28/06/2015 07:07 GMT+7 | Copa America 2015
(giaidauscholar.com) - Áp đảo toàn diện và có nhiều cơ hội hơn, nhưng trò đùa của định mệnh khiến người Argentina phải chờ đến lượt sút luân lưu thứ 7 mới có thể loại Colombia và đoạt vé Bán kết Copa America 2015.
Chiến thắng 5-4 trên chấm 11m là sự công bằng với Argentina, giúp đội bóng xứ Tango xóa bỏ lời nguyền kéo dài.
Kẻ đá bóng, người phá bóng
Argentina chơi bóng, còn tất cả những gì Colombia thực hiện là cố gắng tìm cách phá bóng và phạm lỗi. Đó là kịch bản trận Tứ kết thứ 3 ở Copa America 2015 trên sân Sausalito, giữa hai đối thủ Argentina và Colombia. Cuộc chơi là kịch bản một chiều mà người Argentina tạo ra suốt từ đầu đến cuối.
Đội bóng xứ Tango kiểm soát bóng vượt trội với 61%, thực hiện 433 đường chuyền, có độ chính xác 82%. Trong khi đó, Colombia thành công với 73% trong 285 đường chuyền. Chỉ 13 lần các cầu thủ Argentina bị thổi phạt, trong khi Colombia phạm lỗi đến 22 lần để phá lối chơi của đối thủ. Colombia cũng nhận đến 5 thẻ vàng, so với 3 của đối phương. Chiến thuật của Colombia là cả đội phá bóng và phạm lỗi, để thủ môn Ospina một mình trổ tài về chuyên môn.
Ospina đã có ít nhất 3 pha cứu thua xuất thần, trước các tình huống dứt điểm cự ly gần tưởng sẽ thành bàn của Aguero, Lionel Messi và Nicolas Otamendi. Bên cạnh đó, xà ngang chặn đứng tình huống Banega sút xa, và cột dọc từ chối cú ra chân đầy uy lực của Otamendi.
Những gì diễn ra trong 90 phút trận đấu ở Sausalito là kịch bản mà Colombia đã vạch ra từ trước: Cố đưa trận đấu lên chấm 11m. Colombia - như một đội bóng hạng hai trong tấn công với chỉ 1 bàn ở vòng bảng - tin rằng luân lưu là cách duy nhất để họ vượt qua được Argentina. Bở vì, Colombia - đúng hơn là Jose Pekerman, hiểu rõ ám ảnh của người Argentina ở loạt 11m.
Vượt qua định mệnh
Năm 1993, Argentina lần lượt vượt qua Brazil và Colombia trên loạt luân lưu, trước khi vô địch Nam Mỹ. Đó cũng là lần cuối cùng bóng đá Argentina có danh hiệu. Sau đó, sút luân lưu là thứ mà Argentina cảm thấy sợ hãi. Ở Tứ kết Copa America 1995, Argentina thua Brazil trên chấm 11m, với thủ lĩnh Siemone và Nestor Fabbri đá hỏng. Tại Peru 2004, điều tương tự lặp lại trong trận Chung kết với Brazil. 4 năm trước, đến lượt Uruguay khiến Argentina phải ôm hận trên sân nhà, với pha đá hỏng của Carlos Tevez.
Pekerman hiểu rõ nỗi ám ảnh của Argentina. Ở World Cup 2006, Argentina mà chính ông dẫn dắt đã thất bại bởi loại “đấu súng” trước người Đức tại Tứ kết. Trong hai thập niên qua, Argentina chỉ 2 lần thắng về “đấu súng”, World Cup 1998 trước Anh và World Cup 2014 trước Hà Lan. Đây đều là hai trong những đối thủ kém nhất về khoản đá luân lưu.
Toan tính của Pekerman là điều dễ hiểu, khi phần lớn các ngôi sao của ông đã để quên phong độ ở châu Âu (trừ Falcao sa sút cả năm dài, và Cuadrado bị bỏ rơi sau nhiều tháng ở Chelsea). Chỉ có điều, sự toan tính ấy không mang đến kết quả như mong muốn.
Argentina đã vượt qua được định mệnh của chính mình, cho dù Biglia và Rojo đá hỏng hai lượt liên tiếp. Chiến thắng nghẹt thở 5-4, sau 7 lượt sút dành cho mỗi đội, là một kết quả phản ánh sự công bằng trong cuộc chơi mà Argentina vượt trội mọi mặt. Định mệnh không muốn Argentina chiến thắng trong 90 phút chính thức. Nhưng định mệnh cũng rất công bằng với người Argentina, sau cú sút quyết đoán của Tevez. Sẽ thực sự là một thảm họa nếu Colombia vào Bán kết, vì họ không thể hiện được gì ngoại trừ Ospina rất xứng đáng với những lời khen.
Về mặt trình diễn và bóng đá đẹp, Argentina chưa đạt được yêu cầu so với đòi hỏi của những người khó tính. Nhưng thực tế mà nói, cuộc hành trình cho đến nay vẫn nằm trong kiểm soát của thầy trò HLV Tata Martino. Đôi khi, chính vì thiếu sự thuyết phục về vẻ đẹp sẽ là yếu tố mang đến khác biệt chung cuộc. Và Martino có lý do để nghĩ về việc giúp Argentina chấm dứt cơn khát vinh quang.
Ngọc Huy
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất