Công nghệ số: Cơ hội vàng cho thế hệ trẻ

12/05/2025 16:10 GMT+7 | GenZ

Sự bùng nổ của công nghệ, đặc biệt là AI, đã và đang tác động mạnh đến hầu hết các lĩnh vực, nhất là thị trường lao động. Những công việc truyền thống đang dần được tự động hóa, nhiều ngành nghề mới liên tục xuất hiện, đòi hỏi người lao động phải cập nhật kỹ năng công nghệ để không bị tụt phía sau.

Công nghệ số – Chìa khóa mở ra kỷ nguyên mới

Theo “Báo cáo thị trường tuyển dụng 2024 - 2025” của TopCV, trong số 3.000 doanh nghiệp được khảo sát, 46,25% khẳng định: tuyển dụng chuyên gia AI và nhân tài số sẽ là một trong những ưu tiên hàng đầu trong năm 2025 (đồng thời cũng là xu hướng chung trên thế giới). Đây là tín hiệu cho thấy sự chuyển dịch mạnh mẽ của các tổ chức hướng tới việc khai thác tiềm năng của AI để tăng cường hiệu quả vận hành và nâng cao lợi thế cạnh tranh. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, công nghệ không còn là lợi thế bổ sung mà đã trở thành yếu tố bắt buộc đối với mọi ngành nghề.

Trước đây, công nghệ số thường chỉ gắn liền với những ngành mang tính kỹ thuật cao như công nghệ thông tin, viễn thông hay tự động hóa. Tuy nhiên, ngày nay, ứng dụng công nghệ đã đi sâu vào hầu hết các lĩnh vực, từ tài chính – ngân hàng, y tế, giáo dục đến nghệ thuật, thời trang, nông nghiệp, giải trí,... Một số lĩnh vực có tốc độ phát triển nhanh chóng nhờ sự hỗ trợ của công nghệ, trong đó phải kể đến: Kinh doanh bán hàng, Công nghệ thông tin và trí tuệ nhân; Truyền thông/Marketing/Quảng cáo; Logistics và chuỗi cung ứng thông minh.

Khác với trước đây khi công nghệ số chỉ đơn thuần hỗ trợ một phần hoạt động sản xuất – kinh doanh, giờ đây, nhiều ngành nghề đã phải tái cấu trúc hoàn toàn để thích nghi với nền kinh tế số. Tại Việt Nam, làn sóng chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ ở cả khu vực doanh nghiệp và giáo dục. Các trường đại học cũng không nằm ngoài xu hướng này, khi ngày càng nhiều cơ sở đào tạo chú trọng hơn vào việc lồng ghép công nghệ số vào chương trình giảng dạy, giúp sinh viên có sự chuẩn bị tốt nhất cho tương lai.

Đào tạo nhân lực công nghệ số từ nhu cầu thực tiễn

Nhiều trường đại học đã chủ động đổi mới chương trình để bắt kịp xu hướng, đa ngành, đa nghề, đa lĩnh vực. Sự đa dạng hóa các ngành đào tạo về công nghệ số trong những năm vừa qua không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực từ các doanh nghiệp lớn, mà còn thể hiện sự linh hoạt, đón đầu xu thế chuyển dịch sản xuất và đầu tư trên toàn cầu. 

Chị Mai Hoàng, hiện đang học tại Đại học Stanford (Mỹ) và đang làm nghiên cứu tại Công ty VinAI chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng AI đang thay đổi hầu như mọi khía cạnh trong cuộc sống. Đây là cơ hội tuyệt vời để các bạn sinh viên tìm hiểu sâu hơn về AI và tạo ra những đóng góp thiết thực cho Việt Nam.”

Công nghệ số: Cơ hội vàng cho thế hệ trẻ - Ảnh 1.

Chị Mai Hoàng - sinh viên Đại học Stanford (Mỹ).

Mặc dù sẵn sàng chi trả mức lương cao, nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhân sự đáp ứng đủ yêu cầu. Vì thế, các trường đại học buộc phải tăng chỉ tiêu tuyển sinh và mở rộng danh mục ngành nghề liên quan đến công nghệ số, góp phần giải quyết “cơn khát” nhân lực đang diễn ra trên thị trường hiện nay.

Chia sẻ về nhu cầu tuyển dụng ngành AI, TS. Đặng Hoàng Long, Giảng viên khoa Công nghệ thông tin 1, Đại sứ NVIDIA tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cho biết: “Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp lớn cả trong và ngoài nước đều có nhu cầu tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp ngành AI từ các trường đại học. Điển hình như FPT, VinAI... đều mong muốn thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ những cơ sở đào tạo hàng đầu, trong đó có PTIT và Đại học Bách Khoa”

Công nghệ số: Cơ hội vàng cho thế hệ trẻ - Ảnh 2.

TS. Đặng Hoàng Long, Giảng viên khoa Công nghệ thông tin 1, Đại sứ NVIDIA tại PTIT chia sẻ về nhu cầu nhân lực ngành AI.

Để tiến xa hơn trên con đường chuyển đổi số, việc hợp tác chặt chẽ giữa nhà trường – doanh nghiệp – Nhà nước là chìa khóa quyết định. Các doanh nghiệp cần đẩy mạnh đầu tư cho giáo dục, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao, bởi đây cũng chính là đầu tư cho tương lai bền vững của chính họ. Đồng thời, Nhà nước cũng cần ban hành các chính sách khuyến khích, tạo động lực để sinh viên theo học ngành công nghệ thông qua học bổng, hỗ trợ tài chính và các chính sách ưu đãi khác.

Chuyển đổi số không chỉ là hành trình cá nhân mà là bước tiến đồng bộ của cả xã hội, nơi mọi thành phần đều chung tay xây dựng hệ sinh thái giáo dục và công nghệ số phát triển toàn diện. Điều này sẽ giúp Việt Nam không ngừng vươn lên, hiện thực hóa mục tiêu trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2030, đồng thời chuẩn bị nền tảng vững chắc để tiến tới thu nhập cao vào năm 2045.

Công nghệ số bao gồm công nghệ thông tin và các công nghệ mới, nhưng không giới hạn bởi trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, internet vạn vật, chuỗi khối, thực tại ảo/thực tại tăng cường để số hoá thế giới thực, thu thập, lưu trữ, truyền đưa, xử lý thông tin và dữ liệu số phục vụ chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo trong tất cả lĩnh vực. (Theo Khoản 1, Điều 3, Chương I, Luật Công nghiệp công nghệ số)

Một số trường đại học hàng đầu đào tạo công nghệ số đang được cho là top đầu trong lĩnh vực này tại Việt Nam bao gồm: Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông,...

Trâm Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm