29/04/2020 07:31 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Không bao giờ quên cái giây phút lịch sử ấy, trưa 30/4/1975, cái buổi trưa cuối cùng của tháng 4, của cuộc trường chinh kéo dài suốt 30 năm từ đánh Pháp tới đánh Mỹ. Buổi trưa ấy, còn là ngày mất của bao nhiêu chiến sĩ, đồng bào ta ở Sài Gòn. Nhưng buổi trưa ấy đã là "ngày sinh" của những người lính còn sống sót. “Bỗng chung nhau một tuổi/ Trẻ già gương mặt đều sạm khói/ Nắng hắt lên máu những tấc đường qua”. Cũng buổi trưa ấy, bao nhiêu đứa trẻ ra đời trên khắp đất nước đau thương và anh dũng này và trở thành đồng niên của chúng tôi.
Tôi vẫn thường đùa với nhạc sĩ Giáng Son rằng: “Thực ra anh cũng sinh năm 1975 vào trưa ngày 30/4. Cái thằng Kha trước giây phút lịch sử này đã chết. Một thằng Kha mới mẻ đã được sinh ra”.
Giai điệu của khát vọng
Đúng là như được sinh ra thêm một lần nữa. Nhất là khi người chỉ huy dò sóng Đài Phát thanh Sài Gòn để tất cả công khai nghe lời tuyên bố đầu hàng của Dương Văn Minh. Nhưng còn lạ hơn là ngay sau đấy, được nghe chính Trịnh Công Sơn hát vo giai điệu Nối vòng tay lớn cũng ngay tại phòng phát thanh Dương Văn Minh vừa tuyên bố đầu hàng.
Tuy nghe không rõ lời, nhưng bằng cái tai nhạc cảm, nghe rất rõ một quãng 5 đúng vút lên: “Rừng núi giang tay nối lại biển xa…”. Với những người lính bao năm vượt núi thì “Bao cao ốc nguy nga/ Thấp xuống trước mắt người xuống núi/ Bao rạch nước hãm tù bóng tối/ Chợt rưng rưng in những ánh cờ”.
Giọng hát và giai điệu Nối vòng tay lớn của Trịnh Công Sơn chính là giai điệu ngày thống nhất đầu tiên mà chúng tôi nghe được vừa như thực mà vừa như mơ: “Ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà/ Mặt đất bao la anh em ta về gặp nhau mừng như bão cát/ Quay cuồng trời rộng/ Bàn tay ta nắm/ Nối tròn một vòng Việt Nam”. Thật đúng là: “Buổi ấy Sài Gòn làm thật lại giấc mơ/ Nhiều tưởng tượng xưa kia trước phố phường tan biến/ Mùa Hạ xanh những người lính đến/ Đột ngột dòng sông ngọn gió chuyển mùa”.
Sau này, khi đã thành thân quen, tôi mới biết Nối vòng tay lớn được Trịnh Công Sơn viết ngay sau khi Hiệp định Paris được ký kết. Nhưng cũng phải chờ đến 30/4/1975, ông mới có khoảnh khắc kỳ diệu hát “vo” giai điệu này trên Đài Phát thanh Sài Gòn, cùng với lời kêu gọi hãy ở lại đất nước, cùng chung tay xây dựng. “Cờ nối gió đêm vui nối ngày/ Dòng máu nối con tim đồng loại/ Dựng tình người trong ngày mới/ Thành phố nối thôn xa vời vợi/ Người chết nối linh thiêng vào đời/ Và nụ cười nối trên môi”.
Đoạn điệp khúc với tiết tấu nhanh đẩy cái tứ “nối” lên đến chất ngất: “Anh em ta về gặp nhau mừng như bão cát”. Đúng như lời thượng tướng Trần Văn Trà, lúc đó là Chủ tịch Ủy ban Quân quản Sài Gòn - Gia Định nói với tướng Dương Văn Minh vào ngày 2/5/1975 tại Dinh Độc Lập: “Đối với chúng ta, không có kẻ thua, người thắng mà chỉ có dân tộc Việt Nam chúng ta thắng Mỹ”.
Còn tướng Lê Trọng Tấn khi thấy ở nhà riêng Nguyễn Cao Kỳ còn sót lại cuốn album lưu niệm. Ông đã giữ cẩn thận rồi trao cho con trai, dặn rằng khi nào sang Mỹ thì trao lại cuốn album ấy tận tay người sở hữu nó. Và bà Đặng Tuyết Mai (vợ Nguyễn Cao Kỳ) đã trực tiếp nhận lại cuốn album quý giá này.
Đấy là những cử chỉ của Nối vòng tay lớn mà đã được phù trợ bởi “Người chết nối linh thiêng vào đời”. Đoạn cuối của thể A-B-A ở Nối vòng tay lớn, lời ca mở ra khát vọng thống nhất thật rõ rệt: “Từ Bắc vô Nam nối liền nắm tay/ Ta đi từ đồng hoang vu vượt hết núi đồi/ Vượt thác cheo leo/ Tay ta vượt đèo/ Từ quê nghèo lên phố lớn/ Nắm tay nối liền/ Biển xanh sông gấm/ Nối liền một vòng tử sinh”.
Clip "Nối vòng tay lớn" với sự thể hiện của Hà My, Đinh Tuấn Khanh, Thái Châu và Nhóm Giai điệu Xanh trong "Giai điệu tự hào 2014":
Giai điệu của ngày vui đại thắng
Đấy là giai điệu ngày thống nhất đầu tiên vang lên trong cái buổi trưa lịch sử ấy. Đến xẩm chiều thì Đài Tiếng nói Việt Nam vang lên bản đồng ca Như có Bác trong ngày vui đại thắng của Phạm Tuyên. Theo lời Phạm Tuyên, ông đã viết giai điệu này từ vài ngày trước. Nhưng vào cái buổi trưa lịch sử ấy, Tổng Giám đốc Đài là ông Trần Lâm gọi các nhạc sĩ lên phòng và xem ai có sáng tác gì dành cho cái giây phút lịch sử này, thì Phạm Tuyên đã đưa ra sáng tác của mình.
Ngay lập tức, Đoàn ca nhạc đài đã thu thanh suốt buổi chiều Như có Bác trong ngày vui đại thắng để xẩm chiều loang xa trên làn sóng điện. Giai điệu này ra đời đã trở thành bản đồng ca trong suốt cả buổi hội họp của các cơ quan, đoàn thể. Nó đã thay thế bài Kết đoàn trước kia của Trung Quốc. Đấy là giai điệu ngày thống nhất vang lên trong ngày 30/4/1975 sau Nối vòng tay lớn. Bây giờ, giai điệu này thường vang lên trên các cầu trường, nơi nào có đội bóng đá Việt Nam thi đấu với đội bóng đá nước ngoài. Điệp khúc Việt Nam - Hồ Chí Minh cứ ngân nga suốt trong tâm hồn dân tộc.
Clip "Như có Bác trong ngày vui đại thắng" với sự thể hiện của ca sĩ Tạ Quang Thắng và các nghệ sĩ:
Cũng không thể quên giai điệu ngày thống nhất tiếp theo của nhạc sĩ Hoàng Hà - cũng là một nhạc sĩ tài hoa của Đài Tiếng nói Việt Nam. Bài hát Đất nước trọn niềm vui cũng được ông viết mấy ngày trước 30/4/1975. Nhưng đến giây phút lịch sử ấy, nó đã được thu thanh bởi giọng nam Trung Kiên và cũng ngay lập tức chiếm lĩnh sự cuốn hút của toàn dân tộc bởi ý nghĩa và vẻ đẹp của giai điệu.
Sự cuốn hút đầu tiên là của những đảo phách tự nhiên giống như tâm lý của những con người trong giây phút thăng hoa ngày thống nhất: “Ta đi trong muôn ánh sao vàng rừng cờ tung bay/ Rộn ràng ta mê say/ Những bước chân dồn về đây”. Sau đó là giai điệu da diết: “Sài Gòn ơi! Vững tin đã bao năm rồi/ Một ngày vui giải phóng”. Giai điệu quay lại với lời ca nối tiếp: “Ta nghe như vang tiếng Bác Hồ dậy cả non sông/ Rạo rực sao hôm nay Bác vui với hội toàn dân/ Thành đồng ơi! Sắt son đã vang khải hoàn/ Ôi, hạnh phúc vô biên!/ Hát nữa đi em/ Những lời yêu thương”.
Thực ra suốt 50 ngày từ sáng 10/3/1975, nổ súng điểm huyệt Buôn Ma Thuột, cho đến 30/4/1975, 5 cánh quân tụ quần giữa Sài Gòn, đã có bao nhiêu giai điệu vang lên cùng bước chân chiến sĩ. Nhưng phải đến Đất nước trọn niềm vui, bằng sức tưởng tượng của nhạc sĩ, bằng sự pha trộn khéo léo giữa chất thính phòng và chất nhạc nhẹ, giai điệu mới đủ sức diễn tả được cái tâm trạng lâng lâng “Quá nhiều khao khát ngây thơ/ Quên trĩu nặng bởi ba lô vừa cởi/ Cứ ngơ ngẩn màu hoa phượng cháy/ Hồn bay theo những quả bóng màu”.
Khúc "khải huyền" đích thực…
Nhưng hình như cả dân tộc vẫn đang chờ đợi một khúc "khải huyền" đích thực của ngày thống nhất.
Rồi giây phút hoài thai và sinh nở khúc khải huyền đích thực này cũng đến âm thầm, lặng lẽ trong một góc nhỏ có cây dương cầm ở căn gác số 108 Yết Kiêu, Hà Nội. Đấy là tư gia của bậc tài danh âm nhạc Văn Cao. Sau ngày thống nhất một thời gian, Văn Cao có dịp vào Sài Gòn thăm họ hàng nhưng không như bao người khác: “Miền Nam nhận họ - miền Bắc nhận hàng”. Cái mà ông nhận được chính là dáng dấp những người lính trong quân phục bạc màu vì khói đạn đi giữa Sài Gòn còn nguyên vẹn dáng vẻ của “Hòn ngọc Viễn Đông”.
Ở họ toát ra niềm mong mỏi trở về quê hương. Nhìn những người lính vai từng đeo súng giờ đeo khung xe đạp, tay cầm súng giờ ôm con búp bê mà thương cảm tận đáy lòng. Cả quãng đời cầm súng, tài sản lớn nhất của họ chỉ là sự dám dâng hiến, hy sinh. Bây giờ, tài sản lớn nhất của họ là chiếc xe đạp và con búp bê Sài Gòn. Ở miền quê nghèo xa xôi kia, biết bao bà mẹ, người vợ - những vọng tử ngả vào những vọng phu mong ngóng chồng con trở về.
Và thế là mùa xuân 1976, Mùa xuân đầu tiên của Văn Cao - khúc "khải huyền" đích thực mang tầm nhân loại đã ra đời: “Người mẹ nhìn đàn con nay đã về/ Mùa Xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên/ Nước mắt trên vai anh giọt rơi ấm vui/ Vai anh niềm vui phút giây như đang long lanh”. Sau này, Văn Cao có nói với tôi: “Mình đã viết Tiến quân ca thúc giục người lính ra đi chiến đấu. Mình cũng muốn có một giai điệu theo bước chân người lính trở về”.
Clip "Mùa xuân đầu tiên" với sự thể hiện của ca sĩ Hồng Nhung trong "Giai điệu tự hào 2014":
Nhưng ở thời điểm đó, không phải ai cũng ngẫm nghĩ được: “Từ đây người biết quê người/ Từ đây người biết thương người/ Từ đây người sống yêu người”. Bởi thế, phải đến sau khi Văn Cao về cõi thiên thai 10/7/1995, cũng là tháng bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ, Mùa Xuân đầu tiên mới loang ra rộng khắp cả nước bằng giọng hát Thanh Thúy - nữ ca sĩ có tuổi đời bằng chính tuổi của nhạc phẩm - khúc khải huyền đích thực Mùa Xuân đầu tiên.
Thanh Thúy hôm nay đã trở thành một cán bộ lãnh đạo văn hóa của thành phố mang tên Bác. Còn tôi có những người bạn từ xa xứ trở về định cư lại Sài Gòn - nơi ngày 30/4/1975, họ đã ra đi. Chúng tôi cùng cụng ly “mừng vui còn có hôm nay” qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử và cùng hát vang Nối vòng tay lớn, rồi Mùa Xuân đầu tiên...
Nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất