Chuyện Hà Nội: Một không gian Thăng Long lãng mạn và khoa học

05/01/2015 08:01 GMT+7

(giaidauscholar.com) - Không hiểu khi xưa, vào đầu thế kỷ XI ấy, Thái Tổ Lý Công Uẩn đã bằng cách nào mà biết được thế “tựa núi nhìn sông”, biết phong thuỷ đất này để xuống Chiếu dời đô, quyết định đưa đại bản doanh từ Hoa Lư về Đại La thành. Hẳn có một tầm nhìn chiến lược cực kỳ đúng đắn khoa học, Người mới có được những luận đề chính xác như vậy về kinh đô tương lai của Đại Việt!

Lịch sử 1000 năm nay đã chứng minh tính đúng đắn của việc định đô ấy. Và đó là một bí ẩn. Có thể lý giải bằng câu chuyện của thiên tài. Vâng! Nếu không có thiên tài, hay ít ra là linh cảm về tương lai của Thăng Long và Đại Việt, làm sao người dũng tướng 36 tuổi ấy đã có thể thấy trước cơ đồ. Cái tầm vóc ấy, cái đầu óc ấy có thể ví ngang một thiên tài. Bây giờ đây khi lật lại các điều kiện địa lý, địa hình và cả phong thuỷ nữa, mới hay cái tờ “Thiên đô chiếu” ấy chỉ vỏn vẹn 214 chữ thôi mà đúc kết đầy đủ còn hơn cả một đề tài khoa học đồ sộ, hoặc ít nhất là hơn tất cả bản luận chứng kinh tế kỹ thuật về quy hoạch xây dựng thành phố sau khi đã trải hàng năm, vài năm khảo sát thăm dò…

Chao ơi! Nếu không thiên tài thì đấy là đầu óc của một vị vua xuất chúng. Cho đến bây giờ sau một nghìn năm, cái yếu tố kỹ thuật, cũng như mặt kinh tế xã hội của sự lựa chọn địa điểm đặt kinh thành Thăng Long – Đông Đô - Hà Nội là hoàn toàn đúng đắn. Ở mỗi thiên tài hình như cái sự lãng mạn và đầu óc khoa học luôn bên cạnh nhau, nhờ đó tạo nên các sản phẩm, tác phẩm và tư tưởng tuyệt vời.

Rồng đã bay lên phía thành Đại La ngày vua Lý đặt chân lên bến Hồng Hà – Sông Cái để Người khẳng định cái quyết định thiên đô kia là đúng đắn, là hợp đạo Trời và lòng dân trăm họ. Đất ấy là thắng địa để rồi nghìn năm nay, qua bao dâu bể, cuối cùng Hà Nội vẫn là kinh đô nước Việt như không thể khác.

Miền đất nhiều sông hồ này vì thế đã đem lại lợi thế giao thương buôn bán làm nên Kẻ Chợ - một trung tâm kinh tế thương mại lớn nhất thời trước. Và bản thân sông hồ đã là cảnh quan thiên nhiên kỳ thú. Kinh đô ở giữa lòng Kẻ Chợ là để vương triều gẫn gũi với chốn thảo mặc dân dã. Ấy là một ý tưởng lãng mạn nhưng cũng là chân lý khoa học: Gần dân và ở trong dân.

Thế nước xưa nay thịnh suy cũng bắt đầu từ chân lý ấy chăng? Thăng Long từ thủa ấy, Hoàng Thành vẫn là trung tâm hành chính quốc gia, nhưng chung quanh thành là Kẻ Chợ, một kiểu “trung tâm thương mại” lớn với trăm nghề hội đủ từ các làng nghề khắp xứ.  

Và còn đây các ngôi làng cổ kính góp cho kinh kỳ vẻ đẹp thôn dã với những trầm mặc đình chùa đền miếu. Sự nguy nga lộng lấy của kinh thành ở giữa 36 phố phường với năm cửa ô là một quy hoạch không đâu có trên thế gian này… Cảnh quan thiên nhiên nơi này đã đẹp lại thêm vô số kiến trúc tâm linh đền chùa đình miếu bên cạnh hoàng thành nguy nga tráng lệ làm cho Thăng Long vì thế mà thanh bình và thơ mộng… Tôi đồ rằng Thăng Long - Hà Nội còn giữ được những gì di sản chính là nhờ sự hài hoà không gian quy hoạch và kiến trúc từ xưa đến nay. Vẻ cổ kính của những công trình kiến trúc thấp tầng cùng vơí cây xanh mặt nước sẽ là nét riêng Hà Nội.

Và không gian ấy ngày một “thiêng” hơn, nếu chúng ta bảo vệ được nó. Sẽ làm hỏng hết không gian kiến trúc nếu quy hoạch không kiên quyết giữ lại vẻ đẹp của Hà Nội cũ… Những toà nhà chọc trời hôm nay trong lòng phố cũ trở nên lạc lõng khi ngắm nhìn nét hào hoa thâm trầm của phố xá,  của của cây xanh hồ nước… Đây là nơi “lắng hồn núi sông ngàn năm”, vì vậy hãy thận trọng khi làm bài toán quy hoạch và kiến trúc trong lòng Hà Nội cũ.  

Tân Linh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm