Chuyện vỉa hè: Tin và sạch

04/12/2014 15:04 GMT+7

(giaidauscholar.com) - Trong cùng một đoạn phố, từ ngã tư nọ đến ngã tư kia mấy chục mét, hàng phở có một, hàng bánh cuốn có một, hàng dưa cà có một, hàng gội đầu có hai... hôm qua người ta mới khánh thành một cửa hàng mới, là nhà thuốc, nhà thuốc thứ ba trên mấy chục mét ngắn ngủi.

Mở nhà thuốc có khi còn lãi hơn mở tiệm gội đầu. Người ta có thể mấy ngày mới gội đầu một lần, chứ uống thuốc, có nhẽ mỗi người mỗi ngày cả vốc... Người dân trong phố nói với nhau như vậy.

Không ai cạnh tranh với bà hàng nước trà chén năm xu. Quán cóc dăm ba ghế nhựa, lãi nhặt đồng lẻ, một góc phố chỉ cần một quán thôi là đủ (trà chanh chém gió có thể nhiều quán ở một góc đường đông người qua lại, chứ trà chén thì không đủ hấp dẫn với người muốn làm giàu, đô thị nào cũng vậy). Bà chủ quán nước chè vào giờ rảnh, mà rảnh luôn luôn cả ngày, có thời gian để quan sát một vỉa hè mấy chục mét kỹ hơn cả một cảnh sát khu vực.

Nhà thuốc thứ ba khai trương hôm nay theo bà vẫn cứ sống ổn thôi, người ta bây giờ coi thuốc như cứu cánh, ăn một miếng lại lo uống thêm một viên thuốc cho lành, bệnh tật tràn lan cả. Tuần vừa rồi mấy chục mét phố có ba đám tang, toàn ung thư, tuổi đều ở khoảng 50 - 60, thuốc kiểu gì cũng không lo ế. Ngay cả quảng cáo trên ti-vi, thuốc cũng chiếm thời lượng hơn nhiều thứ thiết yếu khác. Cảm ơn Nhất Nhất, cảm ơn Tâm Bình..., sáng nào chẳng nghe những lời cảm ơn kiểu như thế trong chương trình Chào buổi sáng trên ti-vi.

Chúng ta cần thuốc, bởi chúng ta sống trong môi trường rất thiếu an toàn. Bởi sức khỏe chúng ta bị đe dọa khủng khiếp. Không riêng bà chủ quán trà chén mà tất cả khách hàng của bà đều biết. Sự thiếu an toàn ấy không chỉ trong lĩnh vực giao thông, mà khắp mọi nơi, tấm lợp trên đầu có chất liệu a-mi-ăng gây ung thư, hoa cắm trong nhà càng đẹp càng chứa nhiều hóa chất trừ sâu trừ rệp... Giấy vệ sinh rất bẩn, cả đến xà phòng diệt khuẩn cũng có chất độc hại nếu chăm chỉ rửa tay...

Nhưng độc nhất, hại nhất, thì vẫn là những thứ chúng ta ăn vào miệng. Bệnh tòng khẩu nhập, nhưng xưa nói thế nếu chúng ta ăn nhiều đồ ăn quá, chứ giờ có bớt lượng đồ ăn đến mức tối thiểu, nguy cơ nhiễm độc từ những thứ đưa vào miệng vẫn hết sức nhiều. Rau ư? Tìm trên báo xem có bao nhiêu lời cảnh báo từ rau? Thịt ư, khỏi phải bàn, mỗi ngày dăm ba thông tin về thịt lợn hóa thịt bò, thịt thối thành thịt tươi nhờ hóa chất... Mọi loại gia súc gia cầm đều ăn thức ăn tăng trọng trong khi phụ nữ đô thị đều mong ngóng giảm cân (mà tuyệt vọng) vì trót ăn phải chúng. Chúng ta chặc lưỡi đôi ba lần trong ngày là mua, là ăn, là nấu nướng vô vàn thực phẩm không lành tính.

Thế nên, tôi quý lắm mấy cô bé cậu bé ở một cái dự án tên là I-nature trên Ba Vì, sắp mở cửa hàng rau sạch ở phố mình, con nhà người ta học giỏi mà chẳng đợi bố mẹ chạy chọt xin việc, cứ lao đi làm nông dân, mong mang lại những sản phẩm nông nghiệp không độc hại đến người tiêu dùng. Các bạn trẻ ấy tốt nghiệp đại học điểm ưu xong là tự nguyện về trang trại làm nông dân, nào phân bón, nào tưới tắm. nào bắt sâu, nhổ cỏ và thu hoạch. Người nông dân ở nước mình nhiều năm nay, sau khi hy sinh đất cho những dự án xây dựng to đùng, thường bơ vơ trồng rau mà  không biết sản phẩm của mình về đâu bán, không biết chứng minh thế nào là sạch, là an toàn...

À, mà về thực phẩm an toàn, thực phẩm sạch ấy, phố mình có khi cũng sắp có một cửa hàng, nhiều phố có đến mấy cửa hàng, ai cũng nói là sạch. Vấn đề là ở chỗ người ta có đủ lòng tin để tin vào những chữ sạch ấy nữa không. Nói chuyện lòng tin, giờ thật hoang mang...

Thế, nên thực phẩm sạch mở đến đâu là có khách mua đến đấy, cũng như nhà thuốc vậy...

Tin hay không, rốt cuộc, vẫn quan trọng hơn là sạch hay không.

Hà Phạm
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm