dòng sông không gian để chúng có thể làm tốt chức năng tự nhiên đã tạo nên nó".
2. Hàn Quốc quyết định khôi phục lại dòng sông ở Seoul đã bị lấn chiếm. Một quyết định gây nên sự phấn khích cho toàn xã hội vì nó tạo nên một dòng sông "sống" giữa thủ đô của nước này. Khôi phục sông, rồi thì tạo hành lang bên sông thoáng mát, tạo cảnh quan xanh sạch trong lành tăng chất lượng không gian sống và đó là cách thoát nước tốt nhất khi mưa lũ.
Sông Lừ, sông Sét, sông Kim Ngưu… của Hà Nội là những dòng sông lịch sử, là một phần di sản của Thăng Long - Hà Nội. Đừng đối xử như là mương, là máng thông thường.
Có con sông mất dấu như sông Lừ, do kè bờ và làm nắp bê tông trên mặt sông thành đường Trần Đại Nghĩa. Đoạn từ phố Đại La đến hồ Yên Sở được kè bờ, nạo vét, làm đường và trồng cây hai bên bờ. Tuy nhiên dẫu kè sông, ngăn lấn chiếm, thì những dòng sông vẫn chỉ là những cái mương nước thải khổng lồ. Và phố phường vẫn không thôi ngửi mùi thối nồng nặc bốc lên từ sông…
Hãy đào lại những sông đã lấp, và kè lại các dòng sông đã kè ẩu, để tạo cảnh quan, cải tạo môi trường… Và quan trọng hơn là hãy tạo nguồn nước cung cấp cho các dòng sông ấy, để nuôi dưỡng sông, làm sống lại những dòng sông vốn là hệ thống điều hòa khí hậu, điều hòa nước lũ mùa mưa…
Một dự án lấy nước sông Hồng vào cấp cho hệ thống sông của thành phố, dù tốn kém vẫn phải được tính toán, khởi động để cứu những dòng sông. Hãy nghĩ đến mở rộng lại lòng sông Tô Lịch, bắc những cái cầu vồng trên sông và tổ chức những đội tàu du lịch trên sông Tô.
Hãy sang Âu châu, thăm sông Danube, sông Seine… để học cách bảo vệ sông, cách tôn tạo những dòng sông di sản… Những chuyến du lịch Âu châu để ngắm sông Danube, sông Seine không uổng phí. Những chuyến du lịch đường thủy ngắm cảnh quan Hà Nội trên sông Tô, sông Nhuệ xanh trong là điều cần làm.
Tôn tạo các dòng sông, nó chỉ làm đẹp, làm giàu cho thành phố. Xin đừng làm ngược lại!
Tân Linh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất