23/01/2015 13:00 GMT+7 | V-League
(giaidauscholar.com) - Cho tới thời điểm này, khi V-League mới trôi qua được 4 vòng đấu, chúng ta có thể khẳng định HA.GL đã sai lầm khi loại bỏ phần lớn dàn cầu thủ giàu kinh nghiệm trong mùa chuyển nhượng cuối năm.
Kế hoạch xây dựng một HA.GL trẻ nhất trong lịch sử (tuổi trung bình 21,7), kế hoạch tạo môi trường hoàn hảo cho lứa U19 Học viện tại V-League đang cho thấy dấu hiệu thất bại ngay từ những bước đi đầu tiên.
1. Trả lời phỏng vấn báo giới chiều qua, HLV trưởng Guillaume Graechen thừa nhận: “Quyết định loại bỏ các cầu thủ giàu kinh nghiệm tới từ những bộ phận chuyên môn khác. Đó không phải là quyết định của tôi”.
Rõ ràng, bầu Đức và HA.GL đã quá vội vã trong chuyện này. Ở mọi đội bóng chuyên nghiệp, vai trò kết nối thế hệ của nhóm cầu thủ lớn tuổi là cực kỳ quan trọng.
HLV và đồng thời là chuyên gia đào tạo trẻ Nguyễn Đức Thắng khẳng định: “Nếu đẩy một dàn toàn cầu thủ trẻ lên V-League, nếu bên cạnh những cầu thủ ấy không có các đàn anh giàu kinh nghiệm dìu dắt, làm chỗ dựa, những cầu thủ trẻ ấy đã gặp rất nhiều khó khăn. Chúng ta có thể nhìn ngay thấy ví dụ HA.GL”.
Không có kinh nghiệm thi đấu tại V.League, những cầu thủ như Công Phượng (phải) gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh: Thanh Hà
Quá trình trẻ hóa ở HA.GL đã được tiến hành quá đột ngột. Đội 1 HA.GL chỉ còn giữ lại vài cầu thủ như Hoàng Thiên, Út Cường. Từng ấy là quá ít. Họ không có đủ thời gian và kinh nghiệm để truyền dạy lại cho những đàn em, mà bản thân Hoàng Thiên cũng chỉ mới 25 tuổi.
Những cầu thủ trẻ có thể rất tài năng. Nhưng họ chưa từng đối mặt với áp lực, với những mánh khóe, tiểu xảo của sân chơi kinh nghiệm. Đó là lúc họ cần tới những lão tướng. Vai trò của các cựu binh là điều không chỉ thể hiện trên sân cỏ. Quan trọng hơn, họ là những người gìn giữ không khí trong phòng thay đồ. Họ biết kiềm chế đội bóng sau mỗi chiến thắng, biết khích lệ tinh thần đồng đội sau từng thất bại. Những điều ấy, cầu thủ trẻ chưa thể làm được.
2. Một điểm khác cần phải lưu ý: cầu thủ HA.GL thậm chí còn chưa hoàn thành “vòng đời” đào tạo trẻ của họ.
Hệ thống bóng đá trẻ Việt Nam có cấp độ cao nhất là U21. Hệ thống bóng đá trẻ Đông Nam Á và thế giới có cấp độ cao nhất là SEA Games và Olympic (cũng là U23). Không phải vô lý khi VFF, AFF hay FIFA xây dựng hệ thống này. Nó được tạo nên dựa trên những tính toán về khả năng trưởng thành thể chất và tinh thần, về cơ hội tích lũy kinh nghiệm của từng cầu thủ.
Trước khi tham dự đủ các hệ thống ấy, cầu thủ chưa thể được coi là trưởng thành. Đối chiếu với trường hợp của HA.GL, nhóm nòng cốt của họ phần lớn chưa dự giải U19 QG. Họ mới dự một số giải trẻ ở cấp độ U19 của Đông Nam Á và châu Á.
HLV Đức Thắng nói: “Những đối thủ ở các giải đấu quốc tế ấy có cùng lứa tuổi với họ. Đó không phải là những đội bóng có kinh nghiệm. Độ tuổi 19, 20 chưa có nhiều kinh nghiệm”.
Ngay chính hệ thống đào tạo của HA.GL Arsenal JMG cũng không thể đảm bảo cho sự trưởng thành ấy. Bạn đã thấy bao nhiêu cậu nhóc 17 tuổi chen chân vào đội 1 của Arsenal ở Premier League? So sánh này có vẻ khập khiễng nhưng sự thật là các cầu thủ trẻ ở Anh đã luôn được gửi tới những đội bóng nhỏ ở hạng dưới để tích lũy kinh nghiệm thêm từ 3 tới 5 năm.
Những trường hợp ngoại lệ rất hiếm khi xuất hiện. Mà chúng ta có thể nhanh chóng đồng tình với nhau rằng lứa 1 Học viện HA.GL Arsenal JMG có rất ít những ngoại lệ.
Họ còn quá non nớt, quá thiếu kinh nghiệm và gần như không có sự hỗ trợ. Quá trẻ để chống lại quá nhiều.
Thanh Hà
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất