25/03/2019 16:08 GMT+7 | Thế giới
(giaidauscholar.com) - Ngày 25/3, tại Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức hội thảo khoa học quốc gia "Đánh giá kinh tế Việt Nam năm 2018 và triển vọng năm 2019", đồng thời công bố ấn phẩm Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2018 với chủ đề: “Hướng tới chính sách tài khóa bền vững và hỗ trợ tăng trưởng”. Hội thảo có sự tham gia của nhiều nhà khoa học, chuyên gia kinh tế trong nước và thế giới.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đánh giá kinh tế Việt Nam năm 2018, bao gồm thành tựu và những tồn tại, chỉ ra nguyên nhân, phân tích cơ hội và thách thức, từ đó khuyến nghị chính sách trong điều hành kinh tế năm 2019. Đồng thời, các đại biểu đưa ra khuyến nghị cải cách tài khóa với mục tiêu đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững và góp phần hỗ trợ tăng trưởng.
Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho biết: Năm 2018, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7,08%, cao nhất trong hơn một thập niên vừa qua, chất lượng tăng trưởng đã có cải thiện. Những động lực đóng góp chính vào tăng trưởng, về phía sản xuất là khu vực FDI với ngành công nghiệp chế biến chế tạo, về phía chi tiêu là tiêu dùng nội địa và thặng dư thương mại.
Tuy nhiên, cải thiện môi trường kinh doanh có dấu hiệu chững lại, khu vực kinh tế tư nhân tiếp tục gặp nhiều khó khăn và rào cản trong phát triển. Lạm phát và tỷ giá mặc dù nằm trong phạm vi điều chỉnh dự kiến nhưng đã đương đầu nhiều sức ép. Dư địa chính sách tiền tệ bị thu hẹp và đặc biệt là rủi ro tài khóa ngày càng gia tăng.
Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thọ Đạt cũng chia sẻ: Trong giai đoạn khoảng 10 năm gần đây, Việt Nam luôn duy trì quy mô chi tiêu công ở mức cao, trong khi nguồn thu ngân sách không đủ để bù đắp. Do vậy, thâm hụt ngân sách nhà nước thường xuyên ở mức cao và hiện ở mức cao nhất trong khu vực. Việt Nam không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục vay nợ để bù đắp bội chi và hệ quả là nợ công gia tăng. Có thể nói, thâm hụt ngân sách cao và nợ công tăng nhanh hiện nay là một trong những rủi ro vĩ mô lớn nhất của nền kinh tế, đồng thời làm hạn chế các lựa chọn của Chính phủ trong việc đưa nền kinh tế thoát khỏi vùng trũng suy giảm và tiến vào “quỹ đạo tăng trưởng” mới.
Chia sẻ về nội dung ấn phẩm “Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2018”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tô Trung Thành, đồng chủ biên ấn phẩm cho biết: Báo cáo này có những điểm khác biệt và cũng là điểm nhấn so với các báo cáo kinh tế thường niên của các tổ chức khác. Báo cáo thể hiện quan điểm riêng của các chuyên gia Trường Đại học Kinh tế Quốc dân về các vấn đề kinh tế trong năm, có tính phản biện chính sách một cách độc lập, là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách.
Bên cạnh việc phân tích định tính, những đánh giá của Báo cáo còn được thực hiện thông qua các phương pháp định lượng, đảm bảo những kết luận đưa ra được dựa trên những bằng chứng thực nghiệm, có căn cứ khoa học, có dẫn chứng cụ thể. Điều này cũng thể hiện tính học thuật cao của Báo cáo thường niên, gắn kết những vấn đề nóng của nền kinh tế với việc thực hiện nghiên cứu định lượng. Cách viết của Báo cáo được điều chỉnh để dung hòa tính học thuật trong nghiên cứu kinh tế với ngôn ngữ dễ hiểu, dễ đọc.
Báo cáo “Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2018” với chủ đề “Hướng tới chính sách tài khóa bền vững và hỗ trợ tăng trưởng”, bao gồm các nội dung: Đánh giá diễn biến kinh tế năm 2018 và triển vọng năm 2019; phân tích đặc điểm và thực trạng chính sách tài khóa Việt Nam (bao gồm thực trạng thu chi ngân sách, phân cấp ngân sách, và nợ công); đánh giá tác động của chính sách tài khóa đến nền kinh tế, mức độ bền vững của chính sách tài khóa trong trung và dài hạn… Từ đó, Báo cáo đề xuất các giải pháp hướng tới chính sách tài khóa bền vững, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Việt Hà/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất