03/05/2021 09:22 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Trong những tháng đầu năm 2021, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội và Viện Khảo cổ học đã tiến hành khai quật khu vực chính điện Kính Thiên, qua đó đã tìm thấy được nhiều di tích, di vật quý hiếm và ngày càng khai lộ nhiều điều về Hoàng cung Thăng Long- Di sản văn hóa thế giới.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều câu hỏi được đặt ra cho giới nghiên cứu, tìm các chứng cứ chứng minh hoặc các minh giải, gợi ý của các nhà khoa học.
Chia sẻ với phóng viên, PGS.TS Tống Trung Tín - Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam cho biết, cuộc khai quật năm 2021 tại khu vực chính điện Kính Thiên đã tìm thấy hàng nghìn hiện vật khảo cổ gồm các loại gạch, ngói, đồ gốm men, đồ sành, đồ đất nung, đồ kim loại, đồ đá... Đây là các loại vật liệu xây dựng Hoàng cung Thăng Long, đồ dùng sinh hoạt Hoàng cung thời kỳ Thăng Long và một số ít thuộc thời tiền Thăng Long.
Trong các di vật năm nay, đáng chú ý có 2 loại di vật khá đặc sắc gồm: Chậu/thống đất nung cao 55cm, đường kính miệng 120cm; ngoài vành miệng có trang trí hoa sen, hoa mai và liên châu. Đây có thể là chiếc chậu đất nung có kích thước lớn nhất còn khá nguyên vẹn thuộc thời Trần. Thứ hai là mảnh mô hình kiến trúc tráng men xanh, men vàng thời Lê sơ, mô hình này còn một phần.
Các dấu tích còn lại cho thấy đây có thể là mô hình một kiến trúc có nhiều tầng mái. Phần còn lại chưa cho phép hình dung tổng thể của kiến trúc này nhưng lại cung cấp nhiều chi tiết quan trọng của một kiến trúc thời Lê sơ như cấu trúc một phần mái ngói, các cấu kiện đấu củng, độ cong của góc đao và lá mái, cấu kiện gỗ đỡ diềm mái, đầu dư chạm rồng.
Chúng ta đều biết, các kiến trúc Lê sơ trên mặt đất đã không còn do đó hình thái kiến trúc Lê sơ là một dấu hỏi rất lớn cho giới nghiên cứu lịch sử kiến trúc cổ truyền Việt Nam. Do vậy, dù chỉ ở mức độ mô hình nhưng đó là một mô hình khá chi tiết, cho nên có thể nói mô hình này lần đầu tiên cung cấp một số chi tiết quan trọng của kiến trúc cung đình thời Lê sơ.
Bên cạnh đó, có thể nói về mặt giá trị và thảo luận, cuộc khai quật khảo cổ học năm 2021 đã phát nhiều tư liệu mới tiếp tục góp phần hiểu sâu thêm di tích của Hoàng thành Thăng Long qua hàng nghìn năm lịch sử. Qua đó tiếp tục hiểu sâu sắc thêm giá trị của di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long.
Cuộc khai quật đã tiếp tục xuất lộ tầng văn hóa dày 4,5m và có đầy đủ các lớp văn hóa từ thời Đại La đến thời Nguyễn. Điều đó nói nên tính thống nhất của tầng văn hóa Thăng Long- Hà Nội trong toàn bộ khu vực đã được giới nghiên cứu xác định một cách tương đối về vị trí và quy mô của Hoàng thành Thăng Long và thành Hà Nội tại khu vực trung tâm của quận Ba Đình ngày nay.
Đặc biệt, các di tích trong hố khai quật xuất lộ từ sớm đến muộn. Từ những di tích mộ táng thời tiền Thăng Long ở tầng sâu nhất địa tầng Thăng Long cho thấy có dấu tích cư trú của con người khá sớm, ít nhất từ khoảng thế kỷ IV-VI, trước thời kỳ Đại La... Đến thời Lê Trung hưng, năm 2019 chúng ta đã xác định được một tiểu cảnh vườn hoa gồm đường đi, bồn hoa, sân gạch, cống nước, ngòi nước ở phía đông bắc chính điện Kính Thiên. Năm nay, các dấu tích đó tiếp tục mở rộng lên phía Bắc với dấu tích móng tường bao, cống nước, ngòi nước, đường đi, so với hố đào năm 2019 khu vực này có vẻ chỉ thiếu vắng các di tích bồn hoa.
Vườn hoa năm nay đã tiếp tục xác định rõ hơn ranh giới của vườn hoa bởi mặt bằng này có một bức tường lớn ngăn cách vườn hoa với khu vực kiến trúc trung tâm cùng thời ở phía tây. Ở bên trong tường vây, đã phát hiện sân gạch và giếng đá đẹp có độ sâu kỷ lục tính từ mặt nền gạch là 6,5m. Đáng chú ý, gần Hậu Lâu đã phát hiện một móng nền kiến trúc lớn nằm dưới móng nền Hậu Lâu thời Nguyễn, gợi ý có một dấu tích kiến trúc lớn thời Lê Trung hưng nằm dưới móng Hậu Lâu. Dấu tích các móng cột lớn năm 2019 và dấu tích nền móng này có lẽ có liên quan đến dấu tích điện Cần Chánh thời Lê- Nguyễn?
Theo PGS. TS Nguyễn Trung Tín, cứ mỗi một năm qua các cuộc khai quật chúng ta lại thêm tìm được thêm nhiều chi tiết mới. Những di tích trên thế giới như Hoàng thành Thăng Long đều phải nghiên cứu mất 200 đến 300 năm mới hoàn thiện. Nhưng chúng ta mới nghiên cứu được trên dưới 10 năm, song giá trị đã trở thành di sản của thế giới. Đây là một điều vô cùng trân quý và cho thấy giá trị, ý nghĩa to lớn của di sản.
Nhìn chung qua cuộc khai quật có nhiều điều về Hoàng cung Thăng Long ngày càng rõ thêm nhưng cũng có nhiều câu hỏi cần tiếp tục nghiên cứu, tìm các chứng cứ chứng minh hoặc các minh giải, gợi ý của các nhà khoa học. Cũng có những điều cần phải nghiên cứu lâu dài. Cho dù vậy thì cuộc khai quật tiếp tục cho thấy lòng đất trung tâm Thăng Long- Hà Nội luôn giàu có các di tích, di vật mới mẻ phong phú và đôi khi gây bất ngờ hấp dẫn, thú vị. Các cuộc khai quật hàng năm sẽ từng bước, từng bước cho phép chúng ta tiếp cận ngày một rõ hơn, đầy đủ hơn về một Thăng Long hoa lệ nghìn năm, di sản thế giới của Việt Nam và nhân loại.
Thiện Tâm/Theo Chính phủ
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất