Con trai Bùi Xuân Phái sốc vì Nguyễn Tư Nghiêm ‘ra đi trùng ngày với ông Phái'

15/06/2016 19:56 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) -  "Tôi đang làm giỗ bố (danh họa Bùi Xuân Phái) thì hay tin ông Nghiêm (danh họa Nguyễn Tư Nghiêm) qua đời. Hai ông ra đi trùng ngày, cách nhau 28 năm. Điều lạ kỳ nhất là sự ra đi của bộ tứ Nghiêm – Liên – Sáng- Phái (Nguyễn Tư Nghiêm - Dương Bích Liên - Nguyễn Sáng - Bùi Xuân Phái) luôn có những sự trùng hợp: năm 1988, cả ba ông Liên – Sáng – Phái ra đi cùng một năm".

Đó là chia sẻ của họa sĩ Bùi Thanh Phương, con trai danh họa Bùi Xuân Phái khi nghe tin họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm qua đời. Từ góc nhìn của một người trong gia đình, anh Phương đã tâm sự với Thể thao & Văn hóa về mối quan hệ đặc biệt trong “bộ tứ” , mà bố anh là người trong cuộc.


Họa sĩ Bùi Xuân Phái cũng ra đi vào ngày 15/6 cách đây 28 năm (1988). Như vậy Liên - Sáng - Phái mất cùng năm, Nghiêm - Phái mất trùng ngày

“Phải, như thế là hôm nay, ông Phái và ông Nghiêm sẽ gặp nhau trong cõi hư không của Hà Nội, vì ông Phái đang về hưởng giỗ mà. Rồi đây, những người yêu mỹ thuật sẽ nhớ đến một ngày giỗ chung của hai ông.

Tôi nhớ, năm 1988 là một năm đau thương của “bộ tứ”. Đầu tiên đó, ông Nguyễn Sáng mất (1/8/1923 - 16/2/1988), tiếp đến bố tôi (1/9/1920 - 24/6/1988), rồi cuối năm là ông Dương Bích Liên (7/7/924 – 12/12/1988). Mà ông Liên mất là buồn nhất, vì ông tịch cốc, chọn cái chết trong cô đơn (Wikipedia cũng viết “Dương Bích Liên lựa chọn một cái chết lặng lẽ, không bệnh tật, không đau ốm mà tịch cốc không ăn chỉ uống rượu”).

Nói về mối quan hệ của bộ tứ Nghiêm – Liên – Sáng – Phái lúc sinh thời, họa sĩ Bùi Thanh Phương cho biết, ngày xưa 4 ông không chỉ học cùng lớp ở trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, mà còn là bạn bè từ thời đánh bi đánh đáo với nhau, mỗi lần gặp nhau kể chuyện với nhau cứ “cười rúc rích”.


Hai danh họa Nghiêm - Phái giống tính nhau đều lầm lì, ít nói, ngại chốn đông người và âm thầm vẽ cho đến những ngày cuối đời

Các ông chơi với nhau, nhưng không kiểu bạn bè tụ bạ, mà rất trọng thị nhau, cảm tưởng như mỗi lần mời nhau đến nhà là một dịp rất long trọng. Khó mà “triệu tập” đủ 4 ông ngồi với nhau.

Tôi nhớ lần cuối cùng các ông hẹn gặp nhau là bữa Tất niên tại nhà bố tôi năm 1984, nhưng bữa đó vắng mặt ông Nghiêm vì lý do gì không thể đến được, dù các ông rất muốn "tụ tập" khi đều đã vào tuổi "chuối chín cây". Hồi đó, thời bao cấp khó khăn, bữa tất niên thịnh soạn do mẹ tôi khoản đãi là một dịp thật long trọng.

Ăn xong, ông Sáng hứng lên vẽ ông Phái. Tôi được dịp theo dõi. Mỗi lần ông Sáng vẽ như là thực hiện một nghi lễ thần thánh: ông bắt ông Phái ngồi im ngoài sân, khoác áo choàng lên như đang ngồi trên ghế anh thợ cạo, rồi ông Sáng đi vòng quanh sân, ngắm rất lâu, tìm góc để vẽ. Ngắm thì lâu nhưng ông Sáng vẽ thì rất nhanh. Ngay hôm đấy đã vẽ xong 4 hay 6 bức. Sau này người ta có sưu tầm lại. Còn ông Liên vừa đứng xem vừa nhận xét…

Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm: Sống để vẽ và yêu

Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm: Sống để vẽ và yêu

Nguyễn Tư Nghiêm, người duy nhất đang còn sống trong bộ tứ 'Nghiêm - Liên - Sáng - Phái'. Ông sinh năm Bính Ngọ 1918, năm Giáp Ngọ 2014 này, hoạ sĩ tuổi 96. Vẫn vẽ hàng ngày, đấy không phải là điều bất ngờ độc nhất của ông.

Ông Nghiêm cũng có nhiều lần đến chơi với ông Phái. Ông thường cầm cái túi đi chợ. Tôi từng nghe ông phổ biến kinh nghiệm nấu ăn cho bố tôi, vì ông Nghiêm hay nấu nướng, hồi đó ông sống một mình. Còn bố tôi thì ngơ ngác ngồi nghe, chẳng được câu nào vào đầu, vì ông Phái có quan tâm gì đến nấu nướng.

Thật ra, trong 4 ông, thì ông Nghiêm và ông Phái tính khá giống nhau, hai ông đều ít nói, ngại va chạm, ngại xuất hiện chỗ đông người. Hai ông có thể ngồi rủ rỉ tâm sự cả buổi, nhưng hễ có khách đến là ông Nghiêm chuồn về ngay.

Cả 4 ông có cái hay là không bao giờ bình luận về nghệ thuật của người khác, kể cả tranh pháo cả nhau, tức là có cái sự trọng thị nhau rất sâu sắc. Phẩm chất ấy bây giờ rất hiếm. Nghệ sĩ gặp nhau là chém gió phần phật. Sự trọng thị ấy tôi đã chứng kiến, chẳng hạn ông Nghiêm thỉnh thoảng có tặng tranh ông Phái. Ông Phái lập tức gỡ tranh của mình trên tường để treo tranh của bạn lên.


Theo họa sĩ Bùi Thanh Phương, bức "Con nghé quả thực" của Nguyễn Tư Nghiêm là một đỉnh cao. Chữ ký góc tranh như chữ "Nghé"

Nhận xét về nghệ thuật của bậc tiền bối, đồng thời cũng là bạn của cha mình, họa sĩ Bùi Thanh Phương cho rằng, đóng góp lớn nhất của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm là ở sự cách tân lối vẽ, ông đưa chất hiện đại vào trong truyền thống, và trong những bức vẽ về điệu múa cổ, ông Nghiêm đã đạt tới đỉnh cao. Anh ấn tượng nhất với bức “Con nghé quả thực” (sơn mài, 1957) của Nguyễn Tư Nghiêm, mà chữ ký của ông Nghiêm dưới bức tranh giống như chữ “Nghé”.

Đông Kinh (ghi)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm