19/11/2020 10:09 GMT+7
(giaidauscholar.com) - Năm nào cũng thế, cứ gần ngày 20/11, bạn bè lại í ới rủ đến thăm nhà thầy cô thuở học trò. Mà nghiệm ra, hầu như học trò nào cũng thế, thường chỉ nhớ đến những ai dạy mình nhiều nhất, dạy những môn quan trọng nhất, hoặc những người đã gắn bó gần với thời điểm mình trưởng thành nhất.
Thế nên, thường thì chúng ta hay nhớ các thầy cô cấp 3 hay cấp 2, ít người còn nhớ những ai đã dạy mình hồi cấp 1 hoặc mẫu giáo. Đó cũng là bình thường, bởi độ trễ thời gian, bởi kí ức của chúng ta không phải là vô hạn, và bởi những năm tháng ấy đã qua lâu lắm rồi, chỉ còn là những vệt mờ trong kỉ niệm xa xăm.
... Tôi bỗng nhớ cô giáo hồi lớp 1. Trường quá nhỏ, nên không đủ diện tích cho lớp tôi, đành phải nhờ không gian một ngôi chùa nằm trên mặt phố Bà Triệu (Hà Nội). Cô hồi đó trẻ và theo góc nhìn của một đứa 6 tuổi như tôi lúc ấy, cô rất xinh, tóc dài và môi luôn đỏ. Đến giờ, tất cả những gì thuộc kí ức của tôi lúc ấy về cô chỉ là 2 hình ảnh: Một là tôi, đứa trẻ đứng ngẩn ngơ trên vỉa hè đếm xe đạp đi qua; hai là, có một lần đang dạy, cô dừng lại và ra nói chuyện với ai đó vừa dừng trước lớp, khi cô quay lại, tôi thấy mắt cô đỏ hoe. Có lẽ cô đã khóc.
Thời gian trôi qua nhanh như một cơn gió. Tôi rời trường đó để vào lớp 2 ở trường khác, và rồi năm năm tháng tháng qua đi, mỗi lần lái xe qua ngôi chùa ấy (vẫn còn, nhưng không có lớp học nào ở đấy nữa), 2 hình ảnh ấy lại trôi qua trước mắt như một bóng mây. Không biết bây giờ cô đang ở đâu, sống ra sao?
Tôi cũng thi thoảng nhớ đến những thầy cô dạy các môn phụ của ngày xưa ở các cấp. Gọi là môn phụ, bởi nó không nằm trong các kế hoạch để luyện thi, cũng không được chú trọng như các môn văn, toán, ngoại ngữ hay các môn tự nhiên khác, nên những kí ức về họ cũng rất mờ.
Nhưng không hiểu tại sao tôi luôn nhớ đến một cô giáo cấp 3 dạy về kĩ thuật, nhìn bề ngoài rất gầy và yếu. Tôi nghĩ cô có bệnh, nhưng chẳng ai ở lớp muốn hỏi về điều ấy, có lẽ cũng vì nghĩ rằng cô không quan trọng để quan tâm như các giáo viên môn chính khác.
Cô giảng hơi khô khan, nhưng nói năng nhẹ nhàng và rất hiền. Cô cũng không quá khó tính trong việc cho điểm. Thế rồi, một lần tôi phát hiện ra cô đứng bán hàng trong một cửa hàng lưu niệm trên phố Tràng Tiền. Cô không nhìn thấy tôi, hoặc có lẽ cũng không nhớ tôi học lớp nào, nhưng tôi hiểu rằng, cô cũng phải sống.
Hơn 20 năm qua kể từ ngày đó, tôi chưa quên được hôm ấy. Và rồi có lần, sau mấy năm xa xứ, khi quay lại Tràng Tiền, tôi lặng người đi khi thấy cửa hàng nhỏ của cô nay đã thành một cửa hàng thời trang sang trọng. Cô đã đi đâu rồi nhỉ? Bây giờ cô thế nào, sống ra sao?
Nhờ có Facebook, nhiều người trong chúng ta tìm lại được bạn bè cũ và cũng may mắn tìm được các thầy cô của ngày xưa. Và rất nhiều những hoài niệm cũ của những năm đi học ùa về, nhưng tôi vẫn hơi chạnh lòng khi nghĩ đến họ. Chẳng mấy ai nhắc đến họ trong cuộc họp lớp và hầu như cũng không thấy ai gợi ý đến nhà hoặc làm thế nào đó để chúc mừng các giáo viên các môn phụ kia. Và với lòng tự trọng, họ cũng không công khai lên tiếng về điều này.
Tôi hiểu, chúng ta không có lỗi khi các kí ức về họ không nhiều. Chúng ta cũng không có lỗi trong việc không có nhiều kỉ niệm với họ. Mọi điều xảy ra đều nằm trong các quy luật của cuộc sống. Nhưng vẫn có một cái gì đó nghèn nghẹn trong cổ cứ mỗi dịp 20/11 về.
Không, chúng em không quên các thầy các cô môn phụ. Chúng em vẫn luôn chúc các thầy cô mạnh khỏe và hạnh phúc. Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy, và trong cái xã hội mà nhiều giá trị đang đảo lộn này, chúng em luôn kính trọng các thầy cô - những người giáo viên đúng nghĩa, những người cho chúng em có những viên gạch để lát con đường đi tới hôm nay.
Không có viên gạch nào là chính. Cũng không có viên gạch nào là phụ. Tất cả đều quan trọng với chúng em…
Anh Ngọc
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất