01/10/2015 12:53 GMT+7 | Bóng đá Việt
(giaidauscholar.com) - Nếu Mito Hollyhock FC phải xuống chơi giải hạng Ba Nhật Bản thì nhiều khả năng HAGL sẽ phải tính lại bản hợp đồng vừa đạt được (giả sử có thật) với CLB Nhật Bản trong việc đưa cầu thủ tốt nhất của mình qua Nhật Bản thi đấu, dù phía đối tác sẽ vẫn đảm bảo các yêu cầu về tài chính. Nhưng giải hạng 3 của Nhật Bản vẫn có thể là môi trường phấn đấu lý tưởng cho Phượng.
Hẳn chúng ta còn nhớ bài trả lời truyền thông Nhật Bản từng gây sốc dư luận của HLV Toshiya Miura: V-League cũng chỉ cỡ giải phong trào ở xứ hoa anh đào thôi.
Tại sao luôn là Công Phượng?
Tuấn Anh là cầu thủ trẻ xuất sắc nhất Việt Nam năm 2014, đồng thời là chủ nhân danh hiệu Cầu thủ hay nhất của HAGL ở V-League 2015, giải đấu mà "những đứa trẻ của bầu Đức" chỉ được xem như những môn sinh ở buổi đầu nhập môn. Trong con mắt của những người làm chuyên môn, Tuấn Anh cũng là cái tên khá nhất, sau đó là Xuân Trường, rồi mới đến Công Phượng của lứa U19.
Vậy, tại sao luôn là Phượng, người tạo ra được từ khoá tìm kiếm nổi tiếng nhất nhì nền bóng đá từ 2 năm qua? Chắc chúng ta chưa từng quên, Phượng từng là tiểu tướng tiên phong trong nhóm 4 cầu thủ trẻ của Học viện HAGL Arsenal JMG được gửi qua trung tam huấn luyện của Arsenal học việc cách đây vài năm. Khi chuẩn bị xuất xưởng lứa đầu tiên này, người của HAGL cũng từng rao, vài đội bóng ở Nam Âu đã dạm hỏi mua.
Nhưng vào thời điểm đó, Tuấn Anh lại dính chấn thương nặng phải lên bàn mổ. Bầu Đức một mặt phải nói lời từ chối các CLB (theo lời ông), mặt khác quyết định giữ lại toàn bộ lứa cầu thủ trẻ tài năng này ở lại Việt Nam, cho học Đại học và đá V-League, để tiện phục vụ tham vọng của các ĐTQG, mà như khẳng định của bầu Đức, bao giờ thắng được Thái Lan, giành HCV SEA Games và vô địch Đông Nam Á mới thôi.
Và giờ, như một thói quen, bầu Đức lại thay đổi, rằng Công Phượng phải ra nước ngoài thi đấu, để tránh sức ép từ giới truyền thông, sức ép mà ai cũng hiểu, được tạo ra bởi chính ông và thuộc cấp. Công Phượng xứng đáng và nên được tạo môi trường phấn đấu tốt hơn, để phát triển tài năng và để mở ra một kỷ nguyên mới về xuất khẩu cầu thủ, tiêu chí đầu tiên mà bầu Đức hướng tới, khi mở Học viện. Nhưng đừng biến Phượng thành công cụ hay đòn bẩy.
Hạng Ba thì đã làm sao?
Một bộ phận trong chúng ta ngồi đây và luôn có thói quen đoán già đoán non, thậm chí là phán xét thiếu cơ sở về những phạm trù, địa hạt ngoài khả năng thẩm định. Về mặt đẳng cấp sân chơi, giải hạng Ba Nhật Bản chắc chắn thấp hơn J-League 1 và 2, nhưng chắc gì đã thua V-League và hạng Nhất ở Việt Nam? Nếu không cho đăng ký ngoại binh thì hạng Nhất QG chẳng khá hơn giải phong trào là mấy, không tin ư?
Khi Học viện của bầu Đức bước đầu tạo được tiếng vang ở các giải đấu trẻ cấp khu vực, giao hữu hoặc chính thức, người trong cuộc cũng bắt đầu thêu dệt những tham vọng chinh phục bằng chỉ hơn chục cầu thủ trẻ?! Giấc mơ châu lục và thậm chí World Cup cũng đã được nhắc tới, chứ đừng nói chuyện bá chủ Đông Nam Á. Với thời gian qua đi, với rất nhiều bài học, chúng ta đã thực tế hơn nhiều rồi. Bóng đá trẻ khó nói lắm.
Tại Trung Quốc hay Thái Lan, có cả chục thậm chí hàng trăm những lò đào tạo như Arsenal JMG liên kết với HAGL, hay như VPF hoặc nữa là Viettel, nhưng cơ thể ĐTQG của họ chưa thể nói là tráng kiện được, dù là tố chất cầu thủ của họ vẫn hơn hẳn Việt Nam. Vậy thì làm sao một Học viện có tuổi đời non trẻ lại dám vỗ ngực xưng tên và tại sao truyền thông, rồi người hâm mộ cứ mải miết đổ mắt vào đó?!
Khách quan mà nói, việc ra nước ngoài thi đấu, ngay cả qua Lào, thì cũng là cơ hội học hỏi, cơ hội phát tiết tài năng độc lập, thay vì mãi mãi được o bế. Người xưa dạy, đi một ngày đàng học một sàng khôn, không bao giờ sai cả.
Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất