01/11/2014 08:45 GMT+7
(giaidauscholar.com) - 1. Cái câu ca dao cũ ấy tự bao giờ vận vào tính cách người Hà Nội, để con người nơi ấy ngày trước đều giữ gìn nét ăn nết ở sao cho đúng mực, lịch sự vừa phải… Có lần cố Luật sư Phạm Học Hải kể: Ông người làng Đông Ngạc - Từ Liêm xưa là đất ngoại thành, nhưng mỗi lần vào Hà Nội đi học, chàng học sinh đều phải diện bộ áo quần lịch sự nhất mình có.
Cái vẻ hào hoa lịch sự của người Tràng An có từ lúc nào không ai nhớ chỉ biết rằng đã là người đến Hà Nội thì phải thế. Âu cũng là một cách tự trọng. Tuy học trọ xa nhà nhưng chàng sinh viên Học Hải mỗi tuần ngày nghỉ về nhà vẫn ăn vận lịch sự. Các chàng trai và cánh đàn ông thường trang phục gọn ghẽ, tóc thế nào cũng chải dầu bi zăng tin hay là xịt gôm cẩn thận. Thường khi đi xe ngựa vào đến đầu ô Yên Phụ, người ta mới bắt đầu thay bộ cánh tươm tất trước khi lên phố. Các bà các mợ hay các cô thanh nữ hễ ra phố là vận áo dài. Đa số người bình dân lao động, chị sen hay anh phu đi bộ vào thành vẫn phải chỉnh trang cẩn thận tuy những bộ phục trang ấy chỉ là áo phin quần lụa đen hay đơn giản hơn là bộ đồ nâu. Chị em phụ nữ thì đầu vấn khăn, đội nón lá thắt lưng bằng vải hoa lý hoa cà…
Hình như ngày trước cái ý thức lịch sự, thanh lịch sẵn có tự trong mỗi con người.
Ngày trước đâu có mở cuộc vận động gì, cũng chẳng có cảnh sát hay trật tự viên giám sát nếp sống nơi công cộng, nhưng ai ai cũng chấp hành nếp sống ấy một cách tự giác.
2. Hà Nội là đất tụ nhân. Người làng nghề về đây làm ăn thì phát đạt và giữ lấy nghề Tổ. Có khi nghề gốc ỏ làng quê đã mai một hoặc giải nghệ thì ở Hà Nội phố nghề ấy vẫn giữ cho đến tận bây giờ… Kẻ Chợ xưa nay là nơi giao thương với trăm miền. Đó là mặt mạnh của người Thăng Long - Tràng An xưa. Người Hà Nội hoặc nơi khác về buôn bán đều có tính cách cần thiết hoà nhập với người kinh thành để bám trụ ở phố làm ăn.
Hà Nội đã có công “đồng hoá” một cách tích cực để giữ “thương hiệu người Tràng An”. Tự thân mỗi người làng quê về Hà Nội hình như cũng ý thức được cái danh người Tràng An mà rồi học lấy cách ăn nói, cách ứng xử lịch sự văn minh, cũng để tránh cái tiếng thô kệch mang tiếng “quê mùa”… Đó là một hiện tượng xã hội đặc biệt không đâu có.
Tuy nhiên mỗi chữ Hàng trong phố Hà Nội đều có sự biến động về sản phẩm. Biết làm sao được. Giờ không ai đi bán hàng chuyên một phố như xưa. Phố Hàng Gà đã từ lâu không bán gà… Nhưng không vì cơ cấu mặt hàng mà tính cách người Hà Nội thay đổi. Cái đang thay đổi theo chiều hướng đáng ngại là tính cách người Tràng An đang mai một.
Nhiều trai gái ăn mặc nhố nhăng hở ngực, hở mông thậm chí cởi trần phóng xe ào ào trên phố. Nạn chửi thề nói tục tràn lan khắp chốn. Một thời chiến chinh, nghèo khó, hình như không làm mất đi vẻ đẹp đất kinh kỳ. Thời đại công nghiệp, tác phong công nghiệp không có nghĩa là vội vã, xô bồ bất chấp nếp lịch sự tối thiểu, bất chấp trang phục nhếch nhác thế nào…
Bây giờ cuộc sống thay đổi nhiều, hiện đại hơn, giao lưu văn hoá mạnh hơn nhưng càng như vậy càng phải giữ lấy nét đẹp con người thanh lịch. Đừng nệ cổ, cầu kỳ nhưng hành vi văn hoá luôn làm người ta đẹp hơn, đáng trọng hơn trong mắt người khác. Trong xã hội hiện đại nhiều nét đẹp cũ vẫn được người Hà Nội gìn giữ, nhưng nếp sống ấy hình như đương bị pha tạp, đương bị mất mát đến đau lòng…
Tân Linh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất