Công Vinh vẫn là số 1, dù yêu hay bị ghét

11/11/2016 18:39 GMT+7 | Bóng đá Việt

(giaidauscholar.com) - Công Vinh, người mang băng thủ quân của ĐTVN chuẩn bị bước vào AFF Cup 2016 đã cần tới gần chục năm nỗ lực và hàng loạt những kỷ lục để có được sự thừa nhận rộng rãi.  

Khát vọng mở ra cánh cửa

Năm 2003, khi những cầu thủ trẻ xuất sắc của SLNA được gọi lên tuyển thì Công Vinh chỉ cùng với những cầu thủ như Phan Như Thuật, Phan Thanh Hoàn… ở lại CLB để chơi JVC Cup – một giải tứ hùng có thêm cả đội tuyển.

Phong độ chói sáng ở giải đấu ấy, Công Vinh giúp SLNA lên ngôi vô địch, HLV Hữu Thắng có chiếc cúp đầu tay , và anh cũng tự đưa mình tới với ông Alfred Riedl và ông thày người Áo điền tên Vinh vào danh sách đội tuyển U23 sau đó trổ tài ở SEA Games 2003.

Đội tuyển U23 khi ấy có những chân sút mang dáng vẻ khác nhau, từ Văn Quyến thiên bẩm tới Thanh Bình già trước tuổi và là vua của những pha băng cắt đánh đầu, và cả Phúc Lâm không chiến cừ khôi, nhưng Công Vinh vẫn có vị trí và ghi được 1 bàn thắng vào lưới U23 Lào. 


Công Vinh vượt lên trên mọi sự nghi hoặc, đố kị để khẳng định vị trí số 1

Soán ngôi của Huỳnh Đức khi mới 19 tuổi

Có vị trí ở U23 và cũng thường trực một suất ở đội tuyển dù cho ông Alfred Riedl không được gia hạn hợp đồng và người đến tiếp quản là ông Edson Tavarez. AFF Cup đầu tiên mà Công Vinh có trải nghiệm lại là giải đấu mà Văn Quyến bị loại vì thói vô kỷ luật.

Công Vinh được xếp chơi ở hành lang cánh trái, Bảo Khanh cánh phải còn Huỳnh Đức là mũi nhọn cao nhất ở trung tâm. Đó là sự kết hợp tương tự như những gì đang xảy ra ở đội tuyển hiện nay, giữa kinh nghiệm và sức trẻ.

Nhưng nó còn là một cuộc chuyển giao giữa Huỳnh Đức với Công Vinh liên quan tới cái danh vị tiền đạo số 1 Việt Nam và cả tầm ảnh hưởng ở trong đội tuyển. Trước khi Công Vinh nổi lên thì Huỳnh Đức là tiền đạo ghi nhiều bàn nhất cho đội tuyển. 12 năm trước, khi ông Tavares bận bịu thì ông giao cho Huỳnh Đức làm trợ lý, còn Công Vinh hôm nay, nhiều lúc phải hỏi có phải đây là một cầu thủ kiêm trợ lý khi HLV đội tuyển là Hữu Thắng.

Nhưng quan trọng nhất, sự tỏa sáng của Công Vinh trong màu áo đội tuyển khi ấy thậm chí còn giúp anh đoạt Quả bóng Vàng đầu tiên khi mới 19 tuổi, và để rồi sau đây sánh ngang kỷ lục ba lần QBV của bóng đá Việt Nam. Còn Huỳnh Đức từ giã đội tuyển mà không còn nhiều điều luyến tiếc.

Vượt lên sự ám ảnh so sánh với Văn Quyến

Sự trở lại của ông Alfred Riedl đã đưa Văn Quyến trở lại với màu áo đội tuyển U23. Và nó vô tình tiếp nối sự so sánh mà người ta đã bắt đầu đưa ra cách đó hai năm rằng liệu Công Vinh được mấy phần của Văn Quyến.

Đó là sự so sánh không bao giờ có kết quả cuối cùng làm thỏa mãn được tất cả. Vì hai cầu thủ chỉ hơn kém nhau một tuổi (sinh 1984 và 1985) thuộc về hai mẫu hoàn toàn trái ngược: Một người dựa vào tố chất thiên bẩm, có lối chơi quyến rũ tới mức đánh gục bất cứ những ai khó tính nhất; Một người luôn nỗ lực để tiến bộ và tìm kiếm những cơ hội và không để những cơ hội đó trôi qua.

Sự so sánh ấy dù sao cũng tạo nên những ám ảnh. Công Vinh thể hiện sự thất vọng bằng cách đập đầu vào tường khi anh không thể là lựa chọn số 1 hay số 2 khi ông Alfred Riedl có trong tay Văn Quyến và Thanh Bình. Nó sau đó trở thành động lực trong những buổi tập luyện như điên trước thềm SEA Games.

Trên sân tập Thành Long một buổi chiều đầy nắng, Công Vinh là người thực hiện tốt nhất bài sút cầu môn mà khi bóng rời chân là bay với tốc độ nhanh và quỹ đạo khó chịu. Ông Riedl đứng ngoài sân sau khi đùa với Vinh rằng đó chỉ là những cú sút ăn may đã chia sẻ với phóng viên rằng những cú sút tập như thế tất sẽ trở thành những bàn thắng.

Và Công Vinh ghi bàn ấn định tỉ số 2-1 ở SEA Games 2005 trước Malaysia ở bán kết. Đó là giải đấu cuối cùng để người ta thấy rằng sự so sánh giữa Công Vinh và Văn Quyến là phù phiếm trong khi sự kết hợp giữa hai cá nhân ấy tạo nên một trong những bộ đôi tiền đạo hay nhất lịch sử BĐVN và có thể để lại dấu ấn ở khu vực. Nói là cuối cùng vì những gì xảy ra sau đó với Văn Quyến là một trong những chương đen tối của BĐVN và cá nhân cầu thủ này.  

Cầu thủ lớn của những trận đấu không nhỏ

Sự vươn lên của Công Vinh chưa trọn vẹn khi anh bị mỉa mai là cầu thủ của những trận đấu nhỏ. AFF Cup 2004 anh im tiếng ở những trận quyết định. SEA Games 2005 anh không để lại dấu ấn trong trận chung kết mà Thái Lan thắng 3-0. AFF Cup 2007 Công Vinh cũng chỉ ghi bàn ở vòng ngoài còn khi đấu với Thái Lan hai lượt ở bán kết thì anh tịt ngòi (Thái Lan thắng chung cuộc sau hai lượt 2-0).

Phải tới 2007 thì Công Vinh mới bắt đầu khẳng định được ở những trận đấu quan trọng, trước những đối thủ tầm cỡ hơn. Cú lốp bóng qua đầu thủ môn khi Việt Nam thắng UAE ở VCK Asian Cup 2007 trên sân Mỹ Đình là như thế.

Tới AFF Cup 2008, Công Vinh còn làm được nhiều hơn thế, khi lần đầu tiên ghi những bàn thắng trong những trận chung kết quan trọng trong màu áo đội tuyển. Giải đấu ấy, Công Vinh tịt ngòi trong thời gian dài, là tâm điểm bên cạnh ông Calisto trong cơn bão chỉ trích khi đội tuyển không thắng hoặc thắng rất thiếu ấn tượng. Nhưng pha châm ngòi của Công Vinh cho Quang Hải ghi bàn ở trận bán kết lượt về trước Singapore trên sân Kallang đã mở ra một chương mới.   

Công Vinh quyết giải nghệ, bất chấp kết quả AFF Cup

Công Vinh quyết giải nghệ, bất chấp kết quả AFF Cup

Lê Công Vinh một lần nữa khẳng định anh sẽ giải nghệ trong năm 2016 bất chấp kết quả thi đấu của tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2016.

Vài ngày sau đó, Công Vinh ghi bàn trong trận chung kết lượt đi ở Bangkok vào lưới Thái Lan. Và thêm vài ngày sau nữa, Công Vinh lắc đầu lái bóng vào góc cao vẫn của Thái Lan ở Mỹ Đình để đưa BĐVN lên một tầm cao mới, bước sang một chương mới, để cho hàng triệu người hâm mộ được vỡ hòa trong một bầu không khí chưa từng có ở đất nước này qua nhiều năm.

Niềm vui ấy làm nhiều người trong số chúng ta quên đi rằng mình đã từng gọi Công Vinh là ngôi sao của những trận đấu nhỏ, và chấp nhận một thực tế rằng không còn chân sút nào có thể xuất sắc hơn Công Vinh trong giai đoạn đó và về sau.

Tấm băng đội trưởng ở đội tuyển

Vai trò của Công Vinh ở đội tuyển được mặc nhiên thừa nhận như thế. Bất cứ HLV nào, dù nội hay ngoại, khi tới đội tuyển cũng đều chọn Công Vinh cho một vị trí nào đó ở trên hàng công. Hoặc là ở trung tâm hoặc là ở cánh, bởi Công Vinh rõ ràng là một tiền đạo tương đối toàn diện.

Tầm ảnh hưởng của Công Vinh cũng là một điều đáng kể khác dù cho như một “truyền thống” của đội tuyển là những ảnh hưởng của các cá nhân quan trọng đôi khi không thể giúp cho đội tuyển trở thành một khối.

Sức ảnh hưởng ấy của Công Vinh được thừa nhận để khi Minh Phương giã từ đội tuyển sau AFF Cup 2010 thì tấm băng đội trưởng được chính thức trao cho cầu thủ người Nghệ An.

Làm đội trưởng đội tuyển ở giai đoạn trẻ hóa có thể không phải là quá nhiều thách thức, nhưng nó cho thấy anh là biểu tượng cho sự dìu dắt một thế hệ trẻ, những dòng máu mới chảy trong đội tuyển. Nó là trọng trách lớn hơn việc anh tự phá kỷ lục 47 bàn thắng sau 76 lần khoác áo đội tuyển của chính mình.


Vĩnh An
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm