Cuộc đời sau ống kính: Những người thầy của tôi

23/06/2024 14:28 GMT+7 | Văn hoá

Tôi chụp ảnh từ năm 1988, khi mượn được những chiếc máy ảnh Zenit, Praktica của bạn thời sinh viên và tự hào là chưa từng mất tiền để học chụp ảnh, vì thầy cũng là bạn, cùng những cuốn sách. Nhưng phải 15 năm sau, tôi mới thực sự cảm thấy mình "biết chụp ảnh" khi gặp những người thầy đúng nghĩa.

Đó là khi tôi được dự lớp học ảnh báo chí do Cục Báo chí, Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), phối hợp với tổ chức SIDA (Thụy Điển) giảng dạy tại Hà Nội. Sau một tuần học lý thuyết và nhất là khi xem những bức ảnh do hai giảng viên Mia Grondahl và Ivon chụp cùng lớp học tại Mộc Châu (Sơn La), tôi như thấy mình đã được "mở mắt" và hoàn toàn bị thuyết phục.

Cuộc đời sau ống kính: Những người thầy của tôi - Ảnh 1.

Nhà nhiếp ảnh Tim Page (Anh, thứ hai từ trái sang) phóng viên chiến trường của AP chọn ảnh cùng các phóng viên ảnh Việt Nam năm 2005 (ông đã mất năm 2022)

Đó là những bức ảnh vừa có khoảnh khắc, kể được câu chuyện mà lại có đầy đủ bố cục, tạo hình, có cả chiều sâu không gian với các lớp lang, chi tiết ở trước và sau đối tượng chính.

Các năm tiếp theo, tôi còn được học các lớp nhiếp ảnh do Quỹ Tưởng niệm báo chí Đông Dương (IMMF) phối hợp với Thông tấn xã Việt Nam tổ chức, giảng viên là những tên tuổi lớn của làng ảnh báo chí thế giới. Đó là James Nachtwey, là Tim Page, là Nick Út và nhiều người khác đều đã từng làm việc cho các hãng thông tấn nổi tiếng thế giới như AP, Reuters, AFP…

Cuộc đời sau ống kính: Những người thầy của tôi - Ảnh 2.

Nick Út, phóng viên người Mỹ gốc Việt với bức ảnh "Em bé napalm" nổi tiếng trên toàn thế giới, đang chọn ảnh trong giờ nghỉ ở lớp học năm 2005

Ở đó, James Nachtwey dạy chúng tôi cách làm sao để có những hình ảnh chứa đầy thông tin, ngập tràn cảm xúc mà vẫn được bố cục và tạo hình tuyệt đẹp về mặt thị giác. Tim Page hướng dẫn cách chọn ảnh sao cho câu chuyện được kể một cách chặt chẽ nhất. Nick Út thì chia sẻ những chuyến tác nghiệp ly kỳ của ông khi thuê trực thăng để chụp tư gia "vua nhạc pop" Michael Jackson.

Nhà nhiếp ảnh tự do Steve Northup người Mỹ thì khuyên: "Sự kiện diễn ra lúc 2 giờ, hãy đến lúc 1 giờ và ở lại đến 3 giờ. Hãy nghĩ trước khi bấm máy, đừng chụp bừa. Một tấm ảnh tốt cũng như một bản nhạc, có bắt đầu, có kết thúc".

Cuộc đời sau ống kính: Những người thầy của tôi - Ảnh 3.

Bà Mia Grondahl, giảng viên của SIDA (Thụy Điển) tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền (năm 2003)

Bà Chikako Yatabe, người Nhật, biên tập viên ảnh của AP thì khuyên các phóng viên nữ: "Đừng bao giờ đi giày cao gót, không đeo đồ trang sức và nếu có thể thì tập vài thế võ để sẵn sàng đón những cú huých và huých lại khi tác nghiệp".

Những câu chuyện như thế, tôi đã được nghe từ họ, những người thầy ngoại quốc đáng kính và thuộc nằm lòng để mỗi khi có cơ hội lại chia sẻ với các đồng nghiệp trẻ.

Có thể nói, họ đã góp phần giúp cho không chỉ cá nhân tôi mà còn nhiều đồng nghiệp khác tốt lên khá nhiều trong thời gian vừa qua. Xin được tri ân họ một lần nữa.

Lưu Quang Phổ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm