Chuyện kiếm tiền của các ngôi sao quần vợt: Người ăn không hết, kẻ lần chẳng ra!

28/05/2015 19:24 GMT+7 | Tennis

(giaidauscholar.com) - Cuối năm ngoái, ATP đã thông báo mức tiền thưởng mới kỷ lục cho mùa giải năm nay. Theo đó, tổng số tiền thưởng cho các giải ATP lớn nhỏ vượt qua mức 100 triệu USD. Các tay vợt dự Grand Slam cũng vì thế mà “thơm lây”.

10 tay vợt kiếm tiền nhiều nhất đã thu về khoảng 61 triệu USD tiền thưởng trong khoảng thời gian từ tháng 6 năm 2012 đến tháng 6 năm 2013. Nhưng số tiền mà nhóm tay vợt này nhận được từ quảng cáo lên đến gần 200 triệu USD.

Khoảng cách "giàu - nghèo" còn lớn

Năm ngoái, số tiền tài trợ mà các doanh nghiệp, tập đoàn lớn bỏ vào quần vợt lên tới 739 triệu USD. Roger Federer chính là tay vợt được trả tiền quảng cáo nhiều nhất với cả 1 danh sách dài các nhà tài trợ toàn tên tuổi lớn như Rolex, Nike, Wilson, Credit Suisse, Mercedes-Benz, Gillette và Moet & Chandon. Tổng số tiền mà FedEx nhận được từ họ lên đến 45 triệu USD 1 năm. Dù đã 33 tuổi và rời xa thời kỳ đỉnh cao từ lâu nhưng "tàu tốc hành" vẫn đặc biệt thu hút quảng cáo nhờ đời sống cá nhân sạch sẽ, thành tích "khủng" và phong cách quý ông lịch lãm.

Nhưng quần vợt vẫn nổi tiếng là bộ môn ‘ăn chia không đều’ khi khoảng cách giữa các tay vợt tốp đầu với phần còn lại là quá lớn. Vì khi bạn là một nhà vô địch Grand Slam, một tay vợt hàng đầu, các hãng hiệu lớn cũng sẽ tìm đến bạn với những bản hợp đồng béo bở. Còn khi bạn chỉ ở mức trung bình khá, quần vợt rõ ràng là một nơi khá khó khăn.

Michael Russel, tay vợt hạng 92 thế giới đã từng chia sẻ với Forbes về các khoản chi phí cá nhân lớn khiến thu nhập khiêm tốn của những tay vợt như anh chẳng thấm vào đâu. 15 năm thi đấu Russell mới kiếm được 2,1 triệu USD. Số tiền anh phải chi 1 năm cho việc thi đấu chuyên nghiệp là khoảng 75 ngàn USD. Tiền cho việc đi lại là 35 ngàn đô la. Tiền thuế cũng chiếm một phần lớn trong số 75 ngàn đô la kia. Mỗi giải đấu cần khoảng 300 USD cho các cây vợt. Với chi phí cao như thế, một tay vợt nằm ngoài Top 100 có khi còn "lỗ".  

Năm ngoái, tay vợt số 1 thế giới Novak Djokovic kiếm được hơn 7 triệu USD tiền thưởng trong khi ở ngay hạng 32, Fernando Verdasco chỉ kiếm được hơn 750 ngàn USD. Từ đầu năm tới nay, Nole đã bỏ túi ngót nghét 6 triệu USD tiền thưởng còn chỉ ngay trong Top 20, Nick Kyrgios mới chỉ kiếm được gần 500 ngàn USD.

Giới tính cũng là một vấn đề

Hồi tháng 11 năm ngoái, một cuộc thăm dò của BBC Sport cho thấy số tiền thưởng mà các vận động viên nam giành được từ việc thi đấu nhiều hơn các vận động viên nữ tới 30%. Điều này làm dấy lên cuộc tranh luận về chuyện bình đẳng giới trong thể thao. Thật vậy, so với con số 7 triệu USD của Djokovic thì người đang kiếm nhiều tiền thưởng nhất giải nữ kể từ đầu năm tới nay Serena Williams còn thua chán. Cô mới chỉ bỏ túi 4 triệu USD. Đây cũng là con số mà Maria Sharapova thi đấu vất vả, vô địch 3 giải năm ngoái mới kiếm được.

Thế mà tay vợt hạng 32 thế giới Casey Dellacqua chỉ kiếm được vỏn vẹn hơn 450 ngàn đô la cho cả năm. Sharapova cũng dẫn đầu nhóm 5 vận động viên nữ kiếm tiền giỏi nhất. Năm 2014, cô kiếm được cả thảy 24,4 triệu USD dù chỉ xếp thứ 4 thế giới. Nhưng trông mà xem, con số này cũng chỉ bằng 1 nửa của Federer dù các đối tác làm ăn của ‘búp bê Nga’ cũng toàn tên tuổi lớn như Avon Luck, Nike, Head, Samsung, Tag Heuer, Porsche và Evian.

Khó có thể tránh được chuyện giới tính tạo nên khác biệt về tiền bạc vì các tay vợt nam phải thi đấu nhiều set hơn, tốn nhiều thời gian và sức lực hơn. Các tay vợt nữ được trả thấp hơn không có nghĩa rằng họ bị phân biệt giới tính. Sự thật là: Không nhiều người xem họ, họ kém hấp dẫn hơn, kém quan trọng hơn. 

Yến Nhi
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm