Từ Công Phượng đến ASEAN Super League: Dấu hỏi năng lực chinh phục

29/10/2015 13:54 GMT+7 | Bóng đá Việt

(giaidauscholar.com) - Ngày 30/10, Công Phượng đi Nhật để đàm phán hợp đồng với CLB Mito Hollyhock và mới đây Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á công bố về một giải đấu mới mang tên ASEAN Super League dự kiến khởi tranh vào tháng 8/2016.

Đó chính là 2 cái tin vui trong bối cảnh cả nền bóng đá đang đặt cả kỳ vọng vào cái gọi là "Hội nghị Diên Hồng" nhằm thoát ra cơn khủng hoảng. Chỉ có điều, ngay ở 2 cái sự kiện được xem là vui này thì năng lực của cả nền bóng đá sẽ thêm một lần bị thử thách.

Đó là thứ năng lực chinh phục khi mà sân cỏ nội vốn đã chìm trong những thất bại cùng mặt trái của thứ bóng đá mãi mà chẳng thể "chính chuyên". Liệu cả Công Phượng lẫn ASEAN Super League có giúp bóng đá Việt có cơ hội thêm một lần "nở mặt"?

Công Phượng và "liều thuốc thử" J-League 2

Thực ra thì chuyện cầu thủ Việt "xuất ngoại" chẳng phải điều gì mới. Từ thời Huỳnh Đức sang khoác áo Lifan Trùng Khánh (Trung Quốc) hồi năm 2001 tới gần nhất là 5 tháng chơi cho Consadole Sapporo (Nhật Bản) tại J-League 2 Lê Công Vinh. Công Vinh cũng là cầu thủ Việt duy nhất tới nay 2 lần "xuất ngoại" với lần đầu là Leixoes (Bồ Đào Nha). Xen kẽ vào đó có còn có những Lương Trung Tuấn (chơi cho Cảng Thái Lan); Nguyễn Việt Thắng (Porto B); Nguyễn Hữu Thắng (LA Galaxy)...

Chỉ có điều hầu hết những chuyến "xuất ngoại" này đều mang hơi hướng thương mại khi gắn với những mặt hàng bán chạy trong nước kiểu xe máy, bia... không thì đơn giản là đi học việc, thậm chí là... trốn án kỷ luật.

Công Phượng có đủ sức chinh phục sân chơi J-League 2

 Bởi thế nên vụ chuyển nhượng của Công Phượng (nếu thành công) được xem là "chuẩn" hơn nhờ chuyên môn, thay vì những yếu tố bên lề. Thực tế là Mito Hollyhock từ năm 2014 đã dành sự quan tâm cho tài năng trẻ xứ Nghệ và những nỗ lực tiếp cận từ CLB Nhật Bản đã thành công với chuyến đi đàm phán hợp đồng của Công Phượng cùng đại diện Hoàng Anh Gia Lai.

"Xuất ngoại" bằng chính tài năng của mình, đó là điều mừng cho cả Công Phượng lẫn bóng đá Việt Nam. Tuy nhiên, thành công hay không, thì đó vẫn là còn là dấu hỏi lớn ngay cả khi bản hợp đồng được ký kết trong những ngày tới.

Tài năng của Phượng cũng như cả lứa U19 Hoàng Anh Gia Lai là không phủ nhận, nhưng nếu nhìn vào cuộc thử lửa mang tên V-League 2015 cũng như những màn thể hiện cụ thể của tiền đạo xứ Nghệ này từ màu áo CLB đến các đội tuyển quốc gia, thì dường như vẫn là chưa dù chỉ ở tầm trong nước.

Mito Hollyhock - đội bóng dạng "trung bình thấp" ở J-League 2, nhưng chắc chắn đó vẫn là cái sân chơi có đẳng cấp cao hơn V-League, bởi thế, chỉ cần có suất đá chính đã là thành công lớn với Công Phượng, chứ chưa nói đến chuyện tỏa sáng thế nào. 5 tháng - 9 trận - 380 phút - 2 bàn thắng - 2 thẻ vàng và 1 thẻ đỏ của Lê Công Vinh tại Consadole Sapporo đã nói lên tất cả thách thức này.

Và quan trọng hơn trong chuyến "Đông du" của mình, Công Phượng với tư cách tài năng xuất sắc hàng đầu, một sản phẩm mới của quá trình đào tạo bài bản, chuyên nghiệp đang phải gánh gánh nặng cho cả nền bóng đá quốc gia. Nếu Phượng không thành công, có lẽ phải còn lâu nữa chúng ta mới có "sản phẩm" đủ tốt để xuất khẩu sang những thị trường xịn và có lẽ chỉ Lào, hay Campuchia Legue là vừa sức mà thôi.

ASEAN Super League: Tốt nhưng khó

Đó là nhận định của HLV lão làng Lê Thụy Hải khi Thể thao & Văn hóa đặt câu hỏi liên quan đến bóng đá Việt Nam với sân chơi mà Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á sắp khai sinh - ASEAN Super League. Không khó để nhận ra những cái lợi thuần chuyên môn khi cầu thủ, đội bóng và cả nền bóng đá có thêm cơ hội cọ xát đỉnh cao ở những sân chơi mới, thay vì "cắm mặt cày cuốc" trên sân cỏ nội chỉ để hết mùa này, sang mùa khác lấy Cúp, cờ về "tự sướng" với nhau.

 Chỉ có điều, nếu đặt những quy định khá mới về ASEAN Super League cạnh thực trạng của V-League, thì đó lại là câu chuyện khó với bóng đá Việt Nam mà những bài học cũ vẫn còn chưa nguội. Từ đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, khi mà còn chưa có chỗ đứng dù chỉ ở tầm khu vực, nhưng các CLB đã sớm tham gia những Cúp C1, C2 châu Á (tiền thân của AFC Champions League và AFC Cup ngày nay). Nỗ lực ra biển lớn hồi ấy là có thật, nhưng sự hồ hởi sớm bị "dập tắt" bởi những trận thua thảm, quan trọng hơn là gánh nặng kinh phí, lực lượng là quá nặng khiến việc tham dự sân chơi này chỉ còn mang tính nghĩa vụ.

 Và tới nay, dù đã chuyên nghiệp đến 15 năm, gánh nặng ấy vẫn chẳng nhẹ đi chút nào bất chấp một vài CLB mạnh trong nước, điển hình như nhà vô địch V-League B. Bình Dương đủ sức để chơi. Vậy nên, khi thông tin về ASEAN Super League xuất hiện, dễ hiểu là sự tiếp nhận của các đội bóng là khá rụt rè. Duy trì kinh phí, lực lượng để chơi giải quốc nội và nếu có thứ hạng cao sẽ thêm AFC Cup, hoặc AFC Champions League đã là bài toán quá khó trong bối cảnh khó khăn hiện tại, nói gì đến việc xây dựng hẳn một đội bóng "mới tinh" cùng khoản kinh phí chẳng hề nhỏ để "bay đi, bay lại" đá League của khu vực.

 Cũng theo HLV Lê Thụy Hải, để tham dự ASEAN Super League buộc phải cần sự chung tay giữa Liên đoàn bóng đá Việt Nam và các CLB. Nhưng xét trên hoàn cảnh thực tế hiện nay, khả năng các đội bóng trong nước "đùn lại" cho Liên đoàn giải đấu này là rất lớn. Đó là chưa kể sự thiếu ổn định của bóng đá Đông Nam Á, khu vực vốn bị coi là vùng trũng trên bản đồ bóng đá thế giới. Nên nhớ, vào năm 2004 cũng đã từng có giải AFF Club Championship theo kiểu Champions League, nhưng rồi giải tán sau có 2 lần tổ chức mà ở đó 1 lần Hoàng Anh Gia Lai dính chuyện "tố nhau" bán độ!


Vũ Minh
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm