Chuyện Hà Nội: Nỗi niềm cổ tích

06/04/2015 07:51 GMT+7

(giaidauscholar.com) - Gần 20 năm trước, tôi được ông Lưu Minh Trị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội mời tham gia đoàn công tác khảo sát tình hình di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn thành phố. Tôi bất ngờ bởi đó là một chuyến đi thăm hàng loạt di tích nổi tiếng trên một vùng rộng lớn từ Cổ Loa (Đông Anh) đến các cổ tích nội thành. Rõ là một chuyến đi thú vị vì được chiêm ngưỡng các cổ tích với kiến trúc và bày trí và đặc biệt là thần tích về các nhân vật được thờ phụng tại các di tích.

Bất ngờ thứ hai, lại là một bất ngờ không thú vị chút nào. Cũng như nhiều anh chị em trong đoàn, tôi thực sự bất ngờ và bức xúc trước tình trạng bảo vệ và tôn tạo di tích, đặc biệt là tình trạng lấn chiếm không gian, phá vỡ cảnh quan di tích phổ biến khắp nơi. Không mấy điểm di tích không bị dân ở lẫn vào không gian cổ tích và tệ hại hơn, họ xây cất cả nhà cửa kiên cố tại khu vực bảo vệ I…

Ngày hôm nay đi qua nhiều di tích cổ, vẫn nguyên tình trạng cũ. Thậm chí nạn xâm phạm di tích có nơi còn nặng nề hơn. Ai cũng biết Chùa Thiền Quang bên hồ Thiền Quang có cả một khu dân cư sống lẫn vào di tích đã được xếp hạng bảo vệ. Hình như luật Di sản Văn hóa không mấy tác dụng tại đây khi nạn xâm hại lấn chiếm không gian di sản này không ai chịu trách nhiệm.

Bây giờ đứng bên hồ phía đường Nguyễn Du hay phố Quang Trung, thấy rõ sự nhếch nhác và lộn xộn của di tích gần nghìn năm tuổi này. Không gian một phía hồ, khu vực chùa bị xé  nát bởi những công trình nhà ở, lán trại trong khuôn viên di tích. Nếu giải phóng được nạn lấn chiếm và tu bổ lại chùa, tôi tin quần thể kiến trúc ven hồ này sẽ tôn thêm vẻ đẹp cảnh quan và sự tôn kính lịch sử.

Chỉ riêng quận Hoàn Kiếm có gần 20 di tích quốc gia đã xếp hạng bảo vệ, nhưng bên trong không gian cổ kính ấy vẫn còn gần 100 hộ dân với gần năm trăm nhân khẩu, và hàng chục cơ quan đơn vị, trường học, cửa hiệu. Gần 60 di tích biến dạng gần như không thể khôi phục không gian thờ tự… Được biết mấy năm nay địa phương rất tích cực vận động thu hồi đất đai di tích để đầu tư tôn tạo, nhưng công việc không dễ dàng gì. Với địa bàn đất đai đắt đỏ như Hoàn Kiếm, việc giải phóng mặt bằng để trả lại không gian vốn có cho di tích xem ra là một việc khó khăn vô cùng.

Với hàng ngàn di tích và danh thắng, Hà Nội rất giàu có về di sản, cả di sản văn hóa phi vật thể. Đó là một tài sản lớn của Thăng Long nghìn tuổi. Nhưng nỗi lo giữ gìn tôn tạo bảo vệ từng ấy cổ tích là một việc vô cùng nặng nề, nhất là việc chống lấn chiếm, giải phóng mặt bằng… Đã đến lúc phải dứt khoát trong việc đòi lại không gian các cổ tích để giữ lấy những di tích lịch sử văn hóa cho muôn đời sau, dẫu những vấn đề lịch sử để lại là hết sức nan giải. Chỉ riêng tái định cư cho dân ở trong di tích là gánh nặng cho thành phố.

Hà Nội sẽ muôn đời cổ kính nếu phần cổ tích được giữ lại. Bất ngờ trên một con phố, qua nhiều cao ốc nguy nga, bỗng gặp một không gian cổ tích, lòng ta như yên ổn hơn,tâm tĩnh hơn…

Ứng xử với lịch sử với một thái độ trân trọng yêu quý, đó là một khôn ngoan trong quá trình phải triển, phát triển bền vững.

Tân Linh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm