CLB Việt Nam và hành trình châu lục : Thua đến... chóng mặt!

01/03/2015 12:26 GMT+7 | Bóng đá Việt

(giaidauscholar.com) - Không phủ nhận rằng sự chênh lệch về trình độ là nguyên nhân chính khiến các CLB Việt Nam "thua nhiều hơn thắng" tại sân chơi châu lục. Nhưng rõ ràng, việc đá cho xong trách nhiệm cũng khiến các đội lẫn cả nền bóng đá nhiều phen... muối mặt!.

Những năm bao cấp ở lại phía sau, bóng đá Việt Nam khoác lên mình chiếc áo chuyên nghiệp bằng dòng tiền từ hầu bao doanh nghiệp cuồn cuộn đổ vào sân cỏ. Những khái niệm mới như: ông bầu, ngôi sao, ngoại binh, hợp đồng bạc tỷ, chuyển nhượng, lót tay... lần lượt ra đời để đánh bạt đi những giá trị nền tảng cũ.

V-League từng có thời được chính các nhà tổ chức tung hô là giải đấu hấp dẫn hàng đầu khu vực khi được Liên đoàn thống kê và lịch sử bóng đá IFFHS xếp ở vị trí thứ 14 châu Á, 89 thế giới trong bảng xếp hạng các giải vô địch quốc gia ở châu Á và toàn thế giới 10 năm đầu thế kỷ 21.

Chỉ có điểu, cuộc "thay da, đổi thịt" nhờ tiền kia chẳng thể nâng tầm thực sự cho các đội bóng Việt Nam ở sân chơi châu lục bởi thua thì vẫn... hoàn thua! bất chấp những lời hô quyết tâm to hơn từ phía các ông bầu.

Không tính thời bao cấp và cũng chỉ tính từ thời điểm mà Cúp C1 châu Á chuyển thành AFC Champions League theo mô hình châu Âu từ mùa 2002/2003 đến nay, thì riêng sân chơi này có 10 CLB Việt Nam giành quyền tham dự chính thức, nhưng chưa một lần tiến xa hơn vòng bảng.

Thành tích tốt nhất thuộc về Hoàng Anh Gia Lai ở năm 2004 khi đứng thứ 2 bảng F với 2 trận thắng, 1 hòa và 3 thua, trong đó có chiến thắng ấn tượng 3-1 trước Đại Liên (Trung Quốc) tại Pleiku. Tuy nhiên, thành tích này không đủ giúp đại diện phố Núi giành quyền đi tiếp. Với các đại diện khác, việc thua tới 5, 6 bàn hoặc không có nổi 1 điểm lận lưng chẳng là chuyện lạ. Kỷ lục nhất là tại AFC Champions 2006, trên sân Gamba Osaka, á quân V-League Đà Nẵng đã thua đội chủ nhà Nhật Bản tới... 0-15! và thua tất cả 6 trận ở bảng E với hiệu số bàn thắng bại lên đến... 1/27!

Chính những trận thua "chóng mặt" kiểu này đã khiến bóng đá Việt Nam không đủ điểm để tiếp tục tham dự sân chơi số 1 cấp CLB châu lục. Kể từ năm 2009, bóng đá Việt Nam chỉ còn được quyền thi đấu tại AFC Cup. Dĩ nhiên, tại sân chơi số 2 này, thành tích là khả quan hơn với việc Bình Dương vào đến bán kết và chỉ chịu thua Al-Karamah (Syria) 2-4 sau khi thắng 2-1 trên sân nhà và thua lại 0-3 trên sân khách. Một năm sau, tới lượt SHB Đà Nẵng đánh bại chính B. Bình Dương để vào đến tứ kết của sân chơi này.

Gần đây nhất, cả Hà Nội T&T và Vissai Ninh Bình cùng vào tới bán kết AFC Cup 2014 để tạo nên chuỗi thành tích khá ấn tượng và nhờ thế, bóng đá Việt Nam được trở lại với AFC Champions mùa này. Tuy nhiên, mọi chuyện thì vẫn thế, thậm chí còn tệ hơn theo một chiều hướng khác. Vissai Ninh Bình giải thể sau scandal bán độ ở vòng bảng AFC Cup 2014, Hà Nội T&T không vượt qua nổi vòng sơ loại AFC Champions League 2015, ngay cả đương kim vô địch B. Bình Dương ở trận đấu ra quân tại bảng E cũng để thua đội khách Shandong Luneng Taishan (Trung Quốc) 2-3 và sớm được dự báo là khó có cơ hội đi tiếp ở một bảng đấu quá nặng với những Jeonbuk Hyundai Motors (Hàn Quốc), Kashiwa Reysol (Nhật Bản).

Cố cũng chẳng thắng mà toàn thua thì dẫn đến chán, chán quá sinh ra đủ thứ chuyện. Trong cái vòng luẩn quẩn ấy thì chóng mặt là đương nhiên thôi!

Kỳ cuối: Bài toán học hỏi

V.M
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm