06/03/2013 04:57 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Trước sự ra đi của nghệ nhân bậc thầy hát xẩm Hà Thị Cầu, có lẽ bên cạnh sự tiếc thương, buồn đau của những ai yêu tiếng hát, tiếng đàn của cụ, sẽ còn có những lo lắng khi mất đi sự kết nối giữa các thế hệ trong việc gìn giữ, lưu truyền nghệ thuật hát xẩm.
Nghệ nhân Hà Thị Cầu trên chiếu xẩm (Ảnh tư liệu).
Kể từ khi ra đời, nghệ thuật hát xẩm đã chịu không ít thăng trầm từ sự nhìn nhận về nghề, sự bỏ quên không được chăm sóc, sự đứt đoạn giữa các thế hệ.
Xẩm “sống” trên phố cổ Hà Nội
Sau cả một thời gian dài từ những năm 1954 bị "bỏ quên" trong lịch sử cũng như trong đời sống bởi nhiều lý do, cho đến năm 2005, Trung tâm Phát triển Nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam mới chủ trương khôi phục hát xẩm bằng việc trình diễn trước công chúng vào tối thứ 7 hằng tuần tại con phố đi bộ Hàng Ngang, Hàng Đào.
Đã gần 10 năm thực hiện dự án này, không kể ngày nắng cũng như ngày mưa, chương trình không quảng cáo, không bán vé, cũng không có ghế ngồi nhưng vẫn luôn thu hút khán giả.
Nhà nghiên cứu Thao Giang – Phó GĐ Trung tâm - chia sẻ: "Vào thời điểm 2005, có thể nói việc khôi phục lại xẩm là một hành động liều lĩnh của trung tâm. Khi thuyết trình để đưa xẩm ra phố cổ, nhiều người không đồng tình vì họ nghĩ hát xẩm là ăn xin. Còn thực tế, hát xẩm không phải là hát rong, hát xẩm có đầy đủ tư cách như một nghề, một loại hình nghệ thuật chuyên nghiệp. Và chương trình diễn ra được công chúng đón nhận là bởi chúng tôi làm đúng theo những cái nhân dân chờ đợi".
Xây dựng lại một diện mạo đầy đủ của xẩm qua chương trình này, những người tổ chức đã học tập cách làm của những nghệ nhân xưa mặc dù trên một sân khấu ngoài trời, việc tái hiện môi trường diễn xướng dành cho từng loại xẩm là hạn chế.
Với 25 nghệ nhân, trung tâm duy trì bốn điểm diễn xẩm là đình Kim Ngân, đình Đồng Lạc (Hàng Đào), đình Quan Thánh Đế (Hàng Buồm) và đình Cổ Vũ ( Hàng Gai). Từ 2010 đến nay, cứ từ mùng 2-10 Tết hằng năm chương trình diễn ra tại cả bốn địa điểm, còn chương trình hằng tháng chỉ thực hiện được tại Hàng Đào vì lý do thiếu kinh phí.
Rất nhiều nỗ lực phục hồi hát xẩm
Chưa ai học được "chất" của bà Cầu
Nghệ nhân Hà Thị Cầu - người duy nhất làm nên diện mạo của hát xẩm làng quê đã ra đi, điều đó cũng có nghĩa một lần nữa trong lịch sự lại diễn ra sự "đứt –gãy" trong việc nối tiếp các thế hệ của các nghệ nhân.
Đã có rất nhiều thế hệ trẻ đến học bà Cầu, từ ca sĩ Thái Thùy Linh, Vũ Thị Sợi, Mai Tuyết Hoa nhưng có người không học nổi một câu hát, có người học được một bài, có người đến thỉnh giáo chứ chưa học được gì. Cái sự học của lớp trẻ dù chỉ là chút chút hay tinh hoa đều "bất thành" nên để gọi là truyền nhân của bà xem ra còn xa vời lắm. Thậm chí, hiện nay chúng ta không thể bắt chước cũng như chưa hệ thống được những phương pháp thanh nhạc của nghệ nhân Hà Thị Cầu.
Nhà nghiên cứu Thao Giang thừa nhận: “Chúng ta đã cố gắng làm như nghệ nhân xưa nhưng cũng chợt giật mình vì chúng ta không sáng tạo được như bà cho dù ngày nay chúng ta được trang bị kiến thức đầy đủ. Lớp kế cận hiện nay là những người còn rất trẻ, họ vẫn đang cố giữ lại những phương pháp hát của những nghệ nhân xưa nhưng có lẽ một khi di sản sống đã mất đi thì dù qua băng đĩa cũng khó có thể học được”.
Còn tài liệu hát xẩm hiện có ở trung tâm cũng rất ít ỏi, có những tư liệu chỉ còn hình ảnh mà không xác định được là nghệ nhân nào, hát bài bản gì, diễn xướng ở đâu? Trong số 50-60 bài đã thu âm của xẩm tại trung tâm chỉ có khoảng 20 bản của cụ Hà Thị Cầu - một con số quá ít ỏi đối với sự nghiệp cả đời của bà.
Trò chuyện về nghệ nhân Hà Thị Cầu - một người cả đời sống chết vì nghề, cuộc sống từ lúc trẻ đến lúc già đều không được đầy đủ, no ấm là một nỗi buồn cho những ai yêu tiếng hát, tiếng đàn, sự sáng tạo nghệ thuật của bà, nhà nghiên cứu Thao Giang bày tỏ sự tiếc nuối, giá như tỉnh Ninh Bình tổ chức mỗi tuần hoặc mỗi tháng một buổi để bà Hà Thị Cầu dạy xẩm thì có lẽ không chỉ khiến bà vui, cuộc sống của bà cũng đỡ vất vả mà thế hệ trẻ còn được thừa hưởng những tinh hoa của một nghệ nhân. Nhưng tiếc rằng điều đó sẽ không bao giờ xảy ra được nữa!
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất