Từ cơn sốt tới cú sốc Giọng hát Việt

11/09/2012 06:08 GMT+7 | Truyền hình thực tế


(TT&VH Online) - Đoạn ghi âm cuộc điện thoại được cho là giữa một thí sinh The Voice và nhạc sĩ Phương Uyên (Giám đốc âm nhạc của chương trình này) đã trở thành scandal mới nhất của làng game show Việt.

1. Nghe đoạn ghi âm đang lan tràn trên không gian mạng, người ta sẽ thấy họ trao đổi về việc nên chọn bài hát nào có lợi cho mình – cũng như gây bất lợi cho đối thủ.

Còn tôi, tôi tự hỏi những gia đình có người thân thi The Voice  đang nghĩ vào lúc này?

Giả sử con của anh/chị có năng khiếu ca hát. Và anh/chị dù hết sức thuyết phục nó chuyên tâm học hành, cô/cậu bé ấy vẫn nhất quyết theo đuổi con đường ca hát mà nó say mê.

Giả sử nó hăm hở xin dự thi The Voice với hi vọng mở ra một hướng đi mới cho cuộc đời mình.

Giả sử nó vượt qua vòng Giấu mặt trong tiếng vỗ tay vang dội của khán giả, trong những lời tung hô lên tận mây xanh của các HLV với những cụm từ “một chiến binh”, “một con át chủ bài”.

Giả sử, tới vòng Đối đầu, chiến binh ấy dù trình diễn không tồi nhưng bất ngờ trở thành bại binh. Và giả sử nữa, trên mạng bắt đầu rò rỉ những bằng chứng nghi ngờ BTC đã dàn xếp kết quả từ đầu.

Tâm trạng của anh chị lúc này thế nào?

Dễ hiểu nhất, là cha mẹ, anh chị sẽ cảm thấy vô cùng đau lòng khi phải chứng kiến nỗi thất vọng của con cái.

Cũng có thể, sau sự đau lòng ấy, anh chị bắt đầu mừng vì con mình bây giờ sẽ phải trở về với con đường học hành mà bố mẹ đã vạch ra.

Và cá biệt, bên cạnh cả 2 tâm trạng ấy, anh chị cũng có chút hả hê, vì ít nhất The Voice đã dạy cho con mình bài học đầu đời: không phải cứ có tài là thành công. Giống như, không phải sự trung thực nào cũng được đáp lại bằng sự trung thực!

2. The Voice ban đầu được giới thiệu là cuộc thi đề cao giọng hát. Ở vòng Giấu mặt, ban HLV không được phép nhìn mặt thí sinh, chỉ được phép nghe giọng chọn người. Riêng chuyện này chưa từng xuất hiện ở bất kỳ game show nào mà Việt Nam phát sóng từ trước.

Bởi thế khán giả càng thêm tò mò. Hơn nữa, họ cũng đã chán ngấy các chương trình thiên vị cho các thí sinh có hình thức đẹp, giọng hát bình thường. Đã có nhiều chương trình chọn ra một quán quân nhưng lại không thuyết phục được công chúng bằng giọng hát.

Bởi thế The Voice được kì vọng rất nhiều.

Để rồi vào vòng Đối đầu thì The Voice lộ mặt.

Ở vòng này, hát hay không quyết định tất cả.  Sự khốc liệt nằm ở chỗ thí sinh cùng một đội phải bắt cặp và loại lẫn nhau. Sẽ ra sao khi sở trường của bạn không phải tiếng nước ngoài nhưng BTC lại chọn cho bạn ca khúc tiếng Anh và bắt bạn hát thi đấu với một thí sinh chuyên “trị” các ca khúc tiếng Anh?

Qua 2 tập Đối đầu, rất đông khán giả đã thắc mắc trường hợp Thanh Thủy – người có giọng hát rất ổn nhưng lại bị loại trước một Bảo Anh xinh đẹp. Và Ksor Đức, người chưa hát tiếng Anh bao giờ lại phải đấu với một Huỳnh Anh Tuấn đã quá quen thuộc xử lý các ca khúc tiếng Anh.

Sự nghi ngờ lớn dần lên: phải chăng những thí sinh có ngoại hình và duyên sân khấu có khi lại là người được HLV chọn “đi đường dài”?

Bây giờ, những nghi ngờ ấy chỉ là quá "khiêm tốn" so với thực tế. Cứ nghe đoạn clip sẽ thấy.

3. Vậy, nếu bạn là phụ huynh, bạn có cho con đi dự thi ở các Gameshow truyền hình nữa không, sau câu chuyện này?

Còn tôi, tôi vẫn sẽ cho các con mình đi thi. Ít nhất, cháu cũng được lên hình, cũng được làm một cái gì đó mà mình say mê. Còn thắng thua, hãy xác định là chuyện may rủi!

Hãy hiểu: cuộc thi nào cũng có luật chơi. Và luật chơi nào cũng kèm theo vô số “luật rừng”! Phụ huynh cần tỉnh táo, để đừng rơi vào trường hợp của gia đình bé Quỳnh Anh trong Vietnam’s Got Talent 2011.

Hãy tỉnh táo: The Voice cũng chỉ là một cuộc chơi trong thời của game show. Nếu tài năng của bạn không được The Voice ghi nhận thì cũng chẳng thành vấn đề, bởi chắc chắn sẽ có ngày bạn tỏa sáng – miễn là bạn sở hữu tài năng theo đúng nghĩa của từ ấy.

Cuộc đời còn nhiều điều đáng buồn và đáng suy nghĩ hơn, cho dù bạn hoặc con bạn không đạt kết quả tốt khi tham dự The Voice đi nữa.

Còn nếu bạn chỉ là khán giả và bạn ấm ức, vậy thì câu chuyện càng đơn giản hơn.

Hãy tắt TV đi. Đây không phải lần đầu khán giả chúng ta bị các loại truyền hình thực tế và truyền hình thực tế (dàn dựng) đối xử thiếu tôn trọng!

Hải Diệp

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm