Nhờ Mouratoglou, Serena mới “vô đối”

11/09/2015 15:01 GMT+7 | Tennis

(giaidauscholar.com) - Đối đầu với chị gái Venus, Serena Williams không gặp nhiều khó khăn để lọt vào Bán kết US Open 2015. Nhưng ở vòng 2 tuần trước, ít nhiều, tay vợt số 1 thế giới cũng đã bị Kiki Bertens gây khó dễ.

Tỷ số của trận đấu là 7-6 (5), 6-3, có lúc khiến không ít người hâm mộ cảm thấy lo lắng, nhất là ở set đấu đầu tiên. Tuy nhiên, đối với Serena, điều đó bình thường thôi. Cô vẫn tỏ ra rất bình tĩnh, có phương pháp với mỗi cú đánh của mình, đặc biệt là ở các pha giao bóng.

Phải nói rằng Serena càng chơi càng hưng phấn, chắc chắn, đầy kinh nghiệm. Điều này không đến ngay lập tức mà là sự khổ luyện, tập trung hoàn toàn vào tư duy kỹ thuật, chiến thuật, đặc biệt trong 3 năm qua, dưới sự dìu dắt của HLV Patrick Mouratoglou.

Mouratoglou đã cùng Serena thực hiện những phân tích trước mỗi trận đấu về kỹ thuật, chiến thuật của đối thủ sắp đối đầu và cả thói quen của cô.

Cô em nhà Williams bắt đầu hợp tác với Mouratoglou vào năm 2012 sau khi bị loại ngay từ vòng 1 Roland Garros trước Virginie Razzano. Đó cũng là kết quả thảm hại nhất của tay vợt người Mỹ tại một giải Grand Slam. Ở thời điểm đó, Serena đã có 12 danh hiệu Grand Slam nhưng ngay cả khi cô vẫn sở hữu những cú giao bóng khủng hay lối tấn công mạnh mẽ vũ bão, thì sự ổn định vẫn luôn là vấn đề đối với cô.

“Rõ ràng là, khi làm việc với Patrick, những điểm yếu của tôi đã được cải thiện rõ rệt. Tôi cũng đặt ra những mục tiêu khác nhau, thay đổi những thứ không còn có tác dụng trong phong cách chơi của mình”, Serena nhận xét về HLV và cũng là bạn trai của cô trong một cuộc họp báo khởi động US Open.

Công bằng mà nói, thực ra nền tảng của sự thay đổi ở Serena đã được thiết lập trước khi cô làm việc với Mouratoglou: Hợp tác cùng HLV thể lực Mackie Shilstone từ năm 2008. Ở thời điểm đó, Serena vừa thoát khỏi chứng tắc phổi đe dọa mạng sống của cô. Nhưng phải đến khi Mouratoglou tới, mọi thứ mới rẽ sang hướng khác, dù rằng chuyện công việc giữa họ còn bị ảnh hưởng bởi mối quan hệ tình ái đằng sau đó.

Sau khi làm việc với vị HLV người Pháp này, tỷ lệ chiến thắng của Serena trước các tay vợt Top 10 tại các giải Grand Slam là 91% (52 trận thắng, 5 trận thua). Còn trước khi Mouratoglou xuất hiện, con số chỉ là 65% với 111 chiến thắng và 59 chiến bại. Không có Mouratoglou, Serena giành được 12 chức vô địch Grand Slam trong tổng số 47 giải tham dự (26%). Còn khi có anh, cô giành thêm 8 trong tổng số 13 giải (62%).

“Trước khi chúng tôi làm việc với nhau, cô ấy tất nhiên là đã hiểu rõ rất nhiều tay vợt, nhưng không phải tất cả. Nhưng bây giờ, khi trao đổi công việc với nhau, chúng tôi nói và phân tích về đủ mọi thứ của một đối thủ, từ chiến thuật, sức mạnh, điểm yếu của họ. Rồi cả những cú giao bóng một, hai của đối thủ nữa. Bạn có càng nhiều thông tin thì bạn càng sẵn sàng cho các cuộc đối đầu. Sau đó, sử dụng những điểm mạnh của bạn để đánh bại điểm yếu của đối phương là một điều hết sức thú vị. Cô ấy thích như vậy, tôi nghĩ thế”, Mouratoglou chia sẻ.

Serena gọi bố mình, ông Richard, là vị HLV đầu tiên, và “có lẽ là HLV tuyệt vời nhất”. “Ông ấy chỉ huấn luyện 2 người nhưng có cả tá danh hiệu”, Serena nói về bố mình khi nhắc tới 28 chức vô địch Grand Slam của cô và Venus, cũng như 13 lần giành danh hiệu này ở nội dung đôi nữ cùng nhau, 4 lần ở nội dung đôi nam nữ, 2 HCV Olympic đơn nữ, 3 HCV đánh đôi.

Tuy nhiên, ở tuổi 33, những điều cô đã và đang làm được vượt xa sức tưởng tượng của nhiều người. Và để thực hiện được nó, công của Mouratoglou là rất lớn. Một Serena Williams "độc cô cầu bại" cũng là nhờ HLV người Pháp này mà ra.


Yến Nhi
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm