Bắt trùm lừa đảo chiếm đoạt hàng ngàn tỉ đồng

08/10/2011 13:14 GMT+7 | Pháp luật

Ngày 7-10, nguồn tin từ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ Bộ Công An cho biết đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam bà Huỳnh Thị Huyền Như - nguyên trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ (TP. HCM) thuộc NH Công thương VN (Vietinbank) - về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.



Ảnh minh họa


Số tiền bà Như chiếm đoạt của các nạn nhân, theo xác định của cơ quan điều tra, tính đến thời điểm này lên tới hàng ngàn tỉ đồng. Vụ lừa đảo này cũng liên quan đến nhiều đối tượng là nhân viên ngân hàng, môi giới chứng khoán...

Rúng động...

Cuối giờ giao dịch ngày 7-10, hàng chục môi giới cổ phiếu chưa niêm yết (OTC) vẫn ngồi nán lại nơi họp “chợ” OTC nằm trên đường Hàm Nghi (Q.1, TP.HCM), vẻ mặt lo lắng về khả năng mất trắng hàng chục tỉ đồng khi vụ lừa đảo của bà Như bị phanh phui. Anh M. - một môi giới OTC có thâm niên - khẳng định hầu hết các môi giới OTC có “máu mặt” tại chợ OTC này không ít thì nhiều đều là nạn nhân của bà Ph. “đen”, người vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân trong đường dây lừa đảo của bà Như. “Gần một tuần nay, khi tin đồn bà Như đến cơ quan an ninh đầu thú bắt đầu xuất hiện trên thị trường, Ph. “đen” cũng lặn mất tăm...” - anh M. nói.

Theo khẳng định của anh M., dù chưa ai tiết lộ số tiền cụ thể bị thiệt hại song thông tin ban đầu cho biết Ph. “đen” đã ôm của các nạn nhân 300-400 tỉ đồng. Chị T., một môi giới OTC lâu năm và là nạn nhân của Ph. “đen”, than thở dù đã rất cảnh giác nhưng là chỗ quen biết lâu năm, lãi suất lại quá hấp dẫn - lên tới 8%/tháng vào đợt vay tiền gần đây nên đã dính bẫy.

Theo chị T., kể từ khi thị trường chứng khoán, đặc biệt là OTC, rơi vào cảnh ảm đạm, Ph. “đen” đã rỉ tai các “chiến hữu” là môi giới OTC về đường dây cho vay đảo nợ ngân hàng, cho vay ngắn hạn với lãi suất hấp dẫn. Hoạt động cho vay đảo nợ được Ph. “đen” thực hiện từ năm 2010 với lãi suất 3-5%/tháng đã lôi kéo được nhiều nạn nhân.

Đỉnh điểm vào tháng 9-2011, lãi suất vay được đẩy lên tới 6-7%/tháng nên nhiều người đổ xô vào cho vay, thậm chí thế chấp cả nhà cửa để vay tiền ngân hàng đưa cho Ph. “đen”. Hàng loạt môi giới OTC tên tuổi một thời như T., G.H., M.... cũng mất 5-7 tỉ đồng/người trong đường dây này. Trưởng phòng môi giới một công ty chứng khoán khẳng định, không chỉ dân chơi OTC tại TP.HCM mà cả khu vực phía Bắc cũng trở thành nạn nhân gián tiếp của bà Như do tham gia đường dây huy động vốn của Ph. “đen”.

Lôi kéo cán bộ ngân hàng

Nạn nhân của bà Như không chỉ có giới chơi OTC mà có cả một số công ty chứng khoán (CTCK), ngân hàng, nhân viên môi giới tại các CTCK, giới kinh doanh bất động sản... Được sự tiếp tay của một số cán bộ ngân hàng, nhân viên môi giới chứng khoán, bà Như đã sử dụng sổ tiết kiệm giả, giấy tờ bất động sản và cả giấy tờ thế chấp giả... để vay vốn, chơi chứng khoán ký quỹ tại một số CTCK. Theo thông tin chưa được kiểm chứng, số tiền thiệt hại của các đơn vị này còn lớn hơn nhiều lần so với con số thiệt hại của giới chơi OTC.

Trong một văn bản gửi các cơ quan chức năng vào ngày 5-10, Vietinbank khẳng định có hiện tượng một số ngân hàng thương mại cổ phần thông qua các công ty “sân sau” cấu kết với phần tử xấu trong và ngoài hệ thống ngân hàng, trong đó lôi kéo hai cán bộ Vietinbank để thực hiện các hành vi bất hợp pháp. Thủ đoạn của các đối tượng này, theo Vietinbank, là làm giả hồ sơ, hợp đồng giả, chữ ký giả, con dấu giả... để chuyển tiền qua hệ thống một số ngân hàng nhằm sử dụng vào mục đích khác.

Cũng trong sáng 7-10, đại diện Cơ quan cảnh sát điều tra (C46) đã đến làm việc tại Công ty CP chứng khoán Kim Eng (KEVS), một trong những CTCK nằm trong danh sách “nghi vấn” là nạn nhân của bà Như. Tại buổi làm việc, cơ quan điều tra đã yêu cầu công ty này cung cấp thông tin về tài khoản của sáu cá nhân, gồm bà Như, bà Triệu Thị Hương Giang và bốn cá nhân khác có liên quan. Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo KEVS khẳng định bà Như và bà Giang không phải là khách hàng của CTCK này. Riêng bốn cá nhân khác có liên quan, tính đến ngày 7-10, không có dư nợ tại KEVS và cũng không sử dụng dịch vụ giao dịch ký quỹ. Phía KEVS cho biết đã thực hiện phong tỏa tài khoản chứng khoán của bốn cá nhân liên quan theo yêu cầu của cơ quan điều tra.


Theo một số môi giới OTC, vào thời điểm cổ phiếu MB và EIB vẫn đang là những mặt hàng “nóng” nhất trên thị trường OTC vào giữa năm 2009, bà Như từng là một trong số ít người có thể thực hiện các giao dịch làm thay đổi chiều hướng giá của các cổ phiếu này. Tuy nhiên, kể từ khi thị trường OTC rơi vào cảnh ảm đạm chung của thị trường chứng khoán, bà Như chuyển hẳn sang chơi cổ phiếu niêm yết và bất động sản.

Là trưởng phòng giao dịch của một ngân hàng lớn, có chân trong hội đồng quản trị của ORS và có mối quan hệ tình cảm “mật thiết” với giám đốc chi nhánh một ngân hàng, bà Như nghiễm nhiên trở thành khách VIP tại một số CTCK. Tuy nhiên, do thị trường chứng khoán liên tục sụt giảm, các khoản thua lỗ ngày càng lớn, bà Như đã tìm cách xoay tiền thông qua các mối quan hệ và bắt đầu trượt dài trên con đường lừa đảo.

Theo Tuổi trẻ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm