02/10/2015 11:25 GMT+7 | Bóng đá Việt
(giaidauscholar.com) - Chủ đề của ông chủ quán cà phê tuần này với một HLV bóng đá là về việc Công Phượng sẽ sang Nhật chơi bóng ở giải hạng nhất.
+ Ông chủ quán: Chúng ta nên vui hay buồn trước sự kiện này?
-Huấn luyện viên: Tôi không trả lời thay cho tất cả mọi người, nhưng với tôi, cũng không có gì đặc biệt. Công Phượng thuộc lứa cầu thủ được đào tạo với quảng cáo ban đầu từ phía HAGL là để bán sang châu Âu, thu về tiền triệu USD. Nay chỉ sang Nhật, lại chơi ở giải hạng nhất. Và có giá chỉ 100 ngàn USD.
+ Vậy là "lịch sử" xuất khẩu cầu thủ của bóng đá Việt Nam sau 15 năm với điểm xuất phát là Huỳnh Đức sang đầu quân cho đội bóng Lifan Trùng Khánh không có gì khác biệt?
-Khác biệt nếu có ở đây chỉ là ngày xưa dân ta đi xe máy Trung Quốc nhiều tới nỗi Việt Nam trở thành thị trường tiềm năng và cái hãng xe Lifan đó muốn khuếch trương thương hiệu để chiếm thị phần. Nay thì dân ta nhiều người vẫn đi xe máy, nhưng không còn đi xe Trung Quốc nhiều nữa, mà quay trở lại xài xe của Nhật, mua thêm xe của Ý, nhưng tiếc là không có đội bóng nào có nhà tài trợ với mấy hãng xe đó để họ chọn Công Phượng cho sang Ý chơi bóng.
Lê Công Vinh từng có trải nghiệm quý giá tại Nhật Bản khi thi đấu cho Consadole Sapporo năm 2014. Ảnh: Phạm Tuân
Công Vinh sang Nhật nhờ chúng ta có một thành tích không lấy làm tự hào là "cường quốc về bia ở châu Á", nên chỉ sau khi anh ấy sang đầu quân thì cái hãng bia Nhật đó ồ ạt xuất hiện trên thực đơn bia của nhiều quán nhậu hạng sang. Công Phượng sang với CLB Mito lần này không rõ có trở thành nhát cuốc mở đường cho một nhãn hàng nào đó của Nhật tiếp cận với thị trường Việt Nam hay không, nhưng hợp đồng kéo dài chỉ 1 năm và ở một đẳng cấp đó thì cũng khó.
+ Một năm hợp đồng thường nói lên điều gì thưa HLV?
-Một năm là quãng thời gian thường dành cho loại cho mượn cầu thủ, kiểu như khi anh chưa đủ khả năng để đứng trong đội hình chính của CLB chủ quản thì được đem gửi tới một CLB nhỏ hơn, ở giải VĐQG không quá khắc nghiệt để tìm kiếm cơ hội chơi bóng, tích lũy kinh nghiệm. Nếu nói rằng V-League lớn hơn hạng nhất của Nhật thì e rằng khó thuyết phục.
Đội bóng của Nhật nếu cho rằng Công Phượng là cầu thủ xuất sắc, có thể giúp đội bóng này vươn lên một tầm mức mới trong khi hiện tại họ chỉ là CLB lẹt đẹt ở cuối bảng xếp hạng giải hạng nhất của Nhật với 34 trận đã đấu, chỉ thắng được 7 và thua tới 16 trận thì họ có thể ký hợp đồng dài hơi hơn. Một năm có thể phù hợp với một cú áp phe thương mại, và cũng không có nguy cơ làm thui chột một cầu thủ nếu như anh ta không được ra sân thường xuyên.
+ Liệu có khả năng nào CLB Mito xuống hạng?
-Với một giải đấu có 22 CLB và còn 8 trận đấu nữa, trong khi chỉ hơn đội đứng ở vị trí rớt hạng 3 điểm thì điều gì cũng có thể xảy ra. Nếu Mito FC rớt hạng mà hợp đồng không thể "xé" thì Công Phượng sẽ chơi ở giải hạng 3 của Nhật.
+Nếu thế thì nền bóng đá Việt Nam khó trông đợi được gì lớn từ chuyến du học này của Công Phượng?
-Xuất khẩu cầu thủ với các nền bóng đá chưa phát triển được chờ đợi là để nâng tầm đội tuyển quốc gia. Như chính Nhật Bản, họ có một đội tuyển quốc gia hàng đầu châu lục, có khả năng cạnh tranh ở vòng bảng World Cup, chơi sòng phẳng với nhiều đội tuyển ở châu Âu là nhờ họ có hàng loạt các cầu thủ đang chơi bóng ở những giải đấu hàng đầu của Italy, Đức, Anh.
Công Phượng rời V-League 1 năm là để tránh những áp lực và thị phi không đáng có
+Vậy thì tại sao bầu Đức lại để cho Công Phượng sang Nhật?
-Nói tiếp về chuyện hợp đồng 1 năm. Nếu xét về giấy tờ thì nó chỉ có thể là hợp đồng cho mượn. Nếu là hợp đồng chuyển nhượng, thì Công Phượng sẽ không còn là người của HAGL. Bầu Đức có thể mất cầu thủ này vào tay CLB khác nếu như trong hợp đồng giữa họ không có điều khoản ràng buộc, cho phép HAGL mua lại Công Phượng.
Nhưng tôi quan tâm tới khía cạnh chuyên môn hơn. Công Phượng rõ ràng đã không có một mùa giải thành công ở lần đầu tiên chơi tại V-League. Ngay cả khi nói rằng cầu thủ xuất sắc nhất của HAGL không phải là Tuấn Anh như đã bầu chọn thì giải thưởng đó cũng không thể thuộc về Công Phượng mà có thể là dành cho Hoàng Thiên. Công Phượng có tiềm năng, có những phẩm chất của một cầu thủ đặc biệt, nhưng rõ ràng Phượng phải thay đổi để thích ứng với một giải đấu như V-League. Sang Nhật có thể là sự giải thoát, để tránh cho Phượng bị cùn đi trong khi nguy cơ anh bị chi phối bởi những chuyện ngoài sân cỏ là rất rõ ràng.
+HAGL liệu có thể xuất khẩu thêm cầu thủ nào ra nước ngoài, và khi nào bóng đá Việt Nam có được một số lượng nhiều hơn các cầu thủ xuất ngoại tới những nền bóng đá phát triển vì những lý do chuyên môn thuần túy?
-Nếu nói rằng có thêm cầu thủ nào của HAGL sang Nhật chơi bóng một cách thực thụ thì hơi khó. Và đây cũng chính là câu trả lời cho câu hỏi khi nào có một làn sóng cầu thủ Việt xuất ngoại. Lò đào tạo HAGL được coi là chuẩn mực về đào tạo, với quy trình huấn luyện "nhập khẩu", nhưng cũng không thể sản sinh ra những cầu thủ có đẳng cấp vượt trội.
Chúng ta sẽ phải chờ tới khi có nhiều lò đào tạo khác mà họ đào tạo liên tục các lứa, chú trọng tới yếu tố thể hình, thể lực và cả kỹ chiến thuật. Học viện HAGL đã làm cực kỳ hoàn hảo vai trò tạo nên cú hích cho cả một nền bóng đá. Nhưng cả một nền bóng đá thì không thể trông chờ ở họ.
Thể thao & Văn hóa cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất