16/09/2014 11:25 GMT+7 | Đọc - Xem
(giaidauscholar.com) - Cuốn sách Văn hóa tộc người Việt Nam của PGS Nguyễn Từ Chi được trao Giải thưởng Sách hay của Viện IRED năm nay bị chính những người đứng tên biên soạn nhận xét là “một thảm họa” và có thể còn vi phạm bản quyền.
Tuần trước, cuốn sách Văn hóa tộc người Việt Nam được Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục (IRED) tổ chức trao Giải thưởng Sách hay 2014. Đây là bản tái bản có sửa chữa do NXB Thời đại và Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, nhà sách Thăng Long (TP HCM) liên kết phát hành, in xong và nộp lưu chiểu quý 4/2013.
Mặc dù vậy, bản in lần đầu tiên của cuốn sách là Góp phần nghiên cứu Văn hóa và Tộc người (Nxb Văn hóa Thông tin & Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, 1996). Trong khi đó, cuốn Văn hóa tộc người Việt Nam năm 2013 là bản tái bản kém chất lượng.
Người soạn sách bất bình vì sách tái bản “thảm họa”
Sách đứng tên tác giả là PGS Nguyễn Từ Chi nhưng đề tên 8 người sưu tập gồm: Nguyễn Chí Bền, Trần Lâm Biền, Ngô Văn Doanh, Lê Hồng Lý, Nguyễn Minh San, Nguyễn Duy Thiệu, Đỗ Lai Thúy và Nguyễn Quốc Tuấn. Nhưng khi được hỏi về bản sách này thì những người đại diện trong nhóm sưu tập đều giật mình vì họ không hề nhận được thông báo nào của nhà xuất bản cũng như đơn vị liên kết.
Bản tái bản năm 2013 được trao giải Sách hay có tên là Văn hóa tộc người Việt Nam.
GS.TS Nguyễn Chí Bền, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam (Bộ VHTT&DL), người được nhóm coi là trưởng ban biên soạn rất ngạc nhiên về chuyện sách được in ra. “Họ cứ tự ý làm mà không hỏi ý kiến chúng tôi lấy một câu. Đây là lần thứ hai tái bản chứ không phải một lần. Lần thứ nhất là năm 2003, họ cũng không hỏi gì” – ông nói.
Còn PGS.TS Nguyễn Duy Thiệu, Phó Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, một trong những người sưu tầm và tập hợp tư liệu để xuất bản cuốn sách gốc năm 1996 đã rất bất bình. Ông Thiệu cho biết, cuốn sách này được xuất bản lần đầu tiên bằng nguồn kinh phí Nhà nước cấp xuất bản các công trình được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.
“Tôi chưa đọc và chưa so sánh phần ruột, nhưng chỉ nhìn hình thức bên ngoài thì bản sách năm 2013 là một thảm họa” – Ông Thiệu nói – “Tên của cuốn sách là Góp phần nghiên cứu Văn hóa và Tộc người đã bị đổi là Văn hóa tộc người Việt Nam và gắn thêm vào đó một tấm ảnh có thể nói là tội nghiệp”.
Trong khi đó, bản in đầu Góp phần nghiên cứu Văn hóa & Tộc người (1996) mới được coi là công trình gốc và có giá trị.
“Tên cơ quan xuất bản ở bìa 1 đề là NXB Thời đại & Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, nhưng ở bìa 2 lại ghi là NXB Văn hóa Thông tin - Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật. Ở bìa 4 lý lịch khoa học trích ngang và ký họa chân dung của PGS Từ Chi (bản in cũ) được thay bằng nội dung khác rất “rác rưởi” – ông Thiệu liệt kê những yếu tố “thảm họa” của cuốn sách.
Đối chiếu với bản in lần đầu tiên của NXB Văn hóa Thông tin (1996), bản in của NXB Thời đại năm 2013 đã cắt bỏ toàn bộ phần 2 mang tên “Trong tình cảm đồng nghiệp” với 13 bài viết của 13 tác giả là bạn bè, đồng nghiệp và học trò của nhà dân tộc học Nguyễn Từ Chi.
Giải thưởng không xứng đáng
“Đây không chỉ là vấn đề đạo đức làm sách mà cả vấn đề bản quyền cần được đặt ra” – PGS.TS Nguyễn Duy Thiệu nhấn mạnh. “Vì đâu NXB Thời đại và Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật được quyền tái bản cuốn sách? Ai đã sửa chữa và cắt xén nội dung sách, mà một phần trong đó đã được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh (truy tặng năm 2000)?”.
Như vậy, việc một cuốn sách có nhiều vấn đề như Văn hóa tộc người Việt Nam được trao tặng Giải thưởng Sách hay 2014 của Viện IRED cũng cần đặt câu hỏi về tính xác đáng. Nếu trao giải, bản sách xứng đáng phải là bản in lần đầu tiên Góp phần nghiên cứu Văn hóa và Tộc người năm 1996.
PGS Nguyễn Từ Chi (1925-1995) được giới chuyên môn đánh giá là nhà dân tộc học hàng đầu của Việt Nam trong thế kỷ 20, chuyên gia về người Mường và làng xã người Việt. Quê ông là xã Ích Hậu, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Tốt nghiệp khoa Lịch sử trường Đại học Tổng hợp khóa 2, năm 1960.
Ông đã được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (năm 2000) với 4 công trình: Cơ cấu tổ chức của làng Việt cổ truyền ở Bắc Bộ (1984), Hoa văn Mường (1978), Hoa văn các dân tộc Djarai-Bhana (1986) và Người Mường ở Hoà Bình (1995).
Kiều Mai Sơn
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất