08/07/2020 16:20 GMT+7 | Bóng đá Việt
(giaidauscholar.com)- V-League 2020 đang vào giai đoạn cao trào với thể thức thi đấu mới, hàng loạt trọng tài và HLV, cầu thủ mắc những lỗi nặng và dư luận đang đặt câu hỏi họ có phải nhận hình phạt? Công Phượng là một trong những trường hợp đó.
Trước vòng đấu thứ 9 của V-League 2020 và trùng thời điểm là vòng 7 giải HNQG 2020, sân cỏ cả nước đang sục sôi vì hàng loạt vấn đề cố hữu của bóng đá nội như trọng tài, bạo lực.
Vòng đấu thứ 8 của V-League 2020 nổi cộm với pha bóng muốn trả đũa của Công Phượng với Tống Anh Tỷ. Tiền đạo TP.HCM đã chạy nhanh đến định đá vào chân Anh Tỷ khi đó đang nằm sân.
Cầu thủ hai đội sau tình huống này đã lao vào nhau đòi ăn thua đủ nhưng những cái đầu nóng đã được kiểm soát sau đó.
Dù không phải nhận thẻ phạt nhưng theo dư luận, hành vi của Công Phượng cần được xử lý “nguội” khi BTC xem lại băng hình. Công Phượng đã nổi nóng ở tình huống tưởng chừng rất bình thường và tiền đạo ĐTQG này cần làm gương cho nhiều người khác.
Một điều dễ nhận thấy ở V-League 2020 chính là việc các trọng tài thường không dám mạnh tay với các quyết định thổi phạt. Điển hình là trường hợp của trung vệ Phạm Mạnh Hùng.
Cầu thủ 27 tuổi đã trụ tới vòng 8 V-League 2020 mới chính thức phải nghỉ ở vòng 9 vì 3 thẻ vàng. Tuy nhiên xem lại những thống kê với Hùng “xà ngang” ở các đoạn clip cắt từ các trận đấu trước đó mới thấy các trọng tài đã quá nhẹ tay với đội trưởng Hải Phòng.
Mạnh Hùng không hề bị nhắc nhở bằng án phạt nguội nào sau các trận đấu. Trung vệ này có thời gian nghỉ vòng 9 để xem lại clip những pha phạm lỗi của mình đang bị dư luận lên án. Trường hợp của Mạnh Hùng đã khiến nhiều người quan tâm bóng đá nước nhà ngao ngán về sự thiếu quyết liệt của Ban điều hành, Ban kỷ luật.
Chuyện phạt nguội không còn mới mẻ gì với những nền bóng đá tiên tiến khi sau mỗi vòng đấu, các chuyên gia có trách nhiệm đều ngồi lại để xem băng hình để đưa ra án phạt thích đáng cho những hành vi xấu chơi.
Trọng tài điều hành trận đấu khó lòng quán xuyến hết mọi pha vào bóng, tiểu xảo của các cầu thủ và nếu Ban kỷ luật mạnh tay hơn sau mỗi trận đấu, đó cũng là một cách để trợ giúp, bênh vực đội ngũ trọng tài để họ tự tin hơn khi ra quyết định.
Một trọng tài đang làm việc ở V-League khi đề cập đến vấn đề tại sao các trọng tài thường không bắt chặt như các giải đấu của Anh, Tây Ban Nha: “Thực sự thì anh em trong nghề rất muốn làm tốt công việc. Làm tốt thì mới được đề cử làm nhiều trận, có tiền trợ giúp gia đình và mình có giỏi nghề thì sẽ được nể trọng hơn nhưng trọng tài là nghề rất bạc.
Kinh nghiệm anh em từ thế hệ đi trước truyền tai cho thế hệ sau rằng làm trọng tài Việt Nam thì phải chừa đường về nhà cho chính bản thân mình nữa. Như các anh viết báo cũng biết từ lâu nay ở Việt Nam, có ai dám lên tiếng bảo vệ trọng tài mạnh như các nền bóng đá phát triển trên thế giới không?.
Chúng tôi cũng rất mong có công nghệ VAR hỗ trợ trọng tài áp dụng vào bóng đá Việt Nam. Tiếc là điều này chưa thể thực hiện, tôi nghĩ vì kinh phí. Có VAR thì các trọng tài chắc chắn sẽ nhẹ nhàng hơn trong công việc của mình, không bị người ta nêu tên để chửi cả gia đình mình. Có VAR thì các CLB cũng hết đường tranh cãi quyết định của trọng tài.
Những tình huống bắt việt vị của trọng tài thì anh em đều nói Văn Toàn là cầu thủ di chuyển rất khó bắt nhất của bóng đá Việt Nam hiện tại vì Văn Toàn rất nhanh.
Nhiều trận đấu các trọng tài cũng nghe trước về kết quả và nó diễn ra thật nhưng lại không thấy ai vào cuộc xem xét. Trọng tài đôi khi còn là cái cớ để các CLB đổ lỗi.
Một thực trạng khác của trọng tài năm nay là các trợ lý làm càn, nhảy bổ vào sân rất nhiều. Anh em trong nghề đã nhắc nhở nhau điều này và phải tỉnh táo, cũng điểm danh nhiều cái tên để đề phòng”.
Vị “vua áo đen” này cũng thẳng thắn thừa nhận việc không thể quán xuyến hết trận đấu, dù có các trợ lý trên sân hỗ trợ. Nếu Ban kỷ luật nếu vào cuộc xem băng quay chậm các trận đấu và phạt nguội cũng sẽ giúp ích trọng tài nhiều hơn, đó là một cách để đứng bên cạnh các “vua” sân cỏ.
Trở lại với Công Phượng và Mạnh Hùng, không chỉ có hai cầu thủ này được nhắc tên vì hình ảnh được phản ánh đến rộng rãi dư luận mà ở sân PVF mới đây, sự kiện HLV Hứa Hiền Vinh cũng đòi hỏi phải được Ban kỷ luật xem xét.
Từ V-League đến giải hạng Nhất đều có nhiều vấn đề nổi cộm, chung quy chỉ làm giảm nỗ lực xây dựng giải đấu chuyên nghiệp, bài bản hơn.
Đặc biệt, khi V-League và giải HNQG đang đi đến các vòng đấu đầy căng thẳng cuối lượt đi, tình hình sẽ trở nên mất kiểm soát nếu Ban điều hành, Ban kỷ luật không mạnh tay với hành vi xấu chơi của các cầu thủ, huấn luyện viên.
V.H
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất