15/10/2015 13:27 GMT+7 | Các ĐTQG
(giaidauscholar.com) - “Tôi đã đọc ở trên mạng và cảm thấy rất ấn tượng với một bình luận của một CĐV, rằng khi đội tuyển Việt Nam bước vào trận đấu luôn có khoảng 80 triệu HLV, những anh hùng bàn phím, thấp thỏm, hồi hộp. Không hẳn hầu hết trong số họ lo đội bóng thất trận, mà chỉ chực chờ điều tồi tệ để rồi lên lớp”, nguyên văn một trong số những câu trả lời phỏng vấn của tiền đạo đội trưởng Lê Công Vinh, ngay sau trận hoà Iraq tỷ số 1-1. Phóng viên Thể thao & Văn hoá cuối tuần cũng đã ở đó.
Trước đó nữa, Công Vinh cũng từng phát biểu một câu gây sốc khác, đại ý rằng nghĩ đến việc thắng Iraq là ảo tưởng. Dường như đã có chút hằn học trong Vinh suốt một thời gian dài qua, khi đội tuyển Việt Nam phải hứng chịu rất nhiều chỉ trích từ các dư luận viên... Nhưng liệu, Công Vinh, thân là đội trưởng đội tuyển, có đúng mực trong các phát ngôn của mình?
Quyền được nói
Là đội trưởng, Công Vinh thường xuyên được HLV Miura chỉ định sẽ là người trả lời phỏng vấn báo chí, trước và sau trận đấu. Là Công Vinh, chứ không phải bất kỳ cái tên nào khác, mới dám đề cập trực diện đến những tồn tại, thay vì tô hồng. Và với Vinh, một bộ phận cánh phóng viên có thể yên tâm sẽ làm đầy và dầy thêm được các trang báo đọc… được. Chúng ta nên sòng phẳng với nhau như thế.
Hoa hậu phải giữ được sự chuẩn mực trong phát ngôn, cũng như hình ảnh, bởi họ là hình ảnh đại diện. Người của công chúng cũng thế, đặc biệt là những ca sỹ, diễn viên, người mẫu nổi tiếng. Bóng đá, một địa hạt rất nhỏ của xã hội, nhưng cũng không phải ngoại lệ, bởi nếu muốn phát triển nền bóng đá một cách có căn cơ, nó cũng cần những chuẩn mực. Một trong số đó là đạo đức sân cỏ, sự định hướng.
Dư luận nảy sinh nhiều tranh cãi xung quanh những phát biểu của Công Vinh sau trận hòa Iraq 1-1. Ảnh: V.S.I
Đáng tiếc là nhiều khi chúng ta thiếu hoặc không đạt đến sự chuẩn mực, đặc biệt là chuẩn mực trong phát ngôn. Từ những phát ngôn của bầu Đức (được báo giới trích dẫn dù ông... không nhận!), tới các ông bầu khác, rồi HLV, chuyên giả và kể cả cầu thủ... tiếc là... lời nói gió bay!
Xét về bối cảnh, việc Công Vinh nói thắng Iraq là điều không tưởng, là phi thực tế, trước trận đấu quan trọng này, theo anh, là một cách giảm thiểu áp lực cho đội bóng, chứ không phải hèn, không phải chưa đánh mà hàng. “Tôi đã đối đầu với Iraq và biết họ mạnh đến đâu. Chúng ta hoàn toàn có thể rơi vào hoảng loạn, vỡ trận, nếu không chế ngự được cảm xúc”, Công Vinh chia sẻ với người viết.
Thực tế là, đội tuyển Việt Nam đã không thể có chiến thắng trước Iraq trong một trận đấu mà Công Vinh vừa là người hùng, cũng vừa có chút tội đồ. “Tôi thực sự cảm thấy rất, rất tiếc và tôi xin lỗi người hâm mộ. Tôi đã có thể làm tốt hơn thế, nhưng tôi đã kiệt sức…”, vẫn lời Công Vinh.
Theo dõi toàn bộ diễn biến cuộc trả lời phỏng vấn của Công Vinh với VTV ở Mỹ Đình sau trận đấu ấy, đồng thời Phóng viên Thể thao & Văn hoá cuối tuần cũng đã ngồi lại với Vinh rất lâu sau đó, để nghe thêm những chia sẻ. “Tôi nói như thế rồi và thế có được không? Người ta chỉ biết chỉ trích và chỉ trích, thay vì động viên, cổ vũ. Chỉ có 10 ngàn khán giả đến sân hôm nay, nhưng đó là những người chúng tôi cần nhất”.
Không hẳn là, sau một trận đấu thăng hoa, Vinh quay qua hằn học, chì chiết, thậm chí là nhiếc mắng số đông, mà nó là sự tích tụ những bức bối, bực dọc trong người suốt một thời gian dài, chực đến thời điểm nào đó nó bùng ra. Tất nhiên, người nghe cũng chẳng mấy vui vẻ gì và hình như VTV cũng không phát lại đoạn thoại ấy trên sóng truyền hình.
Và…
Một số trong chúng ta có lẽ đã từng đọc (truyện) hoặc xem qua các thước phim Bố Già kinh điển của ngành công nghiệp điện ảnh Mỹ. Nếu rồi, thì hẳn cũng đã được đọc hoặc nghe những lời căn dặn, dạy dỗ con cái của Bố Già 1 (tức Vito Corleone, do Marlon Brando gạo cội thủ vai). “Nếu không chăm sóc tốt được cho gia đình mình, thì đó không phải là đàn ông”, đây là một trong số những điển tích như thế.
Hoặc nữa, tại buổi họp các gia đình mafia ở New York, Vito Corleone đã đứng phắt dậy và rằng: “Tôi xin lỗi các gia đình ở đây, bởi đã không dạy con cái đến nơi đến chốn. Chúng cứ thích hành động theo ý muốn, thích phát biểu khi đáng ra cần phải im lặng để lắng nghe”. Đấy là thời điểm mà người con cả của Bố Già, Sonny Corleone, người được nhắm tới sẽ kế nghiệp cha, nhanh nhảu phát ngôn mà chưa đưa tay, xin phép.
Trở về sau cuộc họp các gia đình, mà kết quả của nó có thể “thay đổi cả thế giới” ấy, Vito tát như trời giáng vào mặt người con cả. “Con bị làm sao thế Sonny? Đừng bao giờ cho người khác biết chuyện làm ăn của gia đình mình”, Vito Corleone căn dặn… Các câu chuyện về những điển tích từ bộ phim ăn khách này, có liên đới gì đến bóng đá, Công Vinh và đến những vấn đề mà chúng ta đang đề cập ở đây không?
Sẽ thôi không bàn đúng, sai hay sự chuẩn mực trong lập ngôn nữa, Công Vinh có thể đã không thật khôn ngoan như thường thấy, trong việc chọn thời điểm để đưa ra những phát biểu gây tranh cãi. Người chia sẻ có, kẻ “ném đá” cũng nhiều, bởi suy cho cùng, chiều được lòng thiên hạ, bạn phải là… thánh nhân, chứ không phải người thường. Giữa muôn trùng vây, Công Vinh đã chọn sự gai góc, thay vì chỉ biết xù lông.
Cao nhân dạy, nếu im lặng bạn có thể học được vài điều mới mẻ, còn nói ra, chỉ là lặp lại những điều đã biết. Im lặng là một loại trí tuệ, còn nói chỉ đơn thuần là một loại năng lực… Tức là im lặng không phải hèn. Vấn đề là, rất thường xuyên con người luôn có nhu cầu phát biểu, lập ngôn và với vai trò của Công Vinh, đội trưởng ĐTQG có thể nói là mẫu mực bậc nhất, phát ngôn còn là nhiệm vụ được giao phó.
Và nữa, Công Vinh cũng đâu hoàn toàn vô lý?! Bóng đá là môn thể thao dành cho những người đàn ông dũng cảm, những chiến binh, ở đó, họ sẽ phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, và khôn ngoan hơn, họ sẽ không đối đầu với những điều không đáng.
Câu trả lời đúng nhất, khôn ngoan nhất chính là trên sân cỏ, thay vì trước cái nắm đấm của micro. Vinh quá hiểu điều đó...
CCKM
Thể thao & Văn hóa cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất