18/03/2016 06:03 GMT+7 | Các ĐTQG
(giaidauscholar.com) - Việc Anh Đức thực tế đã nói lời giã từ sự nghiệp thi đấu quốc tế từ trước đợt triệu tập ĐTQG lần này (Tấn Tài cũng thế), trong khi Văn Quyết vì án kỷ luật ở CLB mà bị lỡ hẹn với ĐTQG đã khiến hàng công của ĐT Việt Nam hao hụt đáng kể. Nhưng, người ta tin rằng HLV Nguyễn Hữu Thắng không vì thế mà bị động trong bày binh bố trận.
Cái khó ló cái khôn
Có thể nói, Anh Đức là mẫu tiền đạo toàn diện nhất của bóng đá Việt Nam vào thời điểm hiện tại. Đức có thể chơi trung phong cắm, đá lùi hoặc dạt biên với kỹ năng dứt điểm cầu môn rất đa dạng. Một vài mùa giải gần đây, Đức còn mài giũa được khả năng sút phạt hàng rào khá lợi hại.
Sau năm lần bảy lượt, không được trọng dụng trong màu áo các ĐTQG, Đức có lẽ vì nản mà nói lời chia tay. Tất nhiên, chúng ta tôn trọng quyết định của Anh Đức và cũng cần phải xem lại, ai đã tư vấn để HLV Hữu Thắng điền tên một cầu thủ không còn khát vọng?!
Sau AFF Cup 2010, cựu tiền vệ đội trưởng ĐT Việt Nam là Nguyễn Minh Phương cũng đã nói lời chia tay và danh hiệu QBV năm ấy mà người ta bầu cho Phương được coi như một hành động tri ân dành cho những đóng góp to lớn của anh.
Nhưng trường hợp của Anh Đức thì khác, bởi tiền đạo đội trưởng B.Bình Dương gần như chưa có đóng góp đáng kể nào cho sắc áo ĐTQG kể từ năm 2005. Việc Anh Đức không lên ĐTQG chắc chắn là một thiệt thòi. Trong đó, chúng ta cũng cần phải xem lại trọng trách, cũng như vai trò của một “nam vương”, khi Đức đang là đương kim QBV Việt Nam 2015.
Vắng Anh Đức và Văn Quyết, cơ hội đương nhiên sẽ mở ra với những người còn lại như Đình Tùng (FLC Thanh Hoá), Mạc Hồng Quân (Than Quảng Ninh), Văn Toàn (HAGL) và tất nhiên cả Công Vinh, cầu thủ gần như đã cầm chắc suất chính trên hàng công của ĐT Việt Nam dưới thời HLV Hữu Thắng.
Với một hàng tiền đạo không trung phong cắm, khả năng gây sức ép lên cầu môn đối phương dĩ nhiên bị giảm thiểu. Tuy nhiên, đây lại là cơ hội để HLV Hữu Thắng thực hiện những thử nghiệm mà ông đã phác thảo về một lối chơi ban bật ít chạm.
Đá với tiền đạo ảo
ĐT Việt Nam đang sở hữu những cầu thủ tấn công có khả năng ra chân lợi hại. Đình Tùng, Thanh Trung (QNK Quảng Nam), Minh Tuấn (Than Quảng Ninh), Văn Thắng… thuộc số đó, với trung bình trên dưới 10 bàn thắng/mùa giải cho CLB ở vị trí một tiền đạo cánh. Về mặt này, thì Công Vinh đã cùn đi rất nhiều, còn Mạc Hồng Quân không… “đủ tuổi” để ngồi cùng mâm. Người còn lại là Văn Toàn lại quá vô duyên trước cầu môn đối phương, dù tiền đạo này đã và đang rất tiến bộ, nhờ được trao nhiều cơ hội trong màu áo HAGL ở V-League.
Với tư duy làm chiến thuật mà HLV Nguyễn Hữu Thắng theo đuổi, trong đó đề cao khả năng kiểm soát bóng và gân sức ép trên phần sân đối thủ, thì đội bóng hoàn toàn có thể chơi bằng các tiền đạo ảo. Bằng sự linh động của các mũi công, khi đưa được bóng tiến sát khu vực cấm địa đối phương, chúng ta có đủ các phương án tiếp cận cầu môn: Đột phá qua người hoặc đập nhả, bật tường, trước khi dứt điểm. HLV Hữu Thắng khi không thể xây cao hàng công, lẽ đương nhiên sẽ hạn chế tối đa các quả lật cánh tầm cao, mà ưu tiên chơi bóng mặt đất.
Tiền đạo ảo là khái niệm không mới, nhưng chúng ta chỉ thấy được sự lợi hại ở bóng đá đẳng cấp cao. Năm 2008, HLV Henrique Calisto gần như đã đạt đến cảnh giới với lối chơi này, khi Việt Thắng cũng được kéo xuống rất thấp, chia sẻ nhiệm vụ săn bóng, phòng ngự từ xa và hỗ trợ tấn công, thay vì đá xoay lưng với cầu môn đối phương. Thắng chỉ ghi vỏn vẹn 2 bàn thắng ở kỳ AFF Cup mà chúng ta lần đầu lên ngôi, nhưng những đóng góp cho lối chơi chung là rất đáng kể. Ở các trận bán kết và chung kết, Quang Hải, Vũ Phong và Công Vinh là những người ghi bàn từ triết lý này.
Thời thế đã khác nhiều, con người (cầu thủ) cũng thế, HLV Nguyễn Hữu Thắng càng không thể so với HLV Calisto. Nhưng ông Thắng hoàn toàn có thể học hỏi tiền bối người Bồ Đào Nha để áp dụng trong bối cảnh này.
Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất