Coco Chanel là gián điệp của phát xít Đức

04/12/2014 07:21 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Các nhà nghiên cứu Pháp vừa tuyên bố họ đã tìm thấy bằng chứng không thể chối cãi về việc Coco Chanel, nhà thiết kế thời trang huyền thoại đứng sau thương hiệu thời trang cao cấp và nước hoa Chanel, đã từng là gián điệp của phát xít Đức.

Một tập tài liệu viết tay chứa thông tin về việc Coco Chanel hợp tác với phát xít vừa được công bố lần đầu tiên trong bộ phim tài liệu The Shadow Of A Doubt phát trên kênh truyền hình Pháp France 3 vào tối 1/12. Bộ phim khẳng định nhà thiết kế Chanel từng là thành viên của Abwehr, cơ quan tình báo quân sự bí mật của trùm phát xít Adolf Hitler.

Từng "chơi thân" với nhiều sĩ quan cấp cao của Đức

The Shadow of a Doubt đã đi ngược lại với tuyên bố chính thức của Chính phủ Pháp, cho tới nay vẫn khẳng định rằng hầu hết những người nổi tiếng trong thời kỳ đó đều tham gia phong trào kháng chiến hoặc tẩy chay phát xít Đức.

Hồi năm 2011, Hal Vaughan, một sử gia Mỹ sống tại Pháp đã tung ra cuốn sách Ngủ với kẻ thù: Cuộc chiến bí mật của Coco Chanel, trong đó nêu rõ Chanel là gián điệp của phát xít Đức. Vaughan đưa ra kết luận sau khi xem xét nhiều tài liệu và bằng chứng thu thập từ các kho lưu trữ khắp thế giới. Tuy nhiên, báo chí Pháp vẫn lờ đi nghiên cứu của Vaughan và còn nghi ngờ về độ xác thực của nó.

Thông qua việc chiếu The Shadow Of A Doubt, đây là lần đầu tiên một kênh truyền hình quốc gia Pháp chính thức thừa nhận Chanel là gián điệp của những kẻ xâm lược.

Theo phim tài liệu này, Chanel bắt đầu dính líu đến phát xít Đức vào khoảng thời gian quân đội Pháp thất thế hồi năm 1940. Bà trở lại Paris một thời gian ngắn và chuyển tới sống trong khách sạn Ritz, nơi từng bị nghi ngờ là trụ sở của lực lượng không quân Đức Luftwaffe ở Pháp thời điểm đó.

Chanel bắt đầu quan hệ tình cảm với một sĩ quan Gestapo cao cấp là nam tước Hans Gunther von Dincklage. Thông qua ông này, Chanel có mối quan hệ thân thiết với các quan chức cao cấp của phát xít Đức, đến mức năm 1943 bà đã được cử tới Madrid (Tây Ban Nha).

Dựa hơi phát xít để thu lợi

Bà còn lợi dụng sự quen biết trước đó của mình với Thủ tướng Anh Winston Churchill nhằm cố gắng giúp phát xít Đức đạt được thỏa thuận ngừng bắn với quân Anh đóng ở Madrid. Tuy nhiên, Churchill đã phớt lờ lời đề nghị này. Theo sử gia Henry Gidel, bà Chanel “đã mắc chứng hoang tưởng tự đại và quá ngây ngô khi nghĩ rằng bà có thể thay đổi được ý định của Churchill”.

Trong quá trình làm gián điệp cho phát xít Đức, Chanel mang bí danh “Westminster”, ám chỉ đến mối quan hệ của bà với công tước Westminster trong những năm 1920.

Theo hồ sơ chính thức của phát xít Đức, được lưu giữ bí mật trong kho tư liệu của Bộ Quốc phòng Pháp hàng chục năm qua, số hiệu chính thức của Chanel khi là thành viên cơ quan Abwehr là F-7124.

Sinh thời, Chanel là người có quan điểm bài Do Thái. Sử gia Franck Ferrand nói rằng Chanel đã lợi dụng sự ảnh hưởng của bà với phát xít Đức để cố gắng giành lại công ty kinh doanh nước hoa mà bà từng bán cho gia đình Do Thái Wertheimer hồi năm 1924.

Gia đình này đã đưa nước hoa Chanel số 5 trở thành sản phẩm bán chạy nhất thế giới. Chanel từng hy vọng, các quy định của phát xít Đức, trong đó có việc cấm người Do Thái sở hữu các doanh nghiệp, sẽ khiến dây chuyền sản xuất nước hoa Chanel bị tịch thu và trả lại cho bà. Tuy nhiên, gia đình này đã kịp thời bán cổ phần của họ trong công ty nước hoa cho một doanh nhân Đức.

Nhiều người nổi tiếng khác cũng bị nghi ngờ

Trong phim tài liệu kể trên, France 3 còn nghi ngờ nhiều ngôi sao giải trí Pháp thời Thế chiến thứ 2, gồm nữ ca sĩ huyền thoại Edith Piaf, ca sĩ Maurice Chevalier và nhà soạn kịch kiêm đạo diễn sân khấu Sacha Guitry, đã có quan hệ với phát xít Đức.

Thời Pháp bị quân Đức chiếm đóng, sự nghiệp của những người này rất khởi sắc nhờ Đức thúc đẩy chính sách văn hóa đại chúng Pháp. Thậm chí, Piaf còn nhận lời mời trình diễn tại một số sự kiện của phát xít Đức.

Phim tài liệu còn nêu rằng trong thời hậu chiến, quân đội Pháp đã tiêu hủy nhiều hồ sơ của các ngôi sao có dính líu với phát xít Đức. Họ thay đổi sự thật bằng tuyên bố những người này đã tham gia phong trào kháng chiến nhằm góp phần bảo vệ quê hương trước quân xâm lược.

Việt Lâm (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm