26/11/2015 12:21 GMT+7 | Bóng đá Việt
(giaidauscholar.com) - Không chỉ HLV Toshiya Miura, trên sân Thống Nhất, người ta luôn thấy sự hiện diện của ông Mai Đức Chung, cùng trợ lý HLV Trần Công Minh, có lẽ không ngoài nhiệm vụ tiến cử nhân sự cho Miura. Họ đã, đang và sẽ tìm được những gì, thông qua các giải trong nước lẫn quốc tế năm nay, hay cũng chỉ “cưỡi ngựa xem hoa”?
1. Việc theo dõi phong độ của cầu thủ là cần thiết và nếu may mắn, bộ phận chuyên môn phụ việc HLV Miura có thể tìm thêm vài nhân tố mới bổ sung cho ông Miura.
Cho dù đã cho thấy sự thay đổi trong danh sách U23 vừa ban hành, nhưng khả năng các trợ lý đã phát huy tác dụng, đặc biệt thuyền trưởng người Nhật Bản sẽ lấy quân cũng như triết lý của HAGL, hay Hà Nội T&T làm nền tảng, để xây dựng lối chơi tổng thể cho U23 Việt Nam, là không cao.
“Cầu thủ của tôi đủ năng lực và xứng đáng được ý thức vai trò hơn trên bình diện U23 Việt Nam, nhưng có lẽ HLV Miura sẽ không nghĩ thế”, HLV Nguyễn Quốc Tuấn, cảm thán.
“Mỗi HLV đều có triết lý huấn luyện riêng, nhưng bằng với quá trình làm việc cùng HLV Miura ở vòng loại U23 châu Á, cũng như SEA Games 28, tôi hiểu tiêu chí chọn người của ông ấy”, vẫn lời HLV Nguyễn Quốc Tuấn.
Trong khi đó, Nguyễn Văn Quyết, một trong những trụ cột của ĐT Việt Nam dưới thời HLV Miura cũng cho rằng, bóng đá Việt Nam đang sở hữu lứa cầu thủ trẻ tài năng, nhưng không dám chắc là họ sẽ chơi tốt tại VCK U23 châu Á tới, với phương pháp huấn luyện của Miura.
Mọi người có quyền căn cứ vào hình hài, thành tích các ĐTQG, những phẩm chất của HLV trưởng, để đưa ra nhận định, thậm chí cả phản biện. Khi có quá nhiều những phản biện về lối chơi, về năng lực của HLV Miura, chắc phải có điều gì đó không ổn ở đây. Vấn đề, HLV Miura và VFF có lắng nghe, để điều chỉnh theo chiều hướng tích cực?
2. Triết lý hay phương pháp huấn luyện thuộc về các HLV, còn việc xây dựng lối chơi mang tính bản lề, phải phụ thuộc vào con người mà họ có, nói nôm na là “có bột mới gột nên hồ”. Con người “đẻ” ra các ý tưởng về chiến thuật trong bóng đá, để phục vụ ngược lại. Và, sau tất cả những gì đã xảy ra, từ hơn 1,5 năm qua, quả rất khó để hiểu một cách cặn kẽ, rằng các ĐTQG đang chơi với chiến thuật gì, lối đá nào?
Nếu như B.Bình Dương đã ở đẳng cấp ngoại hạng nhờ dàn hảo thủ quá chất, thì có thể thấy, Hà Nội T&T và HAGL, đang là những đội bóng có lối chơi giàu bản sắc bậc, sở hữu nhiều tài năng trẻ bậc nhất. Thực tế, hai đội bóng này cũng đang chiếm thế thượng phong ở giải U21 QG, lẫn quốc tế. Dù quân U23 đã ở một vị thế tương đối khác so với U21, nhưng tại sao HLV Miura không cộng hưởng sẵn lối chơi từ một số CLB đã có thành tựu, cộng thêm sở học của ông, nhằm tiến tới sự hoàn hảo? Ít nhất ông phải làm sao để nhiều cầu thủ, khi lên tuyển, phát huy được phẩm chất chơi bóng như họ làm được ở CLB.
Nếu HLV Miura vẫn cứng nhắc lại xây dựng lối chơi của riêng ông, chẳng có sự kế thừa nào, tệ hơn không chịu lắng nghe dư luận góp ý, sẽ không bao giờ các ĐTVN định hình được môt lối chơi chuẩn mực, hiệu quả cao. Đó là điều chắc chắn!
Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất