'Cô hầu gái' - phim ma có... ma thật!

15/09/2016 06:51 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Bước ra khỏi rạp chiếu Cô hầu gái chắc chắn nhiều khán giả sẽ rất băn khoăn với câu hỏi: giữa chuyện người và chuyện ma, cái nào chính cái nào phụ, cái nào thật cái nào giả? Băn khoăn này cũng chính là điểm mạnh và điểm yếu của phim.

Phim của Derek Nguyễn (tên tiếng Anh: The Housemaid) có hai tình tiết khá giống với Cô hầu gái (tên tiếng Anh: The Handmaiden, cũng làm năm 2016) của Park Chan Wook, Hàn Quốc. Cả hai đều lấy bối cảnh thời thuộc địa, đều là chuyện tình nóng bỏng, lãng mạn giữa cô hầu gái mồ côi với ông chủ quyền thế. Tuy nhiên, phim Park Chan Wook thuộc thể loại tâm lý - tình cảm (145 phút), còn phim Derek Nguyễn thuộc thể loại kinh dị - tình cảm (92 phút).

Chỉn chu nhưng có chút gượng ép

Xem xong buổi ra mắt, đạo diễn Bá Vũ chia sẻ: “Chẳng biết đạo diễn Derek Nguyễn ở đâu ra. Nhưng khi xem xong phim này, tôi cảm phục vô cùng. Với riêng tôi, Derek vượt hơn hẳn một cái đầu so với các đạo diễn Việt kiều mà tôi biết trước nay (tất nhiên trừ Trần Anh Hùng). Tôi không bàn đến chuyện phim hay dở, cái đó tùy thuộc vào mỗi người. Nhưng cái tối qua tôi được xem nó chỉn chu đến mức bất ngờ".

"Cách kể chuyện của Derek gãy gọn, các chi tiết được sắp đặt rất liền mạch."- anh phân tích thêm -"Đã có những lời chê phim lê thê, dài dòng ở những đoạn tình cảm, nhưng tôi không thấy vậy vì hình như người ta đang mặc định và chú trọng quá nhiều  rằngđây là phim kinh dị. Còn tôi nghiêng nó về tình cảm, bi kịch nhiều hơn nên thấy hợp lý”.


Nhung Kate có vai chính khá hay trong "Cô hầu gái'

Phim quy tụ một ê-kíp khá lành nghề, đặc biệt việc dựng phim do đạo diễn Stephane Gauge đảm trách rất hiệu quả, còn sản xuất thì có Timothy Linh Bùi (đã làm Ba mùa, Âm mưu giày gót nhọn…) khá tài tình. Phim đã phục vụ đúng tính chất thể loại, kinh dị ra kinh dị, tình cảm ra tình cảm, riêng những màn pha trộn giữa kinh dị - tình cảm cũng rất hợp lý.

Thế nhưng có hai câu hỏi về sự bất hợp lý mà người xem có thể đặt ra cho kịch bản: Thứ nhất, tại sao người vợ quá cố của đại úy Sebastien Laurent mượn Linh (do Nhung Kate thủ vai) để giết người, giết chồng, nhằm trả thù việc phản bội, mà lại không đụng đến Linh, trong khi Linh mới là người tình sâu nặng nhất? Câu chuyện trong phim chưa trả lời được.

Thứ hai, phim được cho là dựa vào câu chuyện có thật về Linh, nhưng đó là chuyện trả thù, giết người hàng loạt, hay là chuyện về đồn điền bị ma ám? Câu chuyện trong phim cũng chưa trả lời được điều này.

Đặc quyền “phim có ma”?

Vì nhập nhằng giữa chuyện người và chuyện ma, nên phim có khá nhiều cái chết, đôi khi quá tàn bạo. Linh thật ra là ai? Vì sao nhiều phu đồn điền bị treo cổ? Vì sao sau nhiều năm mới quay về trả thù? Dù lấy bối cảnh thời thuộc địa Pháp, nhưng cách nhìn này cũng hơi phiến diện, theo nghĩa cứ người Pháp thì ác độc, thì đáng chết.

Đáng lý sau gần 2/3 thế kỷ, trong một phim chỉ có tính cách hư cấu, Cô hầu gái nên đi theo hướng chuyện tình tay ba, giữa hai người sống và một người chết, thì gay cấn và cận nhân tình hơn. Nhưng đó chỉ là giá như, còn sự thật thì phim khá rùng rợn, lôi cuốn và nhiều bạo lực.

Những cảnh quay nóng bỏng và ma mị trong trailer 'Cô hầu gái'

Những cảnh quay nóng bỏng và ma mị trong trailer 'Cô hầu gái'

Có nhiều cảnh nóng bỏng giữa Nhung Kate và nam diễn viên Jean-Michel Richaud trong phim 'Cô hầu gái'. Nhưng tình yêu ấy đã đánh thức một linh hồn đầy oán giận.


Lâu nay, các phim thể loại ma, kinh dị của Việt Nam thường phải kết thúc theo suy nghĩ “ma làm gì có thật”, tất cả đều do người làm ra. Gần như chỉ có các đạo diễn Việt kiều (như Hàm Trần với phim Đoạt hồn, Dustin Nguyễn với Bao giờ có yêu nhau…) và Derek Nguyễn mới có yếu tố ma thật sự.

Trong Cô hầu gái, đa phần thời lượng khán giả chìm đắm vào cảnh rùng rợn, ma quái, tới cuối phim mới biết một số cảnh ma quái này do chính Linh làm. Cứ tưởng phim sẽ kết thúc bằng lập luận rằng Linh chỉ giả ma để trả thù, thì tầm thường quá. Rất may có hai cái chết trong phim là do người vợ quá cố hiện về làm, nên... có ma thật!

Đó là những cái yếu trong một phim chỉn chu, nghiêm túc, được đầu tư tốt. “Phim có nút thắt nút mở rõ ràng, đủ sức lôi khán giả đi xuyên suốt câu chuyện mà không bị sao nhãng”. Rất may, đúng như lời nhận xét này của Bá Vũ, Cô hầu gái vẫn là một phim ra chất kinh dị nhất của phim Việt năm 2016.

Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm