Anh Ngọc & Calcio: Chào Torres, nhưng Milan cần nhiều hơn là một cái tên

30/08/2014 14:15 GMT+7

(giaidauscholar.com) - Không phải milanista nào cũng vỗ tay khi biết tin Torres đang ở rất gần Milan, và rồi khi TTCN chỉ còn hai ngày là đóng cửa, chân sút thất sủng ở Chelsea đã trở thành một người đỏ-đen. 

Đương nhiên là họ quá biết Galliani là một chuyên gia tạo nên những cú chuyển nhượng vào phút chót, nhưng họ cũng hiểu sự rủi ro lớn lao của những thương vụ ấy. Họ càng hiểu hơn nữa một điều, những cái tên, nhất là các ngôi sao đang xuống dốc, không làm nên Milan.

Những người yêu mến Milan có lẽ đã quen với những thương vụ phút chót như của "El Nino" Torres, và trong kí ức gần của họ, hình ảnh Ibrahimovic giơ chiếc áo có tên anh sau lưng hôm 29/8/2010 trên sân San Siro, trong buổi ra mắt, vẫn còn rất sống động và đẹp đẽ. Giữa sân cỏ, trong ánh đèn flash nhấp nhoáng, Ibra cười đầy tự tin và bảo: "Hãy nhớ rằng, tôi đến đây là để chiến thắng và năm nay, chúng ta sẽ giành được tất cả". Lời hứa ấy được thực hiện một nửa, với một Scudetto mà Milan đã chờ đợi suốt 7 năm ròng rã. Nhưng mùa bóng ấy, các milanista cảm thấy hạnh phúc, không chỉ với thương vụ Ibra, mà còn cả sự có mặt của Robinho ở San Siro cũng ở ngày cuối cùng của TTCN hè 2010.

Bốn năm đã trôi qua kể từ ngày đó, bao nhiêu sự kiện đã xảy ra, bao nhiêu niềm vui đã bùng lên và nỗi thất vọng đã ập đến, những câu chuyện về Ibra ngày đó vẫn còn ám ảnh các tifosi. Họ luôn chờ đợi Berlusconi và Galliani làm một điều gì đó để an ủi những nỗi thất vọng, hệt như những đứa trẻ đợi mẹ cho kẹo. Thương vụ Ibra là cú sốc lớn ở phút chót cuối cùng còn có thể vực dậy được Milan cả về khía cạnh thương mại lẫn kĩ thuật, khi đội bóng lên đỉnh cao Serie A và kiếm được không ít tiền từ các hợp đồng tài trợ. Những mùa bóng sau đó chứng kiến không ít thất bại và thành công nhỏ giọt (trường hợp của Balotelli). Những vụ chuyển nhượng như của Kaka, Matri hay Essien đều không để lại bất cứ dấu ấn nào. Khi nguồn tài chính của Milan đã cạn kiệt, những cú sốc lớn trên TTCN không mang tên Milan hay bất cứ đội bóng Ý nào nữa, những vụ mua sắm ở phút chót cũng đồng nghĩa với hai chữ "low cost" (giá hạ). Người ta không còn ngạc nhiên đến sung sướng như những năm trước kia nữa, khi chờ đợi những bản hợp đồng lớn trong mùa hè, và hiểu rằng, nếu Milan đưa một ngôi sao nào đó về San Siro trong những năm này, thì hầu hết trong số họ đều đã ở cái dốc bên kia của sự nghiệp, nhưng vẫn còn dùng được và chí ít là có thể nâng cao mặt bằng chất lượng của một Milan đã sa sút. Trường hợp ấy đã xảy ra với Ronaldinho, Beckham, thậm chí cả Ibra hay Kaka.


Từ khi sang Chelsea, Torres đã không còn là chính mình.

Những ngôi sao ấy đến Milan để đáp ứng hai điều: vét nốt những đồng lẻ cuối cùng có thể vét được và thỏa mãn cho Milan nhu cầu sở hữu những cái tên, một cách để thu hút người hâm mộ, vốn đã rời bỏ họ ngày một nhiều sau những mùa bóng đầy thất bại cay đắng. Mùa này, Milan không dự một Cúp Châu Âu nào, và vé dài hạn cả mùa của họ ế khủng khiếp. Lần đầu tiên sau nhiều năm, Milan chứng kiến một mùa hè ảm đạm đến thế trên khía cạnh bán vé: số vé dài hạn bán ra vẫn chưa đạt đến con số 20 nghìn, có nghĩa là mùa bóng mới, San Siro chẳng khác gì sa mạc với chính Milan! Torres được đưa về San Siro không chỉ để thay Balotelli (thật khó tin một ngôi sao thất bại ở Chelsea, 110 trận chỉ ghi được 20 bàn, đã 30 tuổi, lại có thể đá hay và cống hiến nhiều hơn một chân sút trẻ mới 23 tuổi!), mà còn giúp Milan nhiệm vụ bán vé cả mùa. Nhưng liệu anh có làm đầy được sân San Siro hay không lại là một câu hỏi rất khó có lời đáp, bởi Torres trong ba năm ở Chelsea đã không còn là chính anh hồi còn chơi ở Atletico và Liverpool. Trong khi đó, các milanista cũng đã lại quen với một thực tế: Milan không còn những thương vụ lớn trong mùa hè để nhắm đến Scudetto nữa, mà mua một ai đó là vì danh nghĩa "ngôi sao", và rồi sau đó, đợi kết quả của giai đoạn đầu, xem đội bóng đi xa đến đâu, để rồi vào mùa đông, mới tăng cường lực lượng nhằm cố gắng đạt mục tiêu dự Champions League mùa bóng sau đó.


Galliani từng mua Ibra và Robinho trong ngày cuối kì chuyển nhượng 2010.

Torres đã rời Premier League đầy ánh sáng để đến một Serie A tiêu điều, mà Milan là một hình mẫu tiêu biểu của sự sa sút lớn lao ấy. Mùa hè này, trước anh, người ta đã chứng kiến sự xuất hiện ồ ạt của những cầu thủ ngôi sao đã xuống dốc ở tuổi 30 ấy đến những CLB khác, như Evra (33 tuổi, đến Juve), Cole và Keita (cùng 34 tuổi, đến Roma), Vidic (32 tuổi, đến Inter), Rafa Marquez (35 tuổi, tới Verona), hay như Alex (32 tuổi, tới Milan). Nhưng một tên tuổi không thể tạo ra một đội bóng, nhất là khi đội bóng ấy đang chất chứa biết bao bất trắc. Thắng lợi của Milan ở TIM Cup trước Juventus và Sassuolo một tuần trước khi Serie A khởi tranh không thể khỏa lấp đi được ít nhất 4 vấn đề mà họ đang đối mặt: 1) hàng thủ quá mong manh, khi không một ai, trừ De Sciglio tỏ ra đáng tin cậy (các trung vệ gồm toàn những cầu thủ đã xuống dốc, từ Mexes, Alex, Bonera cho đến Zaccardo, hoặc chơi thiếu ổn định, như Zapata, Rami; Armero ở cánh trái thiên về công nhiều hơn thủ, trong khi thủ môn Diego Lopez là một dấu hỏi lớn về sự an toàn), 2) hàng tiền vệ thiếu chiều sâu. Chấn thương của Montolivo đã khiến tuyến giữa Milan bị thủng hoàn toàn. De Jong, Poli và Muntari đem đến tính chiến đấu, nhưng không ai trong số họ có khả năng điều chỉnh lối chơi như Montolivo, 3) Inzaghi còn quá non kinh nghiệm HLV, 4) thiếu một gương mặt thủ lĩnh. Sau khi Kaka ra đi, Montolivo chấn thương, Abbiati không bắt chính, ai sẽ là người đeo băng đội trưởng của Milan? Bonera, một trung vệ mà chất lượng rất bình thường, thậm chí xoàng xĩnh ư?


Torres như Kaka, để Milan bán vé?

Torres đã đến Milan trong hoàn cảnh ấy, khi chính tên anh cũng gợi lên không ít hoài nghi từ phía những người hâm mộ. Những người yêu mến anh chắc chắn tin rằng, anh sẽ tái sinh. Nhưng không ai có thể đánh cược được sự thành công ấy, khi họ đã chứng kiến những giai đoạn khủng khiếp như khi anh trải qua 24 trận không ghi nổi bàn nào từ tháng 10/2011 đến tháng 3/2012, hay như hàng loạt những pha bỏ lỡ cơ hội không thể tin nổi trước khung thành của anh. Người ta cũng không thể quên rằng, trong khoảng thời gian từ 27 đến 30 tuổi của anh, quãng đời đẹp và chín tới của các cầu thủ, Chelsea đã trải qua 5 đời HLV mà không một ai có khả năng làm anh bùng nổ trở lại. Bây giờ, buồn bã, cô đơn, nhưng chưa bao giờ mất đi khát vọng tái sinh, Torres đến San Siro để tìm lại mình, trong một canh bạc của chính anh và Milan, một canh bạc lành ít dữ nhiều, bởi bản thân Milan những mùa bóng này giống như một con tàu hoàn toàn mất phương hướng.


Pazzini và El Shaarawy còn hay hơn Torres?

Bỗng nhiên, viết bài về Torres mà tôi lại nhớ đến Pazzini, một chân sút mà Milan đã có, đã ghi cho họ nhiều bàn thắng, nhưng luôn là cái bóng cho một ngôi sao nào đó, có lẽ chỉ bởi vì anh là một người Ý không-phải-ngôi-sao. Sau khi Balotelli ra đi, Milan vẫn tiếp tục không tin tưởng nơi anh, và chạy khắp Châu Âu kiếm tìm những ai mà họ cho là ngôi sao, từ Jackson Martinez cho đến Mitroglu, và cuối cùng dừng lại ở Torres, người tạo ra nhiều tít báo hơn là "Pazzo", dù trong hai năm qua, Pazzini ghi được nhiều bàn hơn Torres trong giải VĐQG. Một sự đầy đọa lớn cho Pazzini, đẩy anh vào bóng tối, trong một sự nghiệp mà anh luôn phải núp bóng với những chân sút khác, dù đã ghi đến 97 bàn thắng ở Serie A và không cần phải chứng minh gì nhiều về tài năng ghi bàn và sự nhạy bén của anh trước khung thành? Có lẽ thế, và còn hơn thế, đấy là một sự bất công cho một người Italy. 

Nếu Torres một lần nữa ngủ yên, Pazzini sẽ thôi bị đầy đọa trên ghế dự bị, sẽ bùng nổ, và biết đâu, El Shaarawy lại hồi sinh. Ở tuổi 22...

Trương Anh Ngọc (Phóng viên TTXVN tại Rome, Italy)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm