Góc nhìn từ khán đài: Hình như thua thời tem phiếu

13/01/2011 13:25 GMT+7 | V-League

(TT&VH) - Sẽ sai lầm nếu như nhìn vào tình yêu của khán giả dành cho ĐTVN để đánh đồng tình yêu của khán giả dành cho giải nội địa. Cũng đừng nhìn vào một nhúm CĐV có vẻ chuyên nghiệp, hoành tráng. Hãy nhìn ra xung quanh sẽ hiểu ngay tâm lý số đông của khán giả đội bóng đó. Bỏ  tiền thuê một nhúm khán giả đánh bóng thương hiệu thì khó gì. Khán giả mùa giải 2010 ít hơn 2009, số sân thực sự là thánh địa chỉ vài địa chỉ. Đấy là thực tế rất lo ngại cho xu thế làm bóng đá quên cái gốc là bản sắc trong 10 năm qua.

1. Những năm 2000 trở về trước, tức bóng đá VN chưa lên chuyên nghiệp, ở Thủ đô mỗi ngày cuối tuần diễn ra trận derby giữa Công an Hà Nội và Thể Công, có những gia đình chia làm “hai phe” đi cổ vũ. Đơn giản, bởi vì có thể ông bố và con trai yêu Thể Công, còn mẹ và cô tiểu thư say CAHN. Chắc chắn, hai phe sẽ có những lúc tranh cãi nhau tóe lửa! Tương tự, TP.HCM có đến 3 đội sừng sỏ: CA.TPHCM, Hải Quan và CSG. Đội nào cũng đông CĐV. Sân Tự Do, Vinh, Chi Lăng, Quy Nhơn “nóng bỏng” chẳng khác gì Lạch Tray hiện nay. Chúng tôi đã rất nhiều lần nghe danh thủ, HLV lão làng hoài nhớ và bảo rằng thời bao cấp đói thật, nhưng khán đài khí thế hơn bây giờ nhiều.

Bây giờ, không khí bóng đá sôi nổi đó đã bị đẩy vào thời xa vắng. Thế nên, sự trọn vẹn và nồng nhiệt của khán giả hiện tại chỉ còn cơ hội thể hiện với ĐTVN, mà hình ảnh tiêu biểu là việc từng đoàn người sắp hàng đội mưa rét mua vé xem trận bán kết lượt về gặp Malaysia ở AFF Szuki Cup 2010, dù biết cánh cửa đi tiếp của ĐTVN quá hẹp.

2. Chính xác hơn, tình yêu thật sự mang tên bóng đá chỉ còn rất ít trên các khán đài khắp cả nước. Có thể bắt gặp ở khán giả Hải Phòng. Nếu không có một số phần tử quá khích, mượn danh bóng đá để làm càn, thì Lạch Tray xứng đáng là thánh địa số 1 của BĐVN. Thế nên, dù phạt liêu xiêu cái sân này nhưng để muốn có trận đấu gây từ thiện thì VFF dứt khoát phải nghĩ ngay đến cái sân Lạch Tray, bởi chỉ có nơi đây mới bán được bộn vé.


Sân Hàng Đẫy (trên) loe hoe vài khán giả, dù là V-League hay hạng Nhất, còn Lạch Tray lúc nào cũng như ngày hội

Địa chỉ thứ hai là sân Cao Lãnh. Thầy trò HLV Phạm Công Lộc chỉ thua đúng 1 trận (0-6, vòng 23, trước ĐT.LA), và đây cũng là trận đấu thể hiện rất rõ phong cách của CĐV Nam Bộ. TT Võ Quang Vinh, người bắt chính trận này, kể lại: “Ngay đầu trận, bằng linh cảm nghề nghiệp, tôi đã thấy không ổn nên nhắc nhở lãnh đạo TĐCS.ĐT. Họ hứa sẽ đá tử tế. Ai ngờ Đồng Tháp chủ động xìu. Tôi chỉ lạ là khán giả họ ngửi được, lặng lặng ra về chứ không ném chai lọ kêu gào, chửi bới như các đội khác. Tình yêu của người Nam Bộ đúng là đặc biệt”.

Sân Chi Lăng là tiêu điểm hiếm hoi của miền Trung còn giữ được lửa. Năm 2009, Chi Lăng từng “vỡ sân” trận gặp B.BD. Thế nhưng, mùa này cũng chỉ được mấy trận đầu “ấm”, sau đó lượt về khán giả Đà Nẵng đã ngoảnh mặt vì lối đá mất lửa. Tuy thế, khán giả Đà Nẵng vốn không giận được lâu. Thể nào, tình yêu cũng thắm lại bởi họ đều khát khao đến xem mùa bóng mới lắm rồi.

Tương tự, khán giả xứ Nghệ thuộc dạng thủy chung bậc nhất. Nhìn cảnh đoàn người phơi mình dưới giá rét cổ vũ trận Siêu Cúp mà thương. 4 từ Sông Lam Nghệ An vẫn đủ lay động những người yêu đội bóng này, kể cả khi đội bóng sa sút nhất.

Đấy là những địa chỉ còn sót lại sau khi bóng đá chuyên nghiệp đã “tàn phá” hàng loạt thánh địa bóng đá. Không có khán giả, đội bóng tạo không làm thổn thức trái tim các thượng đế, thì chuyên nghiệp kiểu nào cũng thất bại. Đấy là sợi dây thiêng liêng để giúp cho các đội bóng phát triển bền vững trong thời kim tiền. Điều này chẳng khác gì  hình ảnh bờ đê, cây gạo đầu làng khiến ta phải nghĩ lại về quê hương, về mình mỗi khi tha phương trở về, để có trách nhiệm hơn.

3. Tóm lại, dù là bóng đá nào thì vẫn phải hướng đến khán giả. Chẳng thế, khán giả và giới truyền thông được coi là hai “tiền đạo” trong sơ đồ 1-5-3-2 phát triển các nền bóng đá thành viên của AFC.

Thế nhưng, thái độ làm bóng đá chuyên nghiệp lấy khán giả làm trọng những người làm bóng đá chuyên nghiệp ở VN hình như vẫn bị coi là thứ yếu. Nếu để ý, chúng ta có thể dễ dàng phát hiện mùa giải 2010 ít khán giả hơn do cục diện ngã ngũ sớm. Đấy là điều mà BTC cần phải suy nghĩ, vì lẽ ra năm sau khán giả phải hơn năm trước.

Đặc biệt cầu thủ, những người hưởng lương rất cao nhưng đến hết mùa giải 2010, đa số vẫn chưa làm được điều đơn giản: đá cho dân thương. Tình yêu vốn nặng về cảm xúc, nhưng nếu mãi bị phụ tình thì chẳng “cô gái” nào có thể sống chết với  gã “người tình” bóng đá vô trách nhiệm.

Một trận đấu thực sự chuyên nghiệp thì phải hội đủ các yếu tố: cảm xúc, trận đấu thật, khán giả đông, trọng tài vô tư và giỏi chuyên môn, hai đội thi đấu hết mình, chất lượng chuyên môn cao.

Sân cỏ VN sau 10 năm chuyên nghiệp dường như vẫn chưa đáp ứng tương đối những yêu cầu tối thiểu đó.

NGỌC HÒA

Đón đọc kỳ 4: Chuyện về “bộ não” của các đội bóng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm